Tin tức\Câu chuyện khởi nghiệp

Người phụ nữ K’Ho thoát nghèo nhờ mô hình đa canh cây trồng

 17/07/2024 03:11   Tag:

Gia đình chị K’Phi (dân tộc K’Ho, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) vốn nhiều khó khăn. Với bản chất chịu thương chịu khó cùng quyết tâm thoát nghèo, chị K’Phi đã vực dậy kinh tế, có của ăn của để, xây được căn nhà cấp 4 khang trang.
Người phụ nữ K’Ho thoát nghèo nhờ mô hình đa canh cây trồng

Gia đình chị K’Phi (dân tộc K’Ho, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) vốn nhiều khó khăn. Với bản chất chịu thương chịu khó cùng quyết tâm thoát nghèo, chị K’Phi đã vực dậy kinh tế, có của ăn của để, xây được căn nhà cấp 4 khang trang.

Bản thân là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 9, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, chị K’Phi luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào, nhiệt tình giúp đỡ hội viên phụ nữ vươn lên trong cuộc sống. 

Trước đây, chị là người xã N’Thol Hạ (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Tốt nghiệp khóa đào tạo y sĩ đa khoa đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên chị K’Phi không đi làm Nhà nước mà ở nhà phụ giúp gia đình. Chị đi làm thuê làm mướn ở xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà. Sau thời gian gắn bó với vùng đất này, chị được già làng cho 1 ha đất sản xuất, chị tự khai hoang thêm được một phần canh tác.

Để phát triển kinh tế gia đình, năm 1992, chị K’Phi chuyển hẳn từ xã N’Thol Hạ về sinh sống, lập nghiệp lâu dài tại xã Tân Thanh. Những năm đầu ở vùng đất mới, vợ chồng chị K’Phi cùng gia đình làm rẫy tỉa lúa, trồng khoai, sắn "lấy ngắn nuôi dài". Diện tích canh tác của gia đình, chị dành phần nhiều trồng và phát triển cây cà phê. Nhằm gia tăng thu nhập ngoài cây cà phê, chị K’Phi mạnh dạn chọn mô hình sản xuất đa canh (trồng cùng lúc nhiều loại cây) trên diện tích hơn 2,5 ha đất sản xuất.

Nhận thấy một số diện tích cà phê già cỗi, kém năng suất, chị K’Phi mạnh dạn đổi hướng canh tác nhằm phát huy hiệu quả năng suất trồng trọt. Cụ thể, gia đình chị chuyển đổi khoảng 0,7 ha cà phê sang trồng cây dâu tằm; số diện tích cà phê còn lại chuyển dần theo hình thức tái canh. Trong quá trình tái canh, khi cây cà phê còn nhỏ, chị trồng xen ngô, đậu và khoai môn sáp vàng. Đồng thời, tận dụng phần đất giáp ranh, bờ suối để trồng cỏ, chuối, đu đủ phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Người phụ nữ K’Ho thoát nghèo nhờ mô hình đa canh cây trồng- Ảnh 1.

Nhờ trồng dâu nuôi tằm, gia đình chị K’Phi có nguồn thu nhập cao

Đến nay, gia đình chị K’Phi đã có trên 22 năm gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm và trở thành mũi nhọn trong hành trình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của gia đình. "Để phát triển kinh tế gia đình, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, năm 2017, tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng cùng với số tiền tích lũy của gia đình, đầu tư xây dựng nhà nuôi tằm với diện tích 120 m2. Tôi mua sắm các dụng cụ nuôi tằm với tổng kinh phí 400 triệu đồng", chị K’Phi phấn khởi cho hay.

Được biết, với diện tích trên, nhà tằm của gia đình chị K’Phi có công năng cùng lúc có thể nuôi trên 3 hộp tằm con/lứa, theo hình thức nuôi trên nền nhà. Theo ước tính của chị K’Phi, vài năm trở lại đây, khi vùng nguyên liệu được đảm bảo, gia đình chị thường xuyên nuôi trên 30 hộp tằm con/năm, mỗi hộp bình quân đạt 70 kg kén. Như vậy, mỗi năm, gia đình chị K’Phi cung cấp khoảng 2.100 kg kén tằm cho thị trường. Với giá kén hiện nay khoảng 225.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu về trên 40 triệu đồng/tháng.

Tại thị trường Lâm Đồng những năm trở lại đây, giá kén tằm luôn ổn định ở mức cao và dao động trên dưới 200.000 đồng/kg. Với giá bán này, nghề trồng dâu nuôi tằm đã giúp cho gia đình chị Phi đạt mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí.

Bên cạnh nguồn thu từ nghề trồng dâu nuôi tằm, vườn cà phê tái canh bằng giống cao sản của gia đình chị K’Phi cũng đã cho năng suất ổn định, bình quân sản lượng mỗi năm đạt trên 6 tấn. Ngoài ra, chị Phi còn nuôi mỗi năm 4 lứa vịt, mỗi lứa 100 con, thu lãi khoảng 80 triệu đồng/năm.

Người phụ nữ K’Ho thoát nghèo nhờ mô hình đa canh cây trồng- Ảnh 2.

Vườn cà phê tái canh bằng giống cao sản cho năng xuất cao. Ảnh minh hoạ

Nhờ quyết tâm làm kinh tế thoát nghèo, chọn hướng đi phù hợp với mô hình đa canh, gia đình chị đã từng bước trả hết nợ vay ngân hàng, có vốn xây nhà, đầu tư xây dựng cơ ngơi sản xuất khang trang.

Ngoài làm kinh tế giỏi, lan toả tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, chị K’Phi còn nhiệt tình, năng nổ tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Với trên 20 năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 9, Tổ trưởng tổ vay vay vốn địa phương, chị K’Phi không những làm tốt trách nhiệm được giao, mà còn "truyền lửa" cho chị em hội viên phụ nữ trong vùng về tinh thần vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Chị là điểm tựa tinh thần, thường xuyên gần gũi, sâu sát, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của chị em hội viên phụ nữ; tích cực giúp đỡ, vận động chị em phụ nữ đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, thực hiện bình đẳng giới... 

 

Học tập chi K’Phi theo nghề trồng dâu, nuôi tằm, nhiều hội viên phụ nữ trong thôn đã có cuộc sống ổn định, góp phần xoá nghèo ở địa phương.

Nguồn: phunuvietnam.vn

HKD

 
 
 

Cùng chuyên mục

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp
Chiều ngày 2/10/2024, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng thuyết trình, gọi vốn đầu tư cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024.

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định
Đó là chị Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Giáo, Bình Dương. Chị là cán bộ Hội LHPN duy nhất của Bình Dương trong số 30 cán bộ Hội LHPN chuyên trách xuất sắc trong cả nước vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ nhất năm 2024, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen tặng.