Tin tức\Câu chuyện khởi nghiệp

"Nghề" lạ tạo nguồn thu cho đồng bào dân tộc Mường

 26/09/2024 09:02   Tag:

Bằng việc lên nương nhặt những mảnh đá tai mèo về vệ sinh sau đó bán cho những lái buôn giúp nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình có thêm nguồn thu.
"Nghề" lạ tạo nguồn thu cho đồng bào dân tộc Mường

"Nghề" lạ tạo nguồn thu cho đồng bào dân tộc Mường

Bằng việc nhặt đá tai mèo bán cho các đơn vị làm tiểu cảnh trang trí, người dân tộc Mường ở Hoà Bình có thêm nguồn thu nhập.

Bằng việc lên nương nhặt những mảnh đá tai mèo về vệ sinh sau đó bán cho những lái buôn giúp nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình có thêm nguồn thu.

"Nghề" nhặt đá tai mèo

Phú Vinh là xã miền núi thuộc huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Với 99% đồng bào dân tộc Mường sinh sống, Phú Vinh từ lâu vẫn được xem là cái nôi của văn hóa khu vực Mường Bi. Các phong tục tập quán của nhân dân trong xã vì thế cũng mang đậm bản sắc văn hóa Mường.

Với diện tích đất nông nghiệp chiếm đến 89,61% tổng diện tích tự nhiên (3.656,15 ha), nghề nông vẫn là một trong những nghề chủ lực của người dân nơi đây.

Tuy nhiên, những khi thời vụ nông nhàn, đồng bào dân tộc ở xã Phú Vinh đã biết tận dụng địa hình, khai thác các sản phẩm từ tự nhiên để mang lại nguồn thu gia đình. Đó là "nghề" mà người dân địa phương vẫn gọi là khai thác đá tai mèo.

Theo bà Bùi Thị Hương (62 tuổi, trú tại thôn Thỏi Láo, xã Phú Vinh), công việc khai thác đá tai mèo nở rộ lên chừng 2 năm trở lại đây và thu hút đông đảo người dân ở các thôn của xã Phú Vinh.

"Trong quá trình đi làm nương, rẫy trên đồi cao, người dân nhận thấy nhiều viên đá tai mèo có hình thù lạ, cuốn mắt nên bắt đầu lấy về, vệ sinh và trưng bày trong gia đình. Một số người sử dụng những viên đá tai mèo để trang trí cho các tiểu cảnh.

Hòa Bình: “Nghề” lạ tạo nguồn thu cho đồng bào dân tộc Mường- Ảnh 1.

Những tảng đá tai mèo có hình thu đẹp mắt có giá lên đến cả triệu đồng.

Sau này, nhiều người dân ở huyện Tân Lạc, TP Hòa Bình... có nhu cầu thu mua số lượng lớn đá tai mèo này nên trong thôn Thỏi Láo và nhiều thôn xóm khác của xã Phú Vinh hình thành lên công việc này. Nhiều gia đình có thêm nguồn thu tốt những lúc thời vụ nông nhàn", bà Hương cho biết.

Đến bất cứ gia đình nào tại thôn Thỏi Láo thời điểm này cũng dễ dàng có thể bắt gặp những tảng đá, viên đá tai mèo với đủ hình thù lạ mắt trưng bày trước cửa nhà. Tiếng máy phun nước xè xè, tiếng máy đục đẽo ầm ầm khắp thôn.

Theo một người dân chia sẻ, với những viên đá tai mèo nhỏ, sau khi thu nhặt, người dân chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, xếp gom lại để chờ người đến thu mua. Trong khi đó, với những tảng đá to, nhiều người cầu kỳ hơn còn tiến hành đục đẽo, tạo hình, đánh bóng bề mặt để tăng giá trị.

Tạo thêm nguồn thu nhập

Bà Bùi Thị Quang (54 tuổi, người dân tộc Mường ở thôn Thỏi Láo) là một trong những người có thâm niên trong công việc nhặt đá tai mèo. Cuối ngày, bà Quang đang sử dụng máy phun nước để làm sạch số lượng đá tai mèo thu nhặt được.

Theo bà Quang, kinh tế chính của gia đình bà vẫn là làm nương trồng lúa, trồng ngô và chăn nuôi. Những khi rảnh rỗi, chưa tới vụ cấy, vụ gặt, bà Quang thường mang gùi lên những quả đồi gần nhà để nhặt đá tai mèo.

Hòa Bình: “Nghề” lạ tạo nguồn thu cho đồng bào dân tộc Mường- Ảnh 2.

Bà Bùi Thị Quang đang vệ sinh số đá tai mèo nhặt được trong ngày

 

Bà Quang bảo ở Phú Vinh, đá tai mèo nhiều nhưng không phải viên nào cũng nhặt được. Trước kia, khi mới hình thành công việc này, nhiều người dân ở Thói Láo cũng rủ nhau lên đồi nhặt đá.

Tuy nhiên, khi nhặt về, đại đa số đá không được người ta thu mua. Sau này, một số người thu mua đưa ra tiêu chí đối với những viên đá tai mèo. Theo đó, những viên đá có màu đẹp, hình thù kỳ dị, đặc biệt sẽ được chọn mua. Chính vì thế mà dù đá tai mèo nhiều nhưng có đi cả buổi, người nào thu nhặt nhiều cũng chỉ được 30 – 40kg.

Đá tai mèo sau khi thu nhặt về sẽ được vệ sinh sạch sẽ lớp đất bám bên ngoài bằng nước. Nhà nào có điều kiện hơn sau khi rửa sạch đá với nước sẽ tiếp tục nhúng vào dung dịch axit để làm sạch.

Đồng thời, đây cũng là công đoạn tẩy lớp màu bên ngoài để làm lộ lớp màu nguyên thủy của đá tai mèo. Công đoạn càng tỉ mỉ, những viên đá phô hết ra được hình dáng cũng như màu sắc đặc biệt giá tiền sẽ càng cao.

Theo bà Quang, đá tai mèo được thu mua theo cân. Với những viên đá nhỏ, giá thành rơi vào từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. Những viên đá cỡ trung bình, giá thành có thể lên đến 8.000 – 10.000 đồng/kg. Cá biệt có những tảng đá lớn, người thu mua có thể sẽ phải trả đến tiền triệu/tảng.

"Công việc này giúp nhiều người dân ở thôn Thỏi Láo và các thôn khác của xã Phú Vinh có thêm nguồn thu tốt những khi rảnh rỗi, góp phần ổn định đời sống. Dù là địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Lạc nhưng ở xã Phú Vinh, nhiều người đã xây được nhà to, sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt hiện đại", bà Quang chia sẻ.

Hòa Bình: “Nghề” lạ tạo nguồn thu cho đồng bào dân tộc Mường- Ảnh 3.

Chị Huê đang phân loại những viên đá tai mèo

Chị Đinh Thị Huê (39 tuổi, người dân tộc Mường trú tại thôn Thỏi Láo) cũng là một người có thâm niên trong công việc nhặt đá tai mèo. Theo chị Huê, thu nhặt đá tai mèo đem lại nguồn thu tốt cho gia đình chị. Tuy nhiên, công việc này phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

"Người dân chỉ có thể đi vào thời điểm trời khô ráo. Còn những khi trời mưa bão như mấy hôm trước, đường trơn nên hầu như không thể thu nhặt được. Hơn nữa, những ngày trời mưa, đất cát bám nhiều vào đá dẫn đến khó khăn trong việc vận chuyển cũng như làm sạch", chị Huê cho biết.

Là người trung tuổi, lại có thể sử dụng mạng xã hội nên chị Huê đã sử dụng chính nền tảng này để tìm kiếm được nhiều mối hàng, từ đó có nguồn thu tốt hơn. Khi thu nhặt và làm sạch đá tai mèo, chị Huê thường chụp ảnh, đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng.

"Họ xem hàng, nếu thấy ưng, thấy thích thì họ sẽ đến nơi thu mua. Với những khách ở xa, khi họ có nhu cầu vận chuyển, mình cũng sẽ gửi hàng qua cho họ. Với cách này, giá trị đá sẽ tăng lên, bà con cũng không còn bị ép giá", chị Huê cho biết.

Bà Đinh Thị Diên - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Vinh - cho biết, hiện có nhiều chị em phụ nữ tham gia công việc nhặt đá tai mèo để bán cho các cơ sở làm tiểu cảnh. Tuy nhiên, theo bà Diên, đây chỉ là công việc thời vụ còn nghề chính của bà con vẫn là làm nông, chăn nuôi. "Công việc này giúp người dân có thêm thu nhập, góp phần làm vơi bới gánh nặng kinh tế", bà Diên chia sẻ.

PV

Nguồn: phunuvietnam.vn




Cùng chuyên mục

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp
Chiều ngày 2/10/2024, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng thuyết trình, gọi vốn đầu tư cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024.

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định
Đó là chị Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Giáo, Bình Dương. Chị là cán bộ Hội LHPN duy nhất của Bình Dương trong số 30 cán bộ Hội LHPN chuyên trách xuất sắc trong cả nước vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ nhất năm 2024, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen tặng.

VỀ CHÚNG TÔI

TRỢ GIÚP

Placement are recruiting
Benefits and enviroment at VWBH

TUYỂN DỤNG

Placement are recruiting
Benefits and enviroment at VWBH

LIÊN HỆ

HUB Hỗ trợ Phụ nữ Kinh doanh và Khởi nghiệp
(Vietnam Women’s Entrepreneur and Start-up HUB)
  Trường Trung cấp Lê Thị Riêng,
Số 9-10, đường 9, Phường Phước Bình, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh
  028.62826019
  028.62825973

HUB Hỗ trợ Phụ nữ Kinh doanh và Khởi nghiệp (Vietnam Women’s Entrepreneur and Start-up HUB)