Theo Chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE) được công bố vào năm 2020, Việt Nam xếp thứ 23 trên tổng số 58 quốc gia được chọn để đánh giá về tỉ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp. Tại Việt Nam, phụ nữ sở hữu 26,5% tổng số doanh nghiệp, và tỉ lệ này là tương đối cao so với các nước trong khu vực như Thái Lan (23%), Indonesia (21%) và Singapore (24%). Ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung nhiều nhất ở các ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, chiếm khoảng 75%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo 14,6%; khoa học công nghệ 7,3%[1]. Có thể nhận thấy, trong lĩnh vực kinh tế, việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong kinh tế chính là động lực cho phát triển bền vững và phát huy sức sáng tạo, thế mạnh, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, DNNVV - PNLC luôn được nhà nước quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển, các khung pháp lý toàn diện tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia vào nền kinh tế rộng mở hơn như: Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 có hiệu lực từ năm 2007 quy định các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới và xử lý các vi phạm. Ngoài ra, luật này có rất nhiều quy định bảo vệ phụ nữ mà không phổ biến ở các nước khác trong khu vực hoặc trên thế giới.
1. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp doanh nghiệp do nữ làm chủ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ nói chung và chính sách ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi số theo pháp luật về hỗ trợ DNNVV
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội ban hành tháng 6/2017 nêu rõ nguyên tắc hỗ trợ của Luật là “Trường hợp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định của Luật này thì ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ hơn”;
Để cụ thể hóa nguyên tắc này của Luật Hỗ trợ DNNVV, tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV có một số chính sách hỗ trợ ưu tiên hơn DNNVV như:
- Tại Khoản 2, Điều 13 của Nghị định, đối với nội dung hỗ trợ tư vấn “Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc không quá 70 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp siêu nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ hoặc không quá 150 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ; hỗ trợ tối đa 30% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 150 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa hoặc không quá 200 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp vừa sử dụng nhiều lao động nữ”.
- Nội dung hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Điều 14 của Nghị định quy định: “Miễn học phí cho học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ; hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khoá đào tạo tại doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ”.
- Ngoài ra, tại Điều 11 của Nghị định này còn hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, không phân biệt giới “Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa; hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 20 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; không quá 50 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ; tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp”.
2. Một số kết quả về hỗ trợ DNVVV-PNLC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNNVV - PNLC đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch Covid-19. Điều này đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc doanh nghiệp phải thay đổi và thích ứng. Vì vậy, nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới. Theo khảo sát nhanh về tinh thần chuyển đổi số của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam năm 2022, sự sẵn sàng chuyển đổi số của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thì 90% các doanh nghiệp đều mong muốn được đào tạo, được tập huấn, được tham gia vào chương trình chuyển đổi số. Nắm bắt được thực trạng và nhu cầu của doanh nghiệp. Trong các năm 2022-2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai các nội dung hỗ trợ về đào tạo, tư vấn về chuyển đổi số, giải pháp về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số theo các quy định tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó đặt biệt chú trọng đến công tác hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số cho DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến do nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ, một số kết quả cụ thể đạt được như sau:
+ Năm 2023, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Chương trình đào tạo chuyển đổi số cho 28 DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến do nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu nâng cao nhận thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DNNVV về chuyển đổi số.
+ Năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Tài chính để tiếp tục bố trí vốn cho các Bộ ngành và địa phương để tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo pháp luật về hỗ trợ DNNVV, trong đó nội dung hỗ trợ CĐS là một trong những nội dung hỗ trợ trọng tâm và có vai trò quan trọng.
+ Từ năm 2021-2023, bên cạnh nguồn ngân sách, Bộ KH&ĐT đã chủ động huy động nguồn lực Quốc tế hỗ trợ tư vấn xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi số cho gần 100 DNNVV trong hơn đó 44% là DNNVV do nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ.
+ Trong khuôn khổ Dự án khu vực: “Thúc đẩy phát triển nữ doanh nhân: Kiến tạo Hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới”, Cục PTDN đã phối hợp với UNESCAP tổ chức 03 khóa đào tạo: 01 khóa đào tạo "Ứng dụng ICT dành cho phụ nữ khởi nghiệp/DNNVV do phụ nữ làm chủ/hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ” cho hơn 100 DNNVV tại Đà Nẵng nhằm tăng cường kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT), trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập dữ liệu, phát triển kinh doanh và hỗ trợ nâng cao khả năng tư duy kinh doanh trên nền tảng số cho các doanh nhân nữ, 01 khóa đào tạo về ICT cho các nhà hoạch định chính sách, cán bộ, công chức của các Bộ, ngành liên quan tại Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức và ứng dụng về lồng ghép giới, kỹ năng kỹ thuật số và công nghệ thông tin truyền thông trong xây dựng chính sách; 01 khóa đào tạo cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ/phụ nữ khởi nghiệp/hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ vào tháng 12 năm 2023 tại TP. Hồ Chí Minh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh doanh thông qua ứng dụng các nền tảng số, khóa đào tạo đã thu hút trên 100 doanh nghiệp nữ tham gia; Tổ chức chuỗi 4 talkshow “Đào tạo trực tuyến về Kinh doanh điện tử dành cho doanh nhân nữ/DNNVV/Hộ kinh doanh do nữ làm chủ” trong tháng 12/2023 với hơn 800 lượt tham gia.
Đến nay, có khoảng 28% DNNVV-PNLC thực hiện một hoặc nhiều hình thức “chuyển đổi số” và chưa đến một nửa trong số đó có “kế hoạch chuyển đổi số”. Việc thực hiện chuyển đổi số này thường diễn ra nhiều nhất ở các DNNVV-PNLC quy mô vừa, phổ biến ở các doanh nghiệp ở miền Bắc hơn so với ở miền Nam. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số diễn ra tương đối đồng đều giữa tất cả các ngành. Điểm thú vị là có gần 9.000 DNNVV-PNLC đang phát triển các mô hình thương mại điện tử hoặc kinh doanh trực tuyến.
3. Một số rào cản DNNVV-PNLC chuyển đổi số
DNNVV-PNLC còn vướng rất nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, cụ thể bao gồm:
Hạn chế về cung cấp thông tin liên quan đến hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: hạn chế về tiếp cận thông tin hỗ trợ phát triển doanh nghiệp là rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp này, chỉ xếp sau rào cản về thời gian cần dành cho gia đình. Họ có ít thông tin về cơ chế hỗ trợ và quy trình phát triển kinh doanh nói chung. Điều này ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch kinh doanh dài hạn và quản lý công việc hàng ngày; đối với các chương trình đào tạo và cố vấn hiện có, DNNVV-PNLC cho biết họ thường nghe nói về các chương trình hỗ trợ này nhưng lại nhận được rất ít thông tin chính thức về cách thức đăng ký hoặc gặp khó khăn do thủ tục hành chính và quy định về tiêu chí hợp lệ phức tạp. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng có rất ít DNNVV-PNLC tham gia vào các khóa đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực do Nhà nước triển khai.
Rào cản về nguồn lực: hạn chế về tiếp cận tài chính và tín dụng là rào cản lớn đối với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp này Điều quan trọng là các doanh nghiệp tham gia khảo sát này[2] cho rằng những khó khăn này không nhất thiết là do các ngân hàng và tổ chức cho vay tài chính khác có hành vi phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp do nam giới làm chủ và do phụ nữ làm chủ. Chẳng hạn, khi được hỏi liệu rằng có sự khác biệt giữa nam chủ doanh nghiệp và nữ chủ doanh nghiệp khi đi vay vốn ngân hàng không, 89% số doanh nghiệp được khảo sát đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý rằng “không có khác biệt” giữa nam và nữ.
Hạn chế về kỹ năng quản lý, tiếp thị và quản trị kinh doanh: kỹ năng yếu kém trong quản lý, tiếp thị và quản trị kinh doanh là rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Ngoài ra, họ cũng chỉ ra tình trạng thiếu cơ hội đào tạo và nâng cao năng lực dành riêng cho các doanh nhân nữ đang tìm cách cải thiện kỹ năng quản lý.
Hạn chế về tiếp cận công nghệ: là một rào cản khác đối với tăng trưởng của doanh nghiệp. Mặc dù trong giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng với các mô hình kinh doanh kỹ thuật số, đặc biệt là trong lĩnh vực tiếp thị và bán hàng thông qua việc phát triển các trang web thương mại điện tử. Nhiều DNNVV-PNLC gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số này do thiếu kiến thức và hỗ trợ kỹ thuật.
4. Một số giải pháp thúc đẩy DNNVV-PNLC chuyển đổi số
Để đẩy mạnh sự phát triển của DNNVV-PNLC nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số tại Việt Nam, tránh sự mất cân bằng về quyền sở hữu, các cơ quan nhà nước, bản thân DNNVV-PNLC cần có các hành động cụ thể:
Lồng ghép vấn đề Giới vào các Văn bản pháp luật liên quan đến DNNVV: tất cả văn bản pháp luật và chính sách nên đề cập rõ ràng và hợp lý đến DNNVV - PNLC và bình đẳng giới; sự phối hợp tốt hơn giữa các bộ ngành ở cả cấp trung ương và địa phương trong việc triển khai các biện pháp hỗ trợ cụ thể cho DNNVV-PNLC.
Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ: trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương, và các hiệp hội nên tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo, tư vấn, giải pháp công nghệ cho DNNVV-PNLC theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP và ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ DNNVV-PNLC theo quy định tại Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các tổ chức hiệp hội ở trung ương và địa phương nên chủ động tìm kiếm, huy động các nguồn lực để đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy các chính sách hỗ trợ DNNVV-PNLC.
Trực tiếp hỗ trợ DNNVV-PNLC phát triển: Dịch vụ chuyên gia tư vấn gắn với các nhóm trợ giúp và mạng lưới kinh doanh nên được hỗ trợ phát triển. Mạng lưới chuyên gia tư vấn được tài trợ để hỗ trợ DNNVV-PNLC (về công nghệ, thị trường, quản trị, xúc tiến thương mại và xuất khẩu và các vấn đề pháp lý) có thể làm việc cùng và thông qua hiệp hội doanh nhân nữ và hiệp hội doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Tăng cường Năng lực và Kiến thức của DNNVV-PNLC: phát triển một hệ sinh thái (các câu lạc bộ doanh nghiệp) để hỗ trợ và hợp tác với các nữ doanh nhân, đặc biệt là mạng lưới doanh nhân địa phương thành công nhằm cung cấp cố vấn cho DNNVV-PNLC. Các DNNVV, đặc biệt là DNNVV-PNLC, sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi có thêm thông tin và kiến thức phù hợp. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất, các hoạt động như vậy cần được liên kết với mạng lưới doanh nghiệp và giúp củng cố mạng lưới. Các câu lạc bộ doanh nghiệp trực thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hoặc các tổ chức khác có thể thúc đẩy hoạt động cố vấn nhóm thông qua các chuyến tham quan doanh nghiệp, sự kiện và khoá học trực tuyến. Liên kết đào tạo với tư vấn, đào tạo trực tuyến kết hợp với tư vấn tại chỗ cho DNNVV-PNLC là cách tiếp cận hiệu quả về chi phí.
Tăng cường Khả năng Tiếp cận Tài chính của DNNVV-PNLC: Nên xây dựng Kế hoạch hành động “tiếp cận tài chính” dành riêng cho DNNVV- PNLC để khuyến khích và tăng cường sự tham gia nhiều hơn của nữ chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng thương mại. Doanh nhân nữ ở Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính. Điều này một phần là do DNNVV-PNLC thiếu nhận thức về các cơ hội tài chính, bên cạnh những băn khoăn về quy trình đăng ký và quản lý tài chính.
(vi) Tiếp cận các xu hướng chuyển đổi kép: Chuyển đổi kép là xu hướng chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh trở nên ngày càng quan trọng với các sáng kiến xoay quanh 03 trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính. Tại Việt Nam, công nghệ số và chuyển đổi số cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh. DNNVV-PNLC cần bám sát các Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” đề ra các mục tiêu: Giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
[2] 118 chủ sở hữu DNNVV-PNLC tham gia khảo sát xây dưng sách trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam năm 2023