Chị Nguyễn Thị Bảo Hồng khởi nghiệp với mô hình trồng nấm rơm, rau mầm sạch theo vòng kinh tế tuần hoàn. Ảnh: NVCC
Với mong muốn thay đổi cuộc sống, tăng thu nhập, chị Nguyễn Thị Bảo Hồng (xã An Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) đã mạnh dạn khởi nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp sạch như nấm rơm, rau mầm và trùn quế.
Chị Nguyễn Thị Bảo Hồng là công nhân cạo mủ cao su, thời gian ban ngày thường rảnh rỗi nên muốn có thêm việc để làm. Chị Hồng chia sẻ: "Tôi đi cạo mủ cao su thuê, tiền công được khoảng 300 đồng/cây. Tôi phải dậy từ 2h sáng và đi cạo tới 6 giờ sáng thì về. Hiện nay, mủ cao su lên giá, nên chủ có khi trả công cao hơn".
Nhận thấy nấm rơm, rau mầm là nhóm rau ngắn ngày, giàu dinh dưỡng nên chị nhen nhóm ý tưởng trồng nấm rơm để bán. Tháng 6/2022, vợ chồng chị quyết định vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 120 triệu đồng để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Chị bắt tay xây dựng 2 nhà nấm với tổng diện tích hơn 100m2. "Ban đầu, tôi tập trung trồng nấm, vì có ít kinh nghiệm nên tôi thường xuyên học tập và nghiên cứu quy trình. Tôi học hỏi từ người thân và tìm hiểu thêm trên mạng xã hội.
Nhớ lúc đầu, tôi trồng nấm ngoài trời bị thất bại, hỏng hết 150 cuộn rơm, không thu hoạch được cây nấm nào. Tôi nghiên cứu làm lại, chuyển sang trồng trong nhà, ngày hái nấm đầu tiên được 5 kg/90 cuộn rơm. Dù ít nhưng tôi vẫn mừng.
Dần dần, sản lượng nấm tăng lên. Kết thúc vụ nấm là 33 ngày, tổng sản lượng tôi thu được là 100 kg nấm, bán ra thị trường cho lợi nhuận 30%. Từ kết quả khả quan này, tôi vay tiền từ người thân để làm nhà nấm thứ hai. Mô hình cứ thế duy trì và đang dần hoàn thiện", chị Hồng cho biết.
Từ tháng 3/2024, chị trồng thêm rau mầm và nuôi trùn quế. Mô hình trồng nấm rơm, rau mầm và nuôi trùn quế tạo thành một vòng sản xuất kinh tế tuần hoàn. Chị Hồng tận dụng rơm để trồng nấm. Sau khi thu hoạch nấm, chị dùng rơm thải ra kết hợp ủ trichoderma để làm giá thể trồng rau mầm.
Giá thể trồng rau mầm sau khi thải ra được dùng làm nguồn dinh dưỡng nuôi trùn quế. Hiện tại, nấm rơm, rau mầm, trùn quế mang thương hiệu Luân Nhàn của chị Hồng được bán trực tiếp cho người tiêu dùng và trực tuyến trên Facebook "Nguyễn Bảo Hồng".
Nấm rơm được bán với giá 100 nghìn đồng/kg. Rau mầm các loại được bán với giá 65-95 nghìn đồng/kg, tùy từng loại. Cơ sở của chị hiện tạo việc làm cho 5 người lao động ở địa phương.
"Theo tôi tìm hiểu, nhiều người thành phố có sở thích trồng rau tại nhà. Mô hình của tôi khá phù hợp với xu hướng này. Khách hàng có thể mua những trụ rơm cho ra nấm về tự chăm sóc hay những khay rau mầm xanh mướt, vừa làm được món ăn mình yêu thích, vừa để làm cảnh.
Kết hợp với trùn quế vừa tái chế lượng vỏ rau củ quả, vừa tái tạo đất cho cây trồng. Việc sử dụng phân hữu cơ hiện nay cũng là 1 lựa chọn tốt cho mọi người", chị Hồng chia sẻ.
Thời gian qua, chị Hồng được Hội LHPN huyện Phú Giáo hỗ trợ vay vốn để khởi nghiệp; đồng thời được hỗ trợ nâng cao kiến thức khởi nghiệp thông qua các lớp tập huấn, hội thi.
Mô hình trồng nấm rơm, rau mầm theo vòng kinh tế tuần hoàn của chị Hồng là 1 trong 5 dự án khởi nghiệp được Hội LHPN tỉnh Bình Dương giới thiệu tham gia Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024" do Hội LHPN Việt Nam phát động. Dự án vừa lọt vào vòng thi cấp Vùng khu vực miền Nam.
Bạn đọc có nhu cầu mua sản phẩm có thể liên hệ chị Nguyễn Thị Bảo Hồng, địa chỉ: Đường 7 Mẫu, tổ 6, ấp Bàu Cừ (xã An Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương); điện thoại: 0374521214.
Nguồn: phunuvietnam.vn