Chị Ngô Thị Hương (SN 1992, thôn Vĩnh Nam, xã Bình Trị, Thăng Bình) với tuổi thơ từng thích thú nuôi heo đất và sự trăn trở cảm thấy những thú vui công nghệ nhạt nhẽo của trẻ em ngày nay, Chị quyết định chọn con đường khởi nghiệp cho riêng mình bằng sản xuất heo đất. Heo đất vơi nhiều hình dạng màu sắc bắt mắt được thị trường ưa chuộng.
Bước qua khó khăn cho con đường khởi nghiệp vì đam mê
Ở vùng đất Thăng Bình đó nằm khuất sâu trong rừng keo là địa chỉ sản xuất heo đất của chị Hương. Tuy nắm sâu trong rừng keo nhưng không quá khó để tìm được bởi người dân nơi đây không ai còn lạ gì với cô gái 9x giỏi tính toán, kinh doanh, chịu khó và cần cù.
Dù chỉ mới 7h sáng Chị Hương với đôi bàn tay thoăn thoắt đổ bột vào khuôn cao su, lắc vài vòng để bột bám đều vào khuôn chừng 1 phút rồi quay sang trò chuyện cùng chúng tôi: Chị nói rồi cười khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi tóc đã bết vào trán.
Chị kể tiếp, lúc nhỏ mỗi lần tới tết chị thường được ba mẹ mua cho heo đất để bỏ tiền lì xì. Sau tết, chị còn dành dụm, tiết kiệm thêm, chuẩn bị vào năm học mới thì đập heo để sắm đồ mới, cặp sách… Sau này lớn, đi học xa nhà, chị cũng giữ thói quen nuôi heo đất để tiết kiệm, những vật dụng của chị từ chiếc máy tính xách tay, đến điện thoại… gần như đều từ nuôi heo đất mà có. Với chị, heo đất không những là tuổi thơ mà còn là người bạn đồng hành.
Chị Hương có thời gian phụ việc cho một tiệm đồ gốm ở Đà Nẵng, thấy nhu cầu thị trường về heo đất khá cao, nên đã quyết định ra Hà Nội học nghề. Sau gần nửa năm học nghề ở làng gốm Bát Tràng, chị Hương về Đà Nẵng mở xưởng sản xuất heo đất với thương hiệu “Tặng heo đất là tặng tuổi thơ”.
Gọi là heo đất nhưng sản phẩm của chị được làm từ thạch cao. Chị cho rằng, làm bằng đất phải qua nhiều công đoạn nhào nặn, nung nấu còn với thạch cao thì đơn giản hơn nhiều. Tuy vậy, thời gian đầu mới ra nghề, những sản phẩm của chị đa số đều bị lỗi.
Chị Hương loay hoay từ 7h sáng để đổ bột vào khuôn làm heo đất
“Lúc đó mình chưa có kinh nghiệm, con hàng hư, phải điện thoại ra Hà Nội để nhờ họ tư vấn. Nhưng làm thạch cao thì muôn nghìn lỗi nên mình cũng tự rút kinh nghiệm cho bản thân, khắc phục nhiều lần thì con hàng hoàn chỉnh hơn. Mình nghĩ, trong con đường khởi nghiệp, phải biết vượt qua thất bại. Mình biết điều đó và phải nỗ lực hơn nữa và cái quan trọng là mình đam mê sản phẩm này, khó mấy cũng vượt qua, không bao giờ từ bỏ ước mơ” – Chị Hương nói.
Mở rộng sản xuất heo đất đến thị trường
Khi số lượng khách hàng thân thuộc ổn định, mô hình của chị Hương cần mặt bằng rộng và nhiều nhân công hơn để đảm bảo nguồn cung, xưởng ở Đà Nẵng không đáp ứng được điều đó, chị quyết định về quê sản xuất.
Hiện tại, mỗi ngày, xưởng heo đất của chị Hương sản xuất được khoảng 300 sản phẩm các loại. Mỗi lứa sản phẩm phải trải qua 14 ngày phơi nắng để thạch cao và nước sơn được khô đều. Heo đất của chị được đầu tư khá kỹ về hình thức và mẫu mã. Chị Hương liên tục cập nhật những mô hình thú cưng lạ lẫm, bắt mắt để thay đổi khuôn mẫu, đáp ứng nhu cầu về tính đa dạng của khách hàng.
Ngoài heo đất truyền thống, chị còn sản xuất các loại con vật khác như chuột, chó, mèo… Tính trung bình, mỗi tháng chị cung cấp ra thị trường khoảng 2.500 sản phẩm, doanh thu đạt hơn 63 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 22 triệu đồng. Hiện tại, mô hình của chị đang sử dụng 4 lao động thường xuyên, mỗi người có mức lương từ 5 – 6 triệu đồng/tháng.
Chị Hương đang nhắm đến đối tác là các công ty bảo hiểm, ngân hàng, với nhu cầu in logo của doanh nghiệp lên heo đất, làm quà tặng tri ân khách hàng. Đây là thị trường tiềm năng và ổn định nhưng yêu cầu của đối tác cũng khá cao, đòi hỏi sản phẩm phải chất lượng và đảm bảo nguồn cung ổn định.
“Hiện tại, thị trường bán lẻ thì mình không thiếu, kể cả những thị trường lớn, ổn định. Nhưng muốn bắt tay với đối tác lớn thì phải mở rộng quy mô sản xuất. Sắp tới, mình sẽ mở rộng thêm không gian xưởng, xây thêm sân phơi, trang bị thêm máy phun sơn hiện đại để đẩy kịp tiến độ mỗi dịp cận tết” – chị Hương chia sẻ.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình – bà Nguyễn Thị Pho từng đến thăm mô hình sản xuất heo đất của chị Hương cho biết: “Mô hình đơn giản nhưng rất hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ địa phương. Đặc biệt, sản phẩm heo đất mang giá trị truyền thống cao, quá trình sản xuất không ảnh hưởng đến môi trường là hướng đi tốt. Tôi tin rằng, mô hình của chị Hương sẽ ngày càng phát triển và thành công hơn nữa”.
Nguồn: http://weshub.vn/ tổng hợp baoquangnam.vn