Tin tức\Tin đặc biệt

Khởi sự, Khởi nghiệp và các chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

 13/12/2018 10:34   Tag: khởi nghiệp,

Hệ sinh thái khởi nghiệp đang dần rõ nét nhưng khái niệm khởi nghiệp hiện vẫn đang được hiểu dưới nhiều góc độ và ý nghĩa khác nhau, dẫn đến việc gây khó cho các hoạt động tổ chức triển khai chương trình, chính sách. Cho đến thời điểm hiện tại, Các chính sách của Chính phủ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp như thế nào?

     Phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam đang dâng cao. Năm 2016 được Chính phủ lựa chọn làm năm "Quốc gia khởi nghiệp" với mục tiêu tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai dưới đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" của Bộ Khoa học và Công nghệ. Chúng ta đang ở trong thời kỳ bùng nổ của làn sóng khởi nghiệp thứ hai tại Việt Nam mà năm 2016 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nhân rộng và đặt nền tảng cho những chặng đường tiếp theo của cộng đồng khởi nghiệp trong nước.

Trước xu thế đó, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là yêu cầu đặt ra tất yếu với nhiều bộ, ban ngành, tổ chức có vai trò, chức năng liên quan đến bình đẳng giới và công tác phụ nữ, trong đó trọng tâm là Hội LHPN Việt Nam. Một trong những chính sách của Nhà nước thể hiện sự nhìn nhận vai trò này là Quyết định số 939/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/06/2017, phê duyệt Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Bên cạnh mục tiêu nâng cao nhận thức của cán bộ Hội chuyên trách các cấp, cán bộ các bộ/ngành, hội viên phụ nữ về nhận thức việc làm và khởi nghiệp, mục tiêu quan trọng và nổi bật nhất trong Đề án là phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm 20 nghìn phụ nữ khởi nghiệp hoặc khởi sự kinh doanh và có thêm 100 nghìn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được thành lập; hỗ trợ thành lập 1200 Hợp tác xã/ Tổ hợp tác do phụ nữ quản lý và tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cho khoảng 100.000 doanh nghiệp do phụ nữ mới thành lập.

Ngoài ra, không thể không kể đến những tín hiệu đáng mừng trong việc ban hành các chính sách chung của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 6/2017 của Quốc hội  Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016. Đối với việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự và phát triển kinh doanh, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lần đầu tiên quy định về khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ với hai tiêu chí cơ bản liên quan đến sở hữu vốn điều lệ của phụ nữ (từ 51%) và có ít nhất 1 phụ nữ điều hành. Các nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ cũng được ưu tiên hơn khi quy định rõ ràng trong Khoản 5 Điều 5 "Trường hợp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định của Luật này thì ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ hơn". Trong số các chính sách can thiệp, ngay từ năm 2011 đã có một tiểu dự án (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới) nhằm hỗ trợ riêng cho phụ nữ khởi nghiệp thông qua các hoạt động đào tạo, cho mượn địa điểm, giúp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, cho vay vốn ưu đãi.[1]

Hệ sinh thái khởi nghiệp đang dần rõ nét nhưng khái niệm khởi nghiệp hiện vẫn đang được hiểu dưới nhiều góc độ và ý nghĩa khác nhau, dẫn đến việc gây khó cho các hoạt động tổ chức triển khai chương trình, chính sách. Vì vậy, cần làm rõ nội hàm các khái niệm khởi sự, khởi nghiệp và khởi nghiệp Start-up [2]hiện đang được sử dụng thịnh hành trong các nghiên cứu và các phương tiện thông tin đại chúng.

Về Khởi sự kinh doanh

Khởi sự theo Từ điển Tiếng Việt được hiểu là bắt đầu một cái gì mới. Như vậy, khi chúng ta bắt đầu làm một công việc gì mới so với trước nay vẫn từng làm thì gọi là khởi sự. Khởi sự kinh doanh theo nghĩa đó được hiểu là bắt đầu tạo lập một công việc kinh doanh.

Từ trước đến nay có hai cách tiếp cận về khởi sự kinh doanh: Cách thứ nhất: dưới góc độ lựa chọn nghề nghiệp, tự tạo việc làm; Cách thứ hai: dưới góc độ tạo dựng doanh nghiệp mới, đầu tư kinh doanh

Sự khác nhau giữa hai cách tiếp cận này là ở chỗ: dưới góc độ lựa chọn việc nghề nghiệp thì nhấn mạnh vào khởi sự để tự làm chủ, không đi làm thuê cho ai cả; trong khi đó, dưới góc độ tạo dựng doanh nghiệp mới thì khởi sự kinh doanh bắt đầu từ việc tạo lập một doanh nghiệp hoặc làm chủ một hoạt động đầu tư kinh doanh. Tóm lại, khởi sự kinh doanh được hiểu là tạo dựng một công việc kinh doanh mới.

Về Khởi nghiệp kinh doanh

Khởi nghiệp là một khái niệm thu hút nhiều tranh luận khác nhau tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Khởi nghiệp theo ngôn ngữ tiếng Việt có thể hiểu là khởi sự một công việc nào đó nhưng có định hướng phát triển lâu dài, cam kết theo đuổi và dành hết tâm sức, nguồn lực cho công việc này. Ở Việt Nam, nhiều người còn nhầm lẫn giữa khái niệm khởi nghiệp được hiểu theo cách trên và khái niệm khởi nghiệp theo thuật ngữ tiếng Anh là "Start-up". Có đề xuất nên giữ nguyên thuật ngữ "Start-up" vì việc tạm dịch thành khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng không truyền tải được hết nội hàm của thuật ngữ này.

Về Khởi nghiệp kinh doanh Start-up

Nhiều doanh nhân nổi tiếng và các học giả trên thế giới đã có những khái niệm khác nhau. Tựu trung lại, khởi nghiệp "Start-up" có những đặc tính quan trọng để phân biệt với thuật ngữ khởi nghiệp nói trên, cụ thể như sau:

- Thứ nhất, tính khác biệt, đổi mới sáng tạo liên tục: "Start-up" đặc biệt đề cao tính đổi mới sáng tạo liên tục trong hoạt động kinh doanh vì chỉ có vậy mới có sự khác biệt để tồn tại và phát triển bền vững trong thị trường cạnh tranh khốc liệt.

- Thứ hai, tính sở hữu: để khẳng định rằng người khởi nghiệp đang làm chủ các hoạt động kinh doanh mà mình đã thiết lập.

- Thứ ba, tính tăng trưởng nhanh: đây cũng là thuộc tính quan trọng của "Start-up". Các ý tưởng, hoạt động khởi nghiệp phải thể hiện rõ được sự gia tăng quy mô nhanh chóng theo thời gian. Để làm được điều đó, các "Start-up" đều rất cần có nguồn vốn để tăng quy mô. Phần lớn các "Start-up" đều phải gọi vốn đầu tư mạo hiểm.

- Thứ tư, tính công nghệ: trong các sản phẩm, dịch vụ hoặc ngay trong quá trình hoạt động, "Start-up" đều cần đưa vào hàm lượng công nghệ cao mới đáp ứng được đòi hỏi về tính khác biệt, đổi mới, sáng tạo liên tục và tăng trưởng nhanh.

- Thứ năm, tính rủi ro, không chắc chắn: đây là đặc tính dễ thấy bởi nó là hệ quả của các đặc tính trên. Kinh doanh nhỏ lẻ với số vốn đầu tư ít thì mức độ rủi ro ít và ngược lại. Chính vì vậy, tỷ lệ các "Start-up" thất bại rất cao. Tuy nhiên, những "Start-up" vượt qua được khó khăn thường có được những lợi ích to lớn và lâu dài.

Như vậy, khoảng cách về nội hàm các khái niệm Khởi sự kinh doanh, Khởi nghiệp kinh doanh và Khởi nghiệp kinh doanh Start-up cần được làm rõ và có thể tóm tắt lại như sơ đồ dưới đây:

 
 

 

 Sơ đồ về khoảng cách giữa Khởi sự kinh doanh, Khởi nghiệp kinh doanh và Khởi nghiệp kinh doanh Start-up


[1] Trần Quang Tiến (2017), Phụ nữ khởi nghiệp: từ chính  sách đến thực tiễn ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, Số 8 (471)

[2] Theo quan điểm của tác giả: nên giữ nguyên thuật ngữ Khởi nghiệp Start-up (không nên dịch thành Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vì chưa thể hiện được hết nội hàm thuật ngữ Start-up)

Ts. Nguyễn Hùng Cường

 
 
 

nacdanh@gmail.com

Bài viết hay lắm ạ, share cho thớt
13/12/2018 07:46

Cùng chuyên mục

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng
Cổng Thông tin điện tử Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương với tiêu đề: “Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người luôn đề cao vai trò của nữ đại biểu Quốc hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người luôn đề cao vai trò của nữ đại biểu Quốc hội
Trên cương vị Chủ tịch Quốc Hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định thành lập “Nhóm nữ Nghị sĩ Việt Nam” sau này là “Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam”. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn quan tâm đặc biệt tới hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam.