Tin tức\Đào tạo

Đổi mới phương pháp giảng dạy chương trình bồi dưỡng cán bộ Hội LHPN cấp cơ sở trong bối cảnh công nghệ số

 05/06/2024 03:48   Tag:

Sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số đã làm thay đổi căn bản cách thức vận hành và mô hình quản trị của các cơ quan, tổ chức trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Đổi mới phương pháp giảng dạy chương trình bồi dưỡng cán bộ Hội LHPN cấp cơ sở trong bối cảnh công nghệ số

Sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số đã làm thay đổi căn bản cách thức vận hành và mô hình quản trị của các cơ quan, tổ chức trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
 Ảnh minh họa (Báo PNVN)

1. Lý do thực hiện nghiên cứu

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam luôn coi công tác đào tạo, bồi dưỡng là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Hội các cấp, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với phong trào phụ nữ và hoạt động Hội. Trong các cấp Hội, cấp cơ sở đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa hội viên, phụ nữ với Đảng, Nhà nước, tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động Hội, phong trào phụ nữ địa phương.

Sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số đã làm thay đổi căn bản cách thức vận hành và mô hình quản trị của các cơ quan, tổ chức trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Trong năm 2020 - 2021, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cấp cơ sở phải chuyển từ giảng dạy trực tiếp sang giảng dạy trực tuyến hoàn toàn với 19 lớp, tổng cộng 1.016 học viên (Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, 2021). Kết quả đánh giá cuối khóa học cho thấy, mức độ hài lòng của học viên với khóa học khá cao. Học viên đánh giá tốt phương pháp giảng dạy của giảng viên. Giảng viên đã chủ động và ứng dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, phù hợp với hình thức giảng dạy trực tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định có liên quan đến người dạy, người học như giảng viên còn lúng túng trong việc ứng dụng các phần mềm giảng dạy trực tuyến, tìm kiếm phương pháp tăng cường sự tương tác giữa giảng viên và học viên, đánh giá kết quả học tập trực tuyến…. Cho tới nay, Học viện chưa có hoạt động đánh giá riêng về phương pháp giảng dạy của giảng viên, cũng như chưa có đề tài nghiên cứu khóa học về đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng cán bộ trong bối cảnh công nghệ số.

Do vậy, đề tài nghiên cứu “Đổi mới phương pháp giảng dạy chương trình bồi dưỡng cấp cơ sở trong bối cảnh công nghệ số” được thực hiện nhằm bổ sung cơ sở lý luận về đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá thực trạng và các khó khăn, trở ngại trong thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội dành cho Chủ tịch/nguồn Chủ tịch Hội cấp cơ sở, từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ trong bối cảnh công nghệ số, góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ của Hội LHPN Việt Nam.                    

2. Phương pháp nghiên cứu và xây dựng thang đo

2.1. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu tài liệuđược sử dụng trong nghiên cứu các tài liệu, các văn bản chỉ đạo, quy định pháp luật, các công trình khoa học đã công bố ở trong và ngoài nước liên quan đến đổi mới phương pháp giảng dạy chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội và nhằm làm rõ cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu.

- Phỏng vấn sâu: Tổng số 15 cuộc phỏng vấn sâu đã được thực hiện nhằm lý giải sâu thêm các khía cạnh liên quan đến chủ đề nghiên cứu, làm minh chứng thêm cho các thông tin định lượng mà khảo sát bằng bảng hỏi không đáp ứng được, bao gồm: Lãnh đạo TW Hội LHPN Việt Nam; giảng viên/báo cáo viên/chuyên gia giảng dạy chương trình bồi dưỡng cấp cơ sở; giảng viên/chuyên viên quản lý các lớp chương trình bồi dưỡng cấp cơ sở từ 2020 – 2022; Chủ tịch/nguồn chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở đã tham gia chương trình bồi dưỡng cấp cơ sở từ 2020 – 2022.

- Phỏng vấn bảng hỏi: thực hiện trên cỡ mẫu 300 người, được lựa chọn theo phương pháp có mục đích, trong đó: 200 phiếu với Chủ tịch/nguồn Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở đã tham gia học các lớp bồi dưỡng cấp cơ sở từ 2020 - 2022; 100 phiếu với các giảng viên tại Học viện, Phân hiệu, các trường chính trị tỉnh, các ban TW Hội, thường trực Hội PN các tỉnh/thành đã từng tham gia giảng dạy các chuyên đề bồi dưỡng cấp cơ sở từ 2020 – 2022.

Nghiên cứu trường hợp: được thực hiện với giảng viên điển hình thông qua phỏng vấn sâu, dự giảng của trường hợp nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng phương pháp giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy chương trình bồi dưỡng cấp cơ sở, những hạn chế, những khó khăn của giảng viên khi sử dụng các phương pháp giảng dạy trong bối cảnh công nghệ số.

- Xử lý dữ liệu khảo sát: Các dữ liệu và số liệu định lượng được xử lý bằng phương pháp thống kê toán học, sử dụng phần mềm hỗ trợ SPSS phiên bản 22.0; Các dữ liệu và thông tin định tính được xử lý bằng phương pháp tổng hợp, phân tích dựa trên lập các ma trận số liệu.

2.2. Xây dựng thang đo đổi mới phương pháp giảng dạy (PPGD)

Để đo mức độ đổi mới PPGD của giảng viên/báo cáo viên (GV/BCV) chương trình bồi dưỡng cấp cơ sở, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 8 yếu tố thể hiện các PPGD khác nhau, cả truyền thống và hiện đại để GV/BCV đánh giá về các mức độ sử dụng các phương pháp đóĐồng thời, tìm hiểu mức độ sử dụng các kỹ thuật dạy học của giảng viên/báo cáo viên nhằm phát huy tính tích cực, tự giác của người học. Tất cả đều được xây dựng theo thang đo Likert 5 điểm, trong đó 1 điểm là mức thấp nhấtNgoài ra, nhóm nghiên cứu còn tìm hiểu những khó khăn mà giảng viên/báo cáo viên gặp phải khi triển khai các phương pháp giảng dạy tích cực trong chương trình bồi dưỡng cấp cơ sở.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Mức độ sử dụng các PPGD của giảng viên/báo cáo viên

Kết quả khảo sát cho thấy, phương pháp thuyết trình được GV/BCV sử dụng thường xuyên nhất (mức độ thường xuyên là 53.5% và mức độ rất thường xuyên là 40.4%), tiếp theo đó là phương pháp thảo luận nhóm (mức độ thường xuyên là 56.6% và mức độ rất thường xuyên là 26.3%) và phương pháp giải quyết vấn đề (mức độ thường xuyên là 44.4% và mức độ rất thường xuyên là 15.2%).

Bảng 1Mức độ sử dụng các phương pháp giảng dạy của GV/BCV

 

TT

Phương pháp

Các mức độ

Chưa từng

sử dụng

Hiếm khi

Thỉnh thoảng

Thường xuyên

Rất thường xuyên

Tần suất

Tỷ lệ %

Tần suất

Tỷ lệ %

Tần suất

Tỷ lệ %

Tần  suất

Tỷ lệ %

Tần suất

Tỷ lệ %

  1.  

Thuyết trình

1

1,0

1

1,0

4

4,0

53

53,5

40

40,4

  1.  

Thảo luận nhóm

2

2,0

0

0

15

15,2

56

56,6

26

26,3

  1.  

Giải quyết vấn đề

3

3,0

1

1,0

36

36,4

44

44,4

15

15,2

  1.  

Nghiên cứu tình huống

4

4,0

11

11,1

39

39,4

36

36,4

9

9,1

  1.  

Seminar

21

21,2

17

17,2

34

34,3

22

22,2

5

5,1

  1.  

Theo dự án

45

45,5

17

17,2

26

26,3

11

11,1

0

0

  1.  

Học tập phục vụ cộng đồng

34

34,3

17

17,2

32

32,3

15

15,2

1

1,0

  1.  

Đóng vai

15

15,2

22

22,2

42

42,4

15

15,2

5

5,1

 

Để tìm hiểu các PPGD phù hợp với đối tượng người học là cán bộ Hội LHPN cấp cơ sở, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 8 PPGD và yêu cầu giảng viên và học viên sắp xếp thứ tự ưu tiên theo các mức độ từ 1 đến 5, trong đó 1 là phù hợp nhất và 5 là ít phù hợp nhất.

Kết quả khảo sát trên nhóm khách thể là GV/BCV cho thấy, hai phương pháp được cho là phù hợp ở mức 1 và mức 2 cao nhất là thảo luận nhóm (34,3% chọn mức 1 và 38,4% chọn mức 2) và thuyết trình (43,4% chọn mức 1 và 18,2% chọn mức 2). Tuy nhiên, khi so sánh số liệu thống kê giữa các phương pháp theo từng mức độ thì phương pháp được GV/BCV chọn ở mức 1 cao nhất là phương pháp thuyết trình (43,4%), tiếp theo là phương pháp thảo luận nhóm (34,3%). Độ phân tán của phương pháp thuyết trình cao hơn so với độ phân tán của phương pháp thảo luận nhóm. Các phương pháp học tập phục vụ cộng đồng, theo dự án, seminar và đóng vai được đánh giá ít phù hợp nhất đối với cán bộ Hội LHPN cấp cơ sở. Tỷ lệ GV/BCV không chọn các phương pháp này chiếm tỷ lệ cao (học tập phục vụ cộng đồng với 82,8%, theo dự án với 82,8%, seminar với 70,7% và đóng vai với 50,5%).

Giảng viên/BCV đã sử dụng nhiều phương pháp để lôi cuốn, tạo hứng thú cho người học, giúp người học vận dụng các kiến thức đã có để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong công tác Hội cũng như phát triển năng lực tự học của học viên. Tuy nhiên, các hoạt động giúp người học tự học hỏi suốt đời còn chưa được GV/BCV áp dụng nhiều. Các hình thức dạy học chưa phong phú, chủ yếu là học trên lớp và học nhómGiảng viên/BCV sử dụng nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá nhưng chủ yếu là các hình thức thực hiện trong quá trình giảng dạy và một bài kiểm tra cuối khóa.

Để đổi mới PPGD trong thời đại công nghệ số, GV/BCV đã chủ động sử dụng các thiết bị như máy tính, máy chiếu, điện thoại thông minh kết hợp với những nền tảng công nghệ mới để sử dụng trong những tiết giảng của mình như các nền tảng Zoom, Zalo, Google Form, Google Meet. Bên cạnh đó, GV/BCV còn thường xuyên lấy ý kiến phản hồi của người học, cập nhật bài giảng. Tuy nhiên, tỷ lệ GV/BCV thường xuyên sử dụng các nền tảng công nghệ còn rất thấp, các thiết bị hiện đại chưa phong phú, tỷ lệ GV/BCV chưa từng xây dựng tài nguyên giảng dạy trên nền tảng trực tuyến còn cao. Giảng viên/BCV gặp nhiều khó khăn trong việc biên soạn, giảng dạy E-learning và giảng dạy trực tuyến. Các khó khăn đó liên quan rất nhiều đến việc ứng dụng công nghệ thông tin như thiếu trang thiết bị, thiếu kỹ năng sử dụng các phần mềm hỗ trợ biên soạn, thiết bị, đường truyền internet khó khăn.

Tỷ lệ GV/BCV có hiểu biết về đổi mới PPGD ở mức cao nhưng hiểu biết về công nghệ số ở mức trung bình.

GV/BCV và học viên có sự tương đồng về cách lựa chọn các mức độ ưu tiên, trong 15 yếu tố ảnh hưởng thì yếu tố đến đổi mới PPGD trong bối cảnh công nghệ số. Yếu tố được lựa chọn ảnh hưởng nhiều nhất trong nhóm yếu tố từ phía giảng viên là sự hiểu biết của GV/BCV về đổi mới PPGD trong bối cảnh công nghệ số, trong nhóm yếu tố từ phía học viên là trình độ kiến thức, tư duy của cán bộ Hội LHPN cấp cơ sở, trong nhóm các yếu tố khác là nhận thức của lãnh đạo trong việc đổi mới chương trình bồi dưỡng cấp cơ sở.

3.2. Mức độ cải tiến các phương pháp giảng dạy truyền thống của giảng viên/báo cáo viên trong chương trình bồi dưỡng cấp cơ sở

Các PPGD truyền thống là những phương pháp quan trọng trong dạy học, tuy nhiên, có những hạn chế nhất định. Vì vậy, người dạy cần kết hợp với sử dụng các PPGD mới, đặc biệt là những phương pháp và kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo của người học. Một trong những xu hướng đổi mới PPGD là cải tạo các PPGD truyền thống cho phù hợp với nội dung hiện đại và tìm kiếm những PPGD mới. Đổi mới PPGD không có nghĩa là loại bỏ các phương pháp truyền thống mà cần bắt đầu bằng việc cải tiến để nâng cao hiệu quả và hạn chế nhược điểm của chúng bằng cách: Liên kết nhiều PPGD riêng lẻ thành tổ hợp PPGD phức hợp; liên kết PPGD với phương tiện kỹ thuật dạy học để tạo ra các tổ hợp PPGD phức hợp có dùng phương tiện kỹ thuật; chuyển hóa phương pháp khoa học  thành PPGD đặc thù của môn học.

Khảo sát mức độ cải tiến các PPGD truyền thống ở GV/BCV khi dạy chương trình bồi dưỡng cấp cơ sở cho thấy, số GV/BCV cải tiến ở mức độ thường xuyên PPGD chiếm tỷ lệ cao nhất với 68,7%, tiếp đến là mức độ thỉnh thoảng với 20.2% và mức độ rất thường xuyên với 11,1%. Đặc biệt, không có GV/BCV nào tự đánh giá là “hiếm khi” hoặc “không cải tiến” PPGD truyền thống.

Biểu đồ 1Mức độ đổi mới PPGD truyền thống của GV/BCV (%)

            (Nguồn: Kết quả khảo sát từ đề tài, 2022)

3.3Các kỹ thuật dạy học được sử dụng nhằm đổi mới PPGD và phát huy tính tích cực, tự giác của người học

Kỹ thuật dạy học là những cách thức hành động của của giáo viên, của người dạy và người học trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học.

Đổi mới PPGD được diễn ra theo bốn hướng chủ yếu là (1) phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, (2) bồi dưỡng phương pháp tự học, (3) rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, (4) tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho người học. Trong đó, hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học là cơ bản, chủ yếu, chi phối đến ba hướng sau.

Phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, hình thành và phát triển năng lực tự học, trên cơ sở đó trau dồi các phẩm chất linh hoạt, độc lập, sáng tạo của tư duy. Người dạy có thể chọn lựa một cách linh hoạt các phương pháp chung và phương pháp đặc thù của môn học, nhưng dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải đảm bảo được nguyên tắc “Người học phải tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức (tự chiếm lĩnh kiến thức) với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên”. Hay nói cách khác, dạy học thông qua tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập, giúp người học tự khám phá những điều chưa biết chứ không thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn. Người dạy là người tổ chức và chỉ đạo người học tiến hành các hoạt động học tập phát hiện kiến thức mới, vận dụng sáng tạo kiến thức đã biết vào các tình huống học tập hoặc tình huống thực tiễn...

Tính tích cực, tự giác, chủ động là những thuộc tính phản ánh bản chất năng động, sáng tạo của ý thức, là đặc trưng, điều kiện, động lực của quá trình nhận thức và hoạt động của con người. Tính tích cực được biểu hiện trong công việc và cuộc sống hàng ngày, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của con người.

Biểu đồ 2. Các kỹ thuật dạy học được sử dụng nhằm đổi mới PPGD và phát huy tính tích cực, tự giác của người học

(Nguồn: Kết quả khảo sát từ đề tài, 2022)

Số liệu thống kê cho thấy, các kỹ thuật dạy học được GV/BCV sử dụng thường xuyên nhất lần lượt là “kỹ thuật động não” (Điểm trung bình = 3.2, “kỹ thuật chia sẻ nhóm đôi” (Điểm trung bình = 3.02), “kỹ thuật sơ đồ tư duy” (Điểm trung bình = 2.88). Các kỹ thuật ít được GV/BCV sử dụng nhất lần lượt là “kỹ thuật phòng tranh” (Điểm trung bình = 1.86 ), “kỹ thuật XYZ” (Điểm trung bình = 1.87), “kỹ thuật khăn trải bàn” (Điểm trung bình = 1.99 ).

Nhìn chung, giá trị trung bình ở đa số các biến quan sát đều nằm trong mức điểm từ 1 - 3 trên thang đo Likert 5 điểm, chỉ có 2 kỹ năng đạt mức trung bình (điểm). Như vậy, phần lớn GV/BCV thỉnh thoảng hoặc hiếm khi sử dụng các kỹ thuật giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của học viênBên cạnh việc sử dụng các kỹ thuật giảng dạy, GV/BCV cũng đã tổ chức nhiều hoạt động khác để phát huy hiệu quả tính tích cực, tự giác, chủ động của người học.

Tôi thường giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, kết hợp nhiều PPGD và các kỹ thuật giảng dạy đa dạng, thường xuyên rèn luyện kỹ năng giảng dạy và nghiệp vụ sư phạm, khích lệ học viên (PVS, giảng viên 02, 38 tuổi, Hà Nội)

Trước khi giảng dạy một chuyên đề nào, tôi thường khảo sát nhu cầu và mong đợi của học viên để thiết kế bài giảng đáp ứng tối đa nhu cầu và mong đợi của họ. theo nhu cầu và các mong đợi của học viên (PVS, giảng viên 03, 51 tuổi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Tôi thường kích thích nhu cầu, khơi gợi hứng thú học tập cho người học ở tất cả các giai đoạn của tiết học, đồng thời giúp học viên xác định mục đích, xây dựng động cơ, thái độ học tập (PVS, giảng viên 01, 30 tuổi, tỉnh Lâm Đồng).

Để đạt được mục đích của việc đổi mới PPGD theo hướng phát huy tính tích cực chủ động, tự giác của người học, lấy người học làm trung tâm không chỉ cần có sự vào cuộc, phối hợp của các nhà quản lý, của người dạy mà còn phụ thuộc vào chính bản thân người học. Bởi lẽ, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác của người học phải xuất phát từ động cơ, nhu cầu và điều kiện của bản thân người học. Người dạy phải chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người học, trình độ tư duy của mỗi cá nhân.

3.4. Khó khăn của giảng viên/báo cáo viên khi thực hiện đổi mới PPGD, triển khai các PPGD tích cực trong chương trình bồi dưỡng cán bộ Hội cấp cơ sở

Áp dụng PPGD tích cực đang trở thành một xu hướng tất yếu trong ngành giáo dục nước ta nói chung và trong hệ thống các trường đào tạo cán bộ cho các tổ chức chính trị - xã hội nói riêng. Phương pháp này hướng tới việc tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, đồng thời yêu cầu người giảng viên phải nỗ lực nhiều hơn so với giảng dạy theo phương pháp truyền thống. Phương pháp giảng dạy tích cực tuy có nhiều ưu điểm nhưng cũng có những yêu cầu cao, đặt ra nhiều khó khăn. trong quá trình thực hiện.

Biểu đồ 3. Khó khăn trong thực hiện đổi mới và sử dụng PPGD tích cực

(Nguồn: Kết quả khảo sát từ đề tài, 2022)

Những khó khăn mà GV/BCV thường gặp nhiều nhất khi triển khai các PPGD tích cực lần lượt là “Nội dung giảng dạy nhiều, thời gian ít” với 21.5%, “Lớp đông” với 20.5%, “Người học ít phát biểu, thụ động” với 20.1%, “Người học ngại làm việc nhóm” với 13.5%. Các khó khăn này chủ yếu từ phía chương trình bồi dưỡng, cách tổ chức lớp học và từ phía học viên.

Thứ nhất, khó khăn về nội dung giảng dạy nhiều, thời gian ít: Theo quy định[1], thời lượng chương trình bồi dưỡng dành cho Chủ tịch, nguồn Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở bao gồm 176 giờ, với 80 giờ lý thuyết, 80 giờ thảo luận, thực hành, 8 giờ nghiên cứu thực tế và 8 giờ khai, bế giảng, viết bài luận cuối khóa, đánh giá. Mỗi chuyên đề có thời lượng từ 4 đến 8 giờ nhưng khối lượng kiến thức khá nhiều.

Kiến thức một chuyên đề khá nhiều mà thời lượng học không bao nhiêu, nên giảng viên phải cố gắng tóm tắt nội dung để truyền tải cho học viên. Do đó, tất cả học viên cũng hiếm khi được tham gia cả trong quá trình học tập tại lớp và ngoài lớp” (PVS, học viên 03, 41 tuổi, Tp. Hồ Chí Minh).

Thời gian học ngắn quá nên học viên không có cơ hội để được chia sẻ hết, được trải nghiệm. Chương trình nên có thêm thời gian để giảng viên triển khai thêm các hoạt động trải nghiệm cho người học (PVS, học viên 03, 41 tuổi, Tp. Hồ Chí Minh)

Thứ hai, khó khăn về số lượng học viên đông: do nhu cầu bồi dưỡng lớn nhưng ngân sách của từng địa phương còn hạn chế nên sĩ số học viên trong một lớp khá đông, từ 60 đến 80 học viên, thậm chí có lớp đến 100 người. Với số lượng như vậy, việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực cũng phần nào bị hạn chế.

Thứ ba là do thói quen thụ động trong quá trình dạy và học. Học viên ngại làm việc nhóm, ít phát biểu, chia sẻ.

Bản thân tôi cảm thấy hứng thú với nội dung các chuyên đề bồi dưỡng. Nhưng do mới tiếp cận công tác Hội nên chưa chủ động phát biểu ý kiến, vì sợ phát biểu sai về chuyên môn công tác Hội. Do học trực tuyến nên tỷ lệ học viên trong lớp chủ động phát biểu chỉ chiếm khoảng 40  - 50% (PVS, học viên 02, 40 tuổi, Tp. Hồ Chí Minh).

Nhìn chung, các khó khăn từ phía giảng viên chiếm tỷ lệ thấp “Tốn tiền bạc” với 3.1%, “Chưa biết cách gây hứng thú, lôi cuốn người học tự giác tham gia” với 4.2%, “Tốn thời gian, dễ cháy giáo án” với 4.5%.

4. Kết luận

Thông qua xây dựng cơ sở  lí luận và khảo sát thực tiễn, đề tài đã làm rõ được thực trạng, mức độ đổi mới PPGD chương trình bồi dưỡng cán bộ Hội cấp cơ sở. Trong đó, việc đổi mới đã chú trọng đến việc kết hợp các PPGD tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác cũng như phát triển tư duy phản biện của người học. Hai phương pháp phù hợp nhất với cán bộ Hội LHPN cấp cơ sở cũng là hai phương pháp mà GV/BCV thường xuyên sử dụng nhất trong quá trình giảng dạy. Một số phương pháp giảng dạy chưa được GV/BCV sử dụng thường xuyên như phương pháp theo dự án, học tập phục vụ cộng đồng và seminar. Các kỹ thuật giảng dạy đã được sử dụng nhưng chưa đa dạng, thiếu các kỹ thuật giúp người học phát triển tư duy sáng tạo.

Bên cạnh đó, đề tài đã phân tích các khó khăn, trở ngại trong thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ trong bối cảnh công nghệ số, góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ của Hội LHPN Việt Nam.

Trên thực tế, việc đổi mới phương pháp dạy trong bối cảnh công nghệ số đòi hỏi nhiều điều kiện thích hợp về phương tiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật và hình thức tổ chức dạy học, điều kiện về tổ chức, quản lý lớp học. Ngoài ra, phương pháp dạy học còn mang tính chủ quan. Mỗi giáo viên với kinh nghiệm riêng của mình cần xác định những phương hướng riêng để không ngừng đổi mới, cải tiến phương pháp dạy học và kinh nghiệm cá nhân, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số mới có thể đáp ứng yêu  cầu thực tiễn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ngày càng tác động sâu rộng tới đời sống con người.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Cúc (2017), Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam và gợi ý chính sách cho Việt Nam - Học viện Chính trị khu vực I;
  2. Chung Thị Vân Anh (2017), cách mạng công nghiệp 4.0 với giáo dục đại học nói chung và Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng;
  3. Nguyễn Chí Trường (2018), Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội, thách thức và giải pháp hai tốc độ cho giáo dục nghề nghiệp. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
  4. Nguyễn Đặng Phương Truyền (2018). Hoàn thiện chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 14, kỳ 2 tháng 7/2018.
  5. Trương Thanh Hằng, Nguyễn Thị Nga (2019). Đổi mới phương pháp giảng dạy kế toán kiểm toán trước tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0. Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia Nghiên cứu và đào tạo Kế toán, kiểm toán - Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư: Những vấn đề đặt ra với nội dung và chương trình đào tạo ngành Kế toán, Kiểm toán. Nxb Lao động - Xã hội.

 


[1] Quyết định 4473/QĐ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam ngày 28 tháng 4 năm 2020 về Ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội giai đoạn 2020 – 2025.

 

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc Phân hiệu Học viện tại Thành phố Hồ Chí Minh




Cùng chuyên mục

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng
Cổng Thông tin điện tử Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương với tiêu đề: “Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người luôn đề cao vai trò của nữ đại biểu Quốc hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người luôn đề cao vai trò của nữ đại biểu Quốc hội
Trên cương vị Chủ tịch Quốc Hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định thành lập “Nhóm nữ Nghị sĩ Việt Nam” sau này là “Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam”. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn quan tâm đặc biệt tới hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo mẫu mực, “Tổng tư lệnh của lòng dân”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo mẫu mực, “Tổng tư lệnh của lòng dân”
Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện những phẩm chất tốt đẹp nhất của người cộng sản chân chính, sáng ngời về đạo đức cách mạng, là người lãnh đạo mẫu mực, sáng suốt, giản dị, tận tụy với sự nghiệp cách mạng của Đảng, là người lãnh đạo đáng kính của Nhân dân Việt Nam.

VỀ CHÚNG TÔI

TRỢ GIÚP

Placement are recruiting
Benefits and enviroment at VWBH

TUYỂN DỤNG

Placement are recruiting
Benefits and enviroment at VWBH

LIÊN HỆ

HUB Hỗ trợ Phụ nữ Kinh doanh và Khởi nghiệp
(Vietnam Women’s Entrepreneur and Start-up HUB)
  Trường Trung cấp Lê Thị Riêng,
Số 9-10, đường 9, Phường Phước Bình, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh
  028.62826019
  028.62825973

HUB Hỗ trợ Phụ nữ Kinh doanh và Khởi nghiệp (Vietnam Women’s Entrepreneur and Start-up HUB)