Nguồn: tổ chức Plan International
Đã và đang khôi phục lại giống chuối đặc sản địa phương, chị em phụ nữ Pa Kô ở xã Tà Rụt giờ đây còn có thể tự bán hàng, kết nối thị trường thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… từ đó vươn lên làm chủ về tài chính.
Khôi phục giống chuối bản địa
Nói đến giống chuối đặc sản của đồng bào Pa Kô trên địa bàn huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị, trước hết phải nói đến cây chuối lùn (trong tiếng người Pa Kô gọi là "Ta Pê"). Đây là giống chuối vừa dễ trồng và chăm sóc, sinh trưởng nhanh, ít bị sâu bệnh, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong số những địa phương trồng giống chuối lùn của người Pa Kô trên địa bàn huyện Đakrông, nổi tiếng hơn cả vẫn là thôn A Đăng, xã Tà Rụt.
Người trồng chuối ở Tà Rụt trước đây vẫn gặp khó khăn, vì chuối chỉ biết bán cho thương lái giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định nên khả năng thâm canh và mở rộng diện tích bị hạn chế.
Thế nhưng, Hội LHPN xã Tà Rụt với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức đã cùng chị em phụ nữ dân tộc nơi đây tích cực nhân rộng mô hình trồng chuối, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đời sống người dân ổn định.
Tháng 9/2019, Tổ hợp tác chuối lùn Tà Rụt được thành lập với 15 thành viên, đến năm 2023 tăng thêm 5 thành viên. Những ngày đầu, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ cho Tổ vay vốn để mua giống, cày cuốc vườn, dựng hàng rào, dây điện, máy bơm nước, ống nước… Cuối năm 2020, mưa lũ khiến vườn chuối thiệt hại, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi, hỗ trợ chi phí để chị em khôi phục lại vườn.
Song song với đó, tổ chức Plan International cũng đã hỗ trợ chị em nơi đây xây dựng gian hàng, tập huấn kỹ thuật, bán hàng online, tìm kiếm thị trường ở các đô thị lớn như Lao Bảo, Khe Sanh, Đông Hà, các siêu thị, cửa hàng… Chương trình "Tiến về phía trước" do Đại sứ quan Ireland tài trợ thông qua Tổ chức Plan International tại Việt Nam đã giúp Hội phụ nữ xã Tà Rụt thành lập Tổ hợp tác thôn A Đăng.
Với sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các tổ chức, những người phụ nữ nơi đây cùng câu chuyện về cây chuối lùn trên vùng đất Tà Rụt bên dòng sông Đakrông đã có nhiều thay đổi.
Bà Hồ Thị Xở - Tổ trưởng Tổ hợp tác chuối lùn Tà Rụt - cho biết, từ diện tích 2ha ban đầu, tổ đã nhân rộng lên diện tích 8ha cho nhiều bà con xung quanh cùng tham gia. Đều đặn hàng ngày, tổ thuê xe tải chở hàng đến TP Đông Hà để bán cho các cửa hàng OCOP, bỏ sỉ cho thương lái.
"Việc khôi phục và trồng chuối bản địa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Mỗi năm, các thành viên của tổ thu gần 120 triệu đồng" - bà Hồ Thị Xở cho biết.
Ngoài xã Tà Rụt, các giống chuối quý này còn được trồng ở các xã A Vao, A Bung, A Ngo, Húc Nghì thuộc huyện Đakrông. Một số địa phương đang có kế hoạch phát triển cây chuối bản địa, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng; hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP, chủ lực của địa phương.
Một điều đáng mừng là đồng bào Pa Kô ở xã Tà Rụt ngày càng có ý thức khôi phục, bảo tồn những giống chuối và nông sản bản địa quý. Người dân nơi đây đã trồng xen kẽ chuối lùn với các giống chuối cơm, chuối ngà voi…
Chị Mai, thành viên của Tổ hợp tác chuối thôn A Đăng, cho biết: "Chuối ngà voi trước đây gần như bị mất giống, nhưng nhờ chị em Pa Kô phục tráng nên bây giờ đã phổ biến hơn. Chuối ngà voi có đặc điểm nếu trồng trên rẫy cao thì quả sẽ to, đều, đẹp, trung bình mỗi nải có từ 12 đến 13 trái, và mỗi buồng chuối thường có từ 3 đến 4 nải..."
Tuy nhiên, giống chuối ngà voi ít cây con, năng suất thấp. Do sản lượng ít nên người Pa Kô chỉ dùng chuối ngà voi để đãi khách quý, bạn bè ở phương xa đến.
Nâng cao vị thế của người phụ nữ miền núi
"Theo phong tục tập quán có từ lâu đời của dân tộc Pa Kô, người phụ nữ phải thức khuya dậy sớm để lo từng bữa ăn cho cả gia đình, chăm sóc con cái và làm công việc nương rẫy xa nhà. Trong cuộc sống, bản thân người phụ nữ luôn phụ thuộc vào quyết định của chồng, kể cả về tài chính và có rất ít thời gian để hòa nhập cùng xã hội. Từ khi tham gia vào tổ hợp tác, các chị cảm thấy tự tin hơn với vai trò của mình trong gia đình, cũng như được ra ngoài sinh hoạt, giao tiếp nhiều hơn. Cũng chính vì vậy mà người chồng của các chị cũng biết cách chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái khi các chị bận rộn với công việc sản xuất, kinh doanh ở tổ hợp tác" - chị Hồ Thị Lyna, xã Tà Rụt, cho biết.
Từ việc khôi phục và phát triển cây chuối bản địa, chị em dân tộc Pa Kô đã có thêm động lực để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa sạch bền vững, chủ động cải thiện thu nhập, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ miền núi, nhất là về bình đẳng giới trong cuộc sống.
Nguồn: phunuvietnam.vn