Tin tức\Câu chuyện khởi nghiệp

Ứng dụng công nghệ thông tin để tăng doanh số bán bánh tráng trộn

 18/07/2024 03:03   Tag:

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng cơ hội bán hàng online trên mạng xã hội, chị Đặng Thị Minh (ấp Tân Tiến, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM) đã khởi nghiệp thành công với nghề bán bánh tráng trộn - món quà vặt nổi tiếng tại TPHCM.
Ứng dụng công nghệ thông tin để tăng doanh số bán bánh tráng trộn

Chị Đặng Thị Minh khởi nghiệp với nghề bán bánh tráng trộn. Ảnh: NVCC.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng cơ hội bán hàng online trên mạng xã hội, chị Đặng Thị Minh (ấp Tân Tiến, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM) đã khởi nghiệp thành công với nghề bán bánh tráng trộn - món quà vặt nổi tiếng tại TPHCM.

Chị Minh cho biết, gia đình chị không có truyền thống kinh doanh, chỉ làm nông đơn thuần. Sau khi lập gia đình riêng, chị chủ yếu ở nhà làm nội trợ và không có công việc ổn định. Trước khi chị khởi nghiệp, chồng chị làm nhân viên bán vé xe buýt, cuộc sống gia đình phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của người chồng nên gặp nhiều khó khăn, thiếu trước hụt sau.

Mong muốn có thêm thu nhập, khẳng định bản thân trong xã hội, cộng với sự động viên từ những chị em phụ nữ tại địa phương, chị Minh đã quyết định kinh doanh bánh tráng trộn với quy mô nhỏ lẻ.

Chị Minh chia sẻ: "Bước đầu, tôi chỉ bán cho các em trong xóm và những em học sinh ở trường học gần nhà. Giai đoạn mới ra bán, mỗi ngày chỉ bán được vài ba chục nghìn đồng không đủ trang trải hàng ngày. Nghề này tưởng đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy cần phải học hỏi rất nhiều. Bánh tráng trộn không ngon, vị nhạt nhòa, hình thức xấu sẽ không có khách. Nhiều lúc cũng nản lắm nhưng tôi tự nhủ với bản thân phải cố gắng, kiên trì tìm cách đổi mới. Tôi thăm dò ý kiến của khách hàng rồi rút kinh nghiệm dần dần. Tôi sáng tạo để cho bánh tráng có đa dạng hương vị hấp dẫn. Nhờ đó, tay nghề của tôi được nâng lên. Sản phẩm bánh tráng trộn được nhiều người mua ủng hộ".

Khởi nghiệp với món ăn vặt - bánh tráng trộn - Ảnh 1.

Chị Minh (trái) đưa sản phẩm đi giới thiệu

Năm 2012, chị quyết định mở rộng quy mô với thương hiệu "Bánh tráng Minh Minh". Chị học hỏi và tạo ra các sản phẩm bánh tráng thơm ngon, đậm đà. Chị Minh còn tìm hiểu bổ sung thêm những gia vị mới lạ, tạo công thức mới, làm cho bánh tráng trộn của mình mang một hương vị riêng, thu hút nhiều khách hàng với đủ mọi lứa tuổi.

"Muốn làm ra được một bịch bánh tráng trộn ngon, giá rẻ và đảm bảo an toàn thực phẩm, đòi hỏi phải trải qua rất nhiều công đoạn. Mỗi bịch bánh tráng trộn được đóng gói rất cẩn thận, tỉ mỉ từng chút một. Mỗi sản phẩm phải phù hợp với khẩu vị từng vùng miền mới thu hút được khách", chị Minh cho hay.

Một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần cho sự thành công của chị chính là ứng dụng công nghệ thông tin. Chị đã chủ động tìm hiểu và xây dựng kênh facebook "Bánh tráng Minh Minh" và quảng bá trên các hội, nhóm khác nhau. Sau một thời gian sản phẩm của chị được rất nhiều người dân trên mọi miền ưa chuộng và tiêu thụ ngày càng nhiều. Chị học hỏi xây dựng các nội dung video sinh động, quảng bá sản phẩm đến khách hàng, nhờ đó đơn hàng online tăng lên khá nhiều.

Hiện nay, sản phẩm bánh tráng trộn của chị được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn nhờ có thương hiệu, có nhãn mác rõ ràng. Sản phẩm không những tiêu thụ nội địa mà còn được xuất khẩu bán sang nước ngoài. Thu nhập của gia đình sau khi trừ đi chi phí còn lãi khoảng từ 50 triệu đồng/tháng.

Chị Minh cho biết: "Cơ sở sản xuất của gia đình hiện tại giải quyết việc làm cho 20 đến 25 lao động nữ tại địa phương, mỗi tháng thu nhập khoảng 6 triệu đồng trở lên tùy theo sức lao động của mỗi người. Qua đó, cơ sở góp phần giải quyết công ăn việc làm tại chỗ, hỗ trợ chị em có thu nhập ổn định cùng nhau vươn lên".

Khởi nghiệp với món ăn vặt - bánh tráng trộn - Ảnh 2.

Sản phẩm bánh tráng Minh Minh

Ngoài tập trung vào công việc, chị Minh còn tham gia năng nổ các hoạt động Hội. Chị góp sức cùng Hội LHPN xã phát quà cho những hộ gia đình nghèo, khó khăn trên địa bàn xã vào những dịp lễ, Tết. Hàng năm, chị tặng quà cho hơn 100 hộ gia đình với số tiền từ 40 đến 60 triệu đồng.

Chị Minh luôn hưởng ứng các hoat động phong trào do Hội LHPN địa phương tổ chức như: Trưng bày gian hàng sản phẩm, tham gia giao lưu hội nghị hướng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho chị em...

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thông Hội (Củ Chi, TPHCM), cho biết: "Chị Minh là gương phụ nữ khởi nghiệp điển hình tại địa phương. Với sự nỗ lực, tinh thần ham học hỏi, vươn lên không ngại khó khăn, chị đã truyền động lực cho rất nhiều hội viên, phụ nữ cùng mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Chị Minh còn có trái tim nhân ái, chị năng nổ tham gia công tác từ thiện, chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Bên cạnh đó, chị cũng rất tích cực tham gia các hoạt động do Hội phát động, nhắc đến chị là nhắc đến một người đầy nhiệt huyết và tận tâm".

Bạn đọc có nhu cầu mua sản phẩm bánh tráng trộn Minh Minh có thể liên hệ chị Đặng Thị Minh tại địa chỉ: ấp Tân Tiến, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM. Số điện thoại/zalo: 0932.785.716.

Nguồn: phunuvietnam.vn

Phạm Hoài - CTV

 
 
 

Cùng chuyên mục

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp
Chiều ngày 2/10/2024, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng thuyết trình, gọi vốn đầu tư cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024.

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định
Đó là chị Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Giáo, Bình Dương. Chị là cán bộ Hội LHPN duy nhất của Bình Dương trong số 30 cán bộ Hội LHPN chuyên trách xuất sắc trong cả nước vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ nhất năm 2024, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen tặng.