Các đại biểu tham quan Cơ sở sản xuất mây tre Hân Hạnh, thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá khách quan vai trò của phụ nữ trong bảo tồn và phát triển sản phẩm nghề truyền thống; nâng cao nhận thức của tổ chức Hội và phụ nữ về bảo tồn, phát triển nghề truyền thống. Trong đó, quan tâm các giải pháp phát triển mô hình phát triển kinh tế tập thể tại khu vực làng nghề, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương phát biểu.
Hiện nay, toàn thành phố có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề và hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã chủ động tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia bảo tồn và phát triển sản phẩm nghề truyền thống; tạo việc làm cho phụ nữ và gia đình.
Nhiều phụ nữ làng nghề đã trở thành nghệ nhân, thợ giỏi. Trong số gần 350 nghệ nhân làng nghề, có 1/13 nữ Nghệ nhân nhân dân, 5/42 nữ Nghệ nhân ưu tú, 50/290 nữ Nghệ nhân Hà Nội.
Đại biểu trao đổi ý kiến tại hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, tư vấn việc tiếp cận chính sách về hỗ trợ phát triển làng nghề; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống; đồng thời tham vấn cho các cấp Hội giải pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống, xúc tiến hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới.
Các đại biểu cũng trao đổi về một số chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề; cơ hội và những thách thức đối với phụ nữ trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển nghề truyền thống; định hướng và giải pháp hỗ trợ nữ nghệ nhân phát triển mô hình kinh tế tập thể, xây dựng thương hiệu làng nghề…