Tham dự chương trình có: bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông Ngô Văn Cương, Bí thư TƯ Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Đoàn…
Phát biểu tại chương trình, ông Ngô Văn Cương, Bí thư TƯ Đoàn, cho biết: Năm 2024, trong khuôn khổ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức Cuộc thi sản xuất sản phẩm truyền thông trên nền tảng số về nâng cao nhận thức bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với chủ đề "Rẻo cao hạnh phúc" diễn ra từ ngày 28/6 đến 28/8/2024.
Sau 2 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng nhiệt tình, sâu rộng của các bạn đoàn viên, thanh niên trong và ngoài nước. Hơn 1,6 triệu tác phẩm dự thi gửi về Ban Tổ chức đều được đầu tư công phu, kỹ lưỡng với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo như: infographic, poster, tranh cổ động…
Các tác phẩm đã tuyên truyền, lan tỏa thông điệp tích cực về cuộc sống bình đẳng, an toàn, hạnh phúc, không có bạo lực và phân biệt nam nữ, nói không với tảo hôn, định kiến giới, khuôn mẫu giới, qua đó góp phần kêu gọi xóa bỏ hủ tục, định kiến, xây dựng cộng đồng văn minh, gia đình hạnh phúc.
Ban tổ chức triển lãm các tác phẩm tiêu biểu tham gia cuộc thi
Chia sẻ về vai trò của thanh niên trong thực hiện công tác bình đẳng giới, bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, cho biết, gia đình có vai trò rất quan trọng trong vấn đề bình đẳng giới. "Một nghiên cứu gần đây nhất của chúng tôi được thực hiện với gần 3.000 nam giới từ 18 - 60 tuổi cho thấy, những người đàn ông nếu được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc thì lớn lên là người rất hòa nhã. Còn những người lớn lên trong những gia đình có xung đột bạo lực, phải chứng kiến cha mẹ mình có mâu thuẫn, bạo hành với nhau, hoặc cha mẹ bạo hành với con cái thì rất ảnh hưởng đến hành vi của họ. Họ cũng có những hành vi bạo lực với vợ, với con. Còn những người có quan điểm bảo thủ về bình đẳng giới, về vai trò của phụ nữ thì cũng do họ từng lớn lên trong những gia đình mà tràn ngập định kiến giới. Ở đó, những người đàn ông coi thường phụ nữ, có những nhận xét không tôn trọng phụ nữ".
Có thể nói, gia đình là một trong những tác nhân quan trọng nhất để ảnh hưởng đến sự nhận thức về giới và hình thành nên những tư duy về bình đẳng giới. Việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho các đoàn viên, thanh niên - những người làm cha, làm mẹ sau này - là rất quan trọng.
"Các đoàn viên, thanh niên có thể tham gia những hoạt động, những tổ chức xã hội như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… Ở đó, các bạn có nhiều cơ hội tham gia các khóa học, sự kiện, chương trình để thay đổi, nâng cao nhận thức, có được những kiến thức tốt, kỹ năng tốt để bước vào cuộc sống của người trưởng thành, các bạn được học cách làm một công dân thế nào để tạo ra một xã hội bình đẳng. Các bạn sẽ cho con cái của mình một gia đình hạnh phúc. Và khi con lớn lên trở thành những công dân có quan điểm lành mạnh, có tư tưởng bình đẳng, có những hành vi tôn trọng phụ nữ. Đặc biệt, các bạn đoàn viên, thanh niên rằng hãy thay đổi hành vi từ chính bản thân mình, chính những người xung quanh mình bằng những câu chuyện, lời nói, hành vi của mình để mọi người cùng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới", bà Khuất Thu Hồng cho biết.
Nói về định kiến giới ảnh hưởng đến nhiều bạn trẻ, Võ Lê Yến Trân (sinh viên Trường ĐH Drexel, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ) với tác phẩm "Khu rừng của những chiếc nón" đạt giải Nhì cuộc thi, chia sẻ: Chiếc nón là định danh của mỗi người. Mỗi người đội chiếc nón khác nhau. Người đội chiếc nón của bác sĩ, người đội chiếc nón của giáo viên, người đội chiếc nón của công nhân, người đội chiếc nón của người nội trợ… Tuy nhiên, định kiến xã hội không cho phép nhiều người đội chiếc nón của người khác. Điều em muốn truyền thông điệp qua tác phẩm của mình, đó là mỗi người, đặc biệt là các bạn nữ rằng không ai có quyền quyết định chiếc nón cuộc đời các bạn, trừ chính các bạn.
Các đại biểu và các tác giả đạt giải chụp ảnh tại chương trình. Ảnh: Bảo Anh
Kết quả: Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất cho tác phẩm "Bình đẳng giới - Phép nhiệm màu cho đại ngàn yêu thương", tác giả Nguyễn Thị Thảo (Trưởng ban Hành chính - trị sự, Tạp chí điện tử Kinh doanh và phát triển, Hà Nội). 2 giải nhì: Tác phẩm "Khu rừng của những chiếc nón", tác giả Võ Lê Yến Trân (sinh viên Trường ĐH Drexel, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ); Tác phẩm "Bình đẳng giới", tác giả Nguyễn Ngọc Linh Phương (giáo viên Trường THCS Lê Quang Định, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ngoài ra, BTC trao 3 giải Ba, 4 giải Khuyến khích, 1 giải bình chọn cho tác phẩm được nhiều lượt bình chọn nhất.
Sau cuộc thi, các tác phẩm tiêu biểu sẽ được chia sẻ rộng rãi trên các trang báo chí của Đoàn, các trang tin điện tử, trang cộng đồng trên mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho thanh thiếu nhi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.