ương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là việc quán triệt các quan điểm khách quan, toàn diện, ổn định và phát triển, thực tiễn và lịch sử - cụ thể; kiên quyết, kiên trì về nguyên tắc, song luôn linh hoạt, mềm dẻo để đạt được thành công vì lợi ích cao nhất của quốc gia, dân tộc. Khi mong muốn tạo lập sự đoàn kết, thống nhất tư tưởng, ý chí, hành động trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, Đồng chí nhiều lần nhắc nhở: “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Trong công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, Đồng chí nhấn mạnh đặc trưng trường phái “cây tre Việt Nam” gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển: mềm mại, linh hoạt, khôn khéo, nhân văn, nhân ái nhưng cũng rất kiên cường, kiên quyết, ứng vạn biến trước mọi khó khăn, thử thách.
Cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đều bày tỏ sự yêu mến, kính trọng tài năng, đạo đức cách mạng, lối sống thanh bạch, chân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, Tổng Bí thư luôn dành những tình cảm ấm áp, thủy chung, bao dung, nhân hậu, giúp đỡ, chia sẻ. Đối với đồng bào cả nước, các tầng lớp nhân dân từ các giới đến các lĩnh vực nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc, từ cụ già đến em nhỏ, Đồng chí luôn gần gũi, quan tâm chăm lo quyền lợi, lợi ích chính đáng, đồng cảm sâu sắc đến mọi nguyện vọng, mong muốn của người dân; trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, coi trọng tư tưởng cốt lõi “Dân là gốc”. Đối với bạn bè quốc tế, Đồng chí luôn dành tình cảm chân thành, tinh thần quốc tế trong sáng, tin cậy, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ trên tinh thần bảo đảm các nguyên tắc đối ngoại và đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong cuộc sống đời thường, Đồng chí và gia đình luôn khiêm tốn, mẫu mực, giản dị, hòa đồng…
Cuộc đời và sự nghiệp của Đồng chí là một tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, nhất quán giữa nói và làm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đúng như tâm nguyện của Đồng chí: “Tôi xin nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện; cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, như lời của một bài hát: "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản!". Nhân đây tôi cũng xin nhắc lại một vài câu trong tác phẩm nổi tiếng "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Liên Xô Nhi-cô-lai Ốt-xtơrốp-xki: "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân!"; "Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ!",... và lời thơ của Nhà thơ Tố Hữu: "Còn một giây, một phút tàn hơi; Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi!” [4].
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII (Hà Nội, 2/10/2018). Ảnh: Trí Dũng-TTXVN
5.Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện vai trò hạt nhân lãnh đạo, cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng sự đoàn kết, thống nhất tư tưởng, ý chí, hành động trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.
Đồng chí thường nhắc nhở: “Công tác tư tưởng - văn hóa phải bảo đảm tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới trên cơ sở giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm tăng cường sự thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân (thống nhất nhận thức, thống nhất ý chí, thống nhất hành động), tạo ra một không khí phấn chấn đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện thắng lợi Cương lĩnh và đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước”[5].
Đồng thời, Đồng chí cũng chỉ rõ: “Công tác tư tưởng là công tác quan trọng hàng đầu, nhưng khó ở chỗ tư tưởng rất trừu tượng... Điều đáng sợ nhất bây giờ là trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân, kể cả trong cán bộ tuyên giáo là sự mơ hồ, không phân biệt đúng sai, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, mất hết nhuệ khí đấu tranh... Chính vì vậy, tôi mong muốn toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là ngành tuyên giáo và đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn ý nghĩa, vai trò, vị trò quan trọng của công tác tư tưởng. Ngành tuyên giáo phải làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Đấy chính là nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường đã đi, tuyệt đối không dao động, mơ hồ... Đó là để tất cả chúng ta phải kiên định con đường đi lên dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” [6].
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bốn nhiệm vụ cần tập trung thực hiện: (1) Làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng; kiên định chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyệt đối không được dao động, mơ hồ, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; (2) Công tác thông tin, tuyên truyền phải tập trung vào việc xây dựng cho được sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân; (3) Đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh tư tưởng, phản bác các luận điệu thù địch, sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng; (4) Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường, trí tuệ, tâm huyết với công việc, có dũng khí đấu tranh, có trình độ chuyên môn, nói được, làm được, không bị cám dỗ, không bị mua chuộc bởi các thế lực thù địch.
Những tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo và nguyên tắc hành động trong công tác tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sợi chỉ đỏ, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng làm công tác tư tưởng, trên cơ sở: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, nâng cao tính chiến đấu, chủ động, thuyết phục, hiệu quả, góp phần tạo thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng vững chắc cho việc tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV, từng bước hiện thực hóa mục tiêu: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
--------------------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 103
[2] Số lượng công trình sách lý luận của Đồng chí Tổng Bí thư hơn 40 cuốn, số lượng các bài viết bài phát biểu chỉ đạo, định hướng lên đến hàng nghìn văn bản.
[3] Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương ban hành về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm...
[4] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, ngày 02/02/2023.
[5] Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 67.
[6] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo, ngày 01/8/2018.