Tin tức\Câu chuyện khởi nghiệp

Phát huy vai trò của phụ nữ trong bối cảnh chuyển đổi số

 23/07/2024 03:53   Tag:

Tóm tắt: Chuyển đổi số (CĐS) đang là xu thế tất yếu, tác động đến quá trình phát triển của mọi quốc gia trên thế giới hiện nay. Quốc gia nào tận dụng được những thế mạnh mà CĐS mang lại, quốc gia đó sẽ thành công. Điều này đòi hỏi sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình CĐS, trong đó có vai trò quan trọng của phụ nữ, một nửa thế giới.
Phát huy vai trò của phụ nữ trong bối cảnh chuyển đổi số

Tóm tắt: Chuyển đổi số (CĐS) đang là xu thế tất yếu, tác động đến quá trình phát triển của mọi quốc gia trên thế giới hiện nay. Quốc gia nào tận dụng được những thế mạnh mà CĐS mang lại, quốc gia đó sẽ thành công. Điều này đòi hỏi sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình CĐS, trong đó có vai trò quan trọng của phụ nữ, một nửa thế giới.

CĐS cũng là công cụ đắc lực để giải phóng phụ nữ, nâng cao vị thế, phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã xác định một trong hai khâu đột phá của nhiệm kỳ là “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”. Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã lựa chọn chủ đề năm 2024 là “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phụ nữ vẫn chưa phá huy được hết vai trò của mình trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đặc biệt, gặp không ít khó khăn, thách thức mà rất cần được tháo gỡ, cả về thể chế chính sách đến việc nâng cao năng lực của phụ nữ về CĐS, về công nghệ số. Điều này đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trong thời kỳ mới với những yêu cầu, đòi hỏi mới.

Từ khoá: Vai trò phụ nữ, chuyển đổi số, công nghệ số, bối cảnh mới.

1. Khái quát chung về vai trò của phụ nữ trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay

Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới.”[1]. Đây chính là sự tiếp nối, phát triển quan điểm của Đảng về phụ nữ và công tác phụ nữ trong các kỳ đại hội trước, thể hiện rõ sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ, đồng thời khẳng định sự quan tâm, trách nhiệm cũng như những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặt ra để giải quyết các vấn đề về công tác phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”; “Phụ nữ ta chẳng tầm thường/ Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời”. Người cũng nhấn mạnh, sự nghiệp giải phóng PN phải luôn gắn liền với giải phóng loài người, giải phóng xã hội và giải phóng dân tộc: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người”, “Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”.

Trong thời gian qua, Phụ nữ Việt Nam luôn là lực lượng có đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển đất nước, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động đạt 78,2% so với nam giới là 86%, trong đó có một số lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới. Địa vị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của phụ nữ ngày càng được nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu các nước châu Á và trên thế giới về tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội (khóa IX: 18,5%, khóa X: 26,22%, khóa XI: 27,31%, khóa XII: 25,76%, khóa XIII: 24,4%, khóa XIV: 27.6 , khóa XV: 30.26%)[2]

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mở ra những cơ hội to lớn để mỗi quốc gia tận dụng phát triển nhanh nhưng cũng gắn liền với không ít thách thức, rủi ro đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch như Nghị quyết số 50/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; mới đây là Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022, phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các nghị quyết, chương trình, kế hoạch đã xác định rõ nhiệm vụ tận dụng có hiệu quả những cơ hội, giảm thiểu rủi ro mà cuộc Cách mạng 4.0 đem lại, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phụ nữ Việt Nam ngày càng có cơ hội và điều kiện thể hiện vai trò quan trọng trong thực tiễn đổi mới của đất nước. Khi ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, thành tựu của CĐS sẽ góp phần nâng cao chất lượng của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng, giúp PN có thể tiếp cận với công nghệ mới, giảm bớt áp lực công việc và việc làm, có khả năng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực cũng như cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Phụ nữ có thể tham gia vào nhiều công việc khác nhau nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin mà thời kỳ CĐS mang lại. Việc kết nối, chia sẻ thông tin giúp hình thành các tổ, nhóm để phụ nữ tham gia vào các công việc chung của xã hội, của đất nước. CĐS đã thực sự giúp tiếng nói của phụ nữ có ảnh hưởng đến tiến trình phát triển trên mọi lĩnh vự của đời sống xã hội. Trong mỗi lĩnh vực đó đều có dấu ấn và vai trò của phụ nữ. Có những lĩnh vực, ngành nghề trước đây thường chỉ dành cho nam giới, tuy nhiên, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phụ nữ có thể tham gia vào nhiều ngành nghề đặc thù đó, thậm chí đóng vai trò là nhà lãnh đạo, quản lý. CĐS đang tác động đến từng thành tố của xã hội, mọi cá nhân con người, mọi cơ quan, tổ chức. CĐS cũng đòi hỏi mỗi thành tố đó cũng phải tự đổi mới để đáp ứng được xu thế mới, thời kỳ mới. Phụ nữ Việt Nam cũng cần tận dụng các ưu thế mà CĐS mang lại, đồng thời vượt qua khó khăn, thách thức trong tiến trình đổi mới, phát triển hiện nay.

2. Một số thách thức trong việc phát huy vai trò của phụ nữ trước bối cảnh chuyển đổi số hiện nay

Một là, việc thiếu kiến thức, kỹ năng về CĐS đang là một rào cản lớn đối với phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), 97% các nghề nghiệp trên thế giới cần đến kĩ năng số. Phụ nữ nếu không trang bị các kĩ năng công nghệ thông tin sẽ bị bỏ lại đằng sau. Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang đến cơ hội lớn về trí tuệ nhân tạo, công nghệ hiện đại để thúc đẩy tài năng, năng suất, việc làm và thu nhập cao. Nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện, tạo ra nhiều việc làm và cơ hội cho lao động nữ. Do đó, lao động nữ cần nỗ lực bắt kịp công nghệ mới, thay đổi cách thức làm việc, tập trung trí tuệ, để sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới.

 

Bảng 1. Trình độ học vấn của dân số nữ Việt Nam

TT

Nội dung

Số liệu

Năm 2015(1)

Năm 2019(2)

1

Tỷ trọng (%) dân số 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết

Chung

Nữ

Chung

Nữ

 

- Chung cả nước

95,2

93,8

95,7

94,6

 

+ Khu vực thành thị

97,8

97,3

98,3

97,9

 

+ Khu vực nông thôn

93,8

91,8

94,3

92,7

2

Phụ nữ có trình độ đại học trở lên

Năm 2014(4)

Năm 2019(2)

Số lượng

Tỷ lệ/TS (%)

Số lượng

Tỷ lệ/TS

(%)

 

Đại học

2.174.000

46,6

2.954.239

48,7

 

Thạc sĩ

98.700

43,0

189.687

54,4

 

Tiến sĩ, tiến sĩ khoa học

8.100

21,0

17.529

25,1

3

Phụ nữ được phong Giáo sư, Phó giáo sư(5)

Giai đoạn
2012-2016

Giai đoạn
2017-2021

Số lượng

Tỷ lệ/ TS (%)

Số lượng

Tỷ lệ/ TS (%)

 

Tổng số

710

24,6

495

26,2

 

 Giáo sư

23

8,4

22

11,8

 

Phó giáo sư

687

26,3

473

27,7

Nguồn: (1) Tổng cục Thống kê, 2017, Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình 1/4/2016.

(2) Tổng cục Thống kê, 2020, Tổng điều tra dân số năm 2019.

(3) Tổng cục Thống kê, 2015, Điều tra dân số và Nhà ở giữa kỳ thời điểm 1/4/2014.

(4) Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Các quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS các năm 2016-2021.

Hai là, CĐS có thể sẽ dẫn đến việc một lực lượng lao động nữ sẽ mất việc làm, nếu không có sự tự chuyển đổi, đổi mới nâng cao trình độ đáp ứng được yêu cầu. Tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới, CĐS sẽ đem lại những thách thức to lớn cho Việt Nam, đặc biệt là sự chuyển biến của nền kinh tế, trong đó, chịu áp lực nặng nề nhất là những ngành sử dụng lao động thủ công chủ yếu là phụ nữ như dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản... CĐS có thể sẽ khiến lao động nữ trong các ngành nghề này phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, 86% lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm do tự động hóa. Cụ thể, 70% lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực như dịch vụ, dệt may, da giày; 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây chính là một trong những thách thức lớn đặt ra đối với phụ nữ trong thời kỳ CĐS.

Ba là, các rào cản về lối tư duy cũ, quan niệm cũ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò của phụ nữ trong thời kỳ CĐS. Lối tư duy cũ, thậm chí là tư tưởng trọng nam khinh nữ trong truyền thống của người Á Đông vẫn đang ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, quan niệm của không ít người, kể cả nam giới và nữ giới. Chính vì vậy, không ít phụ nữ vẫn chịu ảnh hưởng của tư duy này, chủ yếu sử dụng mạng xã hội để giải trí, chưa thấy hết được vai trò, trách nhiệm của mình trong thời kỳ CĐS, chưa thực sự tìm hiểu, nghiên cứu nâng cao trình độ để tham gia vào các lĩnh vực mới gắn liền với CĐS. Đặc biệt, đối với phụ nữ đã lớn tuổi thì việc sử dụng thành thạo công nghệ thông tin sẽ càng trở nên khó khăn. Thực tế vẫn còn nhiều định kiến giới về phụ nữ và công nghệ. Bên cạnh đó là rào cản về chuẩn mực xã hội và kỳ vọng về vai trò của phụ nữ trong gia đình đã và đang ảnh hưởng đến việc phụ nữ tiếp cận tới CĐS trong khi chính CĐS đã và đang thay đổi mô hình, tác phong làm việc.

Bốn là, chưa có những quy định, chính sách đột phá để thực sự phát huy vai trò của PN trong thời kỳ CĐS. Chẳng hạn, việc hỗ trợ hội viên phụ nữ ứng dụng công nghệ trong việc phát triển sản phẩm khởi nghiệp gặp không ít khó khăn như: các ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp chủ yếu là những hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, điều này dẫn đến việc hạn chế kinh phí để đầu tư nhãn hiệu cũng như bao bì sản phẩm, marketing quảng cáo sản phẩm dẫn đến sản phẩm chưa bắt mắt, ảnh hưởng tiêu thụ sản phẩm. Hoặc cũng chưa có cơ chế hỗ trợ phụ nữ đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Năm là, trong thời kỳ CĐS, vấn đề an toàn, an ninh mạng và quyền riêng tư có thể bị xâm phạm sẽ làm gia tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, điều này khiến phụ nữ khó hoặc thậm chí không thể tham gia một số lĩnh vực có liên quan. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, đa phần phụ nữ làm việc gắn liền với công nghệ số chủ yếu đảm nhận các vị trí như kiểm tra, thử nghiệm, bán hàng, marketing, nhân sự... Một số khu vực việc làm sẽ cần ít lao động hơn dẫn tới lao động nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn, PN cũng là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng và dễ bị lạm dụng trên không gian mạng. Làm thế nào để phá bỏ rào cản và trao quyền cho phụ nữ một cách toàn diện cũng là thách thức đối với nhiều cơ quan, tổ chức hiện nay.

3. Một số giải pháp góp phần phát huy vai trò của phụ nữ trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay

Một là, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy vai trò của PN trong bối cảnh CĐS hiện nay. Đặc biệt, cần bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cơ hội để phụ nữ khẳng định được vai trò của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống hiện nay, từ chính trị, kinh tế đến văn hoá, xã hội, đồng thời có những chính sách hỗ trợ giúp phụ nữ khởi nghiệp gắn với bối cảnh CĐS như kinh doanh thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm, chia sẻ giúp phụ nữ phát triển kinh tế số…

Hai là, phụ nữ cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, tích cực học hỏi, nỗ lực phấn đấu, chấp nhận sự thay đổi, không ngừng nâng cao kỹ năng công nghệ, trình độ ngoại ngữ để có thể thích ứng và đáp ứng trước những đòi hỏi của việc làm chất lượng cao và sự dịch chuyển lao động trong kỷ nguyên công nghệ số; cần tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ, tạo ra nhiều động lực mới để thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ phát huy tài năng. Phụ nữ chỉ có thể phát huy được vai trò của mình khi năng lực đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn CĐS.

Cần thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng công nghệ, chương trình tiếp cận chuyên gia có kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ, CĐS; tăng cường xây dựng hình ảnh phụ nữ khởi nghiệp, nữ doanh nhân thế hệ số. Các nhóm phụ nữ cần có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các hoạt động triển lãm công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Ba là, tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến để mỗi người dân nói chung và phụ nữ nói riêng thấy rõ được tầm quan trọng của công nghệ số, kỹ thuật số, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cần nâng cao nhận thức cũng như xóa bỏ khuôn mẫu giới trong các chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp. Tăng cường giáo dục có chất lượng cho phụ nữ, dự đoán nhu cầu công việc và kỹ năng cần có trong bối cảnh CĐS. Khuyến khích phụ nữ chủ động học tập, nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình CĐS quốc gia và hội nhập quốc tế.

Bốn là, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phụ nữ, thực hiện giảm khoảng cách giới, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và các vùng đặc biệt khó khăn. Để rút ngắn khoảng cách về bình đẳng giới, công nghệ có thể được coi như một cầu nối để phụ nữ trau dồi kiến thức, hòa nhập với lợi ích tập thể, cá nhân và gia đình. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ các nhóm phụ nữ yếu thế, đặc thù...

Năm là, chú trọng hơn nữa công tác cán bộ nữ theo hướng ngày càng hiện đại, phát triển và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ Trung ương đến địa phương cần có sự quan tâm có trọng tâm, trọng điểm đối với công tác quy hoạch cán bộ nữ. Cần xác định việc tạo điều kiện cho phụ nữ có thể tham gia các công tác lãnh đạo, quản lý là trách nhiệm và công việc quan trọng của Đảng và Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương để phát huy tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, đặc biệt trong bối cảnh CĐS.

Trước những tác động của CĐS, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trên mọi lĩnh vực trong sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, rất cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong bối cảnh mới, góp phần không nhỏ vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Minh Anh, Không ngừng nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, Tạp chí Tuyên giáo, https://tuyengiao.vn/khong-ngung-nang-cao-vai-tro-vi-the-cua-phu-nu-153566.
  2. Đoàn Thu Anh, Hệ thống pháp luật cho chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị số 550, tháng 12/2023.
  3. Trần Quang Diệu, Phát huy năng lực của phụ nữ trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ươnghttps://www.tuyengiao.vn/phat-huy-nang-luc-cua-phu-nu-trong-boi-canh-chuyen-doi-so-quoc-gia-153155
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021.
  5. Đặng Viết Đạt, Hoàng Thị Quyên, Bảo đảm quyền tham gia của người dân trong tiến trình xây dựng chính phủ số ở Việt Nam, Tạp chí Lý luận chính trị số 549, tháng 11/2023.
  6. Nguyễn Thị Hồng Nhung, Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong việc tham gia quản lý nhà nước, Tạp chí Tổ chức nhà nước điện tử, đăng ngày 19/10/2022, https://tcnn.vn/news/detail/56060/Vai-tro-cua-phu-nu-Viet-Nam-trong-viec-tham-gia-quan-ly-nha-nuoc.html.

[1] XemĐảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021.

[2] Xem: Website của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, https://hoilhpn.org.vn/trang-chu

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa Khoa học liên ngành - Học viện Hành chính Quốc gia




Cùng chuyên mục

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp
Chiều ngày 2/10/2024, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng thuyết trình, gọi vốn đầu tư cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024.

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định
Đó là chị Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Giáo, Bình Dương. Chị là cán bộ Hội LHPN duy nhất của Bình Dương trong số 30 cán bộ Hội LHPN chuyên trách xuất sắc trong cả nước vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ nhất năm 2024, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen tặng.

VỀ CHÚNG TÔI

TRỢ GIÚP

Placement are recruiting
Benefits and enviroment at VWBH

TUYỂN DỤNG

Placement are recruiting
Benefits and enviroment at VWBH

LIÊN HỆ

HUB Hỗ trợ Phụ nữ Kinh doanh và Khởi nghiệp
(Vietnam Women’s Entrepreneur and Start-up HUB)
  Trường Trung cấp Lê Thị Riêng,
Số 9-10, đường 9, Phường Phước Bình, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh
  028.62826019
  028.62825973

HUB Hỗ trợ Phụ nữ Kinh doanh và Khởi nghiệp (Vietnam Women’s Entrepreneur and Start-up HUB)