Cổng Thông tin điện tử Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn báo cáo:
- Kính thưa đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Kính thưa GS.TS Nguyễn Thị Doan - Nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia.
- Kính thưa đ/c Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ
- Kính thưa: các đồng chí Ủy viên TW Đảng
Kính thưa các chị nữ lãnh đạo, nữ trí thức, nhà khoa học nữ!
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
Trong không khí ấm áp mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn, những ngày này, các cấp, các ngành và phụ nữ cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, hôm nay, đại diện nữ lãnh đạo quản lý và nữ trí thức rất phấn khởi được dự cuộc gặp mặt với Lãnh đạo Thường trực Chính phủ.
Thay mặt cho các đại biểu tham dự buổi gặp mặt, xin trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã dành tình cảm, sự quan tâm sâu sắc đến phụ nữ cả nước (nói chung), đội ngũ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức (nói riêng) và đã chỉ đạo tổ chức buổi gặp mặt ý nghĩa ngày hôm nay.
Xin kính chúc Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các quý vị đại biểu luôn mạnh khỏe, hạnh phúc.
Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu,
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng công tác phụ nữ với việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, tạo điều kiện để phụ nữ trong đó có cán bộ nữ ngày một phát triển, có thể kể đến như Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị ngày 27/4/2007 về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư ngày 20/01/2018 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc các nhiệm kỳ. Từ những chủ trương lớn đó, Quốc hội, Chính phủ[1] đã kịp thời cụ thể hóa bằng nhiều Nghị quyết, dự án Luật, Chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện với nhiều kết quả cụ thể.
Nhờ có chủ trương, hệ thống chính sách và pháp luật tương đối đầy đủ, tiến bộ về công tác phụ nữ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực không ngừng của các lực lượng phụ nữ, đến nay, phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phát triển, khẳng định vai trò và vị thế, có đóng góp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, lực lượng nữ trí thức và nữ lãnh đạo, quản lý luôn là lực lượng tiên phong đi đầu.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”. Trải qua nhiều giai đoạn, đội ngũ trí thức Việt Nam ngày càng được bổ sung đông đảo, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò của đội ngũ trí thức càng quan trọng hơn bao giờ hết. Năm 2008, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về trí thức. Sau 15 năm, năm 2023, Nghị quyết 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước đã được ban hành. Nghị quyết 45 đã xác định: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia" và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội…”. Đây là một nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra cơ hội cho đội ngũ trí thức trong đó có nữ trí thức tiếp tục phát huy năng lực, sức sáng tạo, cơ hội hợp tác với doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu… trong phát triển kinh tế trí thức, góp phần xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Về đội ngũ nữ trí thức Việt Nam, xin vui mừng báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị đại biểu: Theo danh sách được công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, giai đoạn 2019 – 2023, có tổng số 2.059 vị, trong đó, có 534 Giáo sư và Phó Giáo sư là nữ, chiếm tỷ lệ 26%. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chúng ta rất tự hào khi có nhiều nữ trí thức đã làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, hoặc các nhiệm vụ thuộc các chương trình trọng điểm cấp quốc gia với kết quả đầu ra có tính khoa học và ứng dụng cao, đã được xã hội ghi nhận.
Trong khán phòng hôm nay, có rất nhiều nữ chuyên gia, nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu, đạt nhiều giải thưởng danh giá, nhận được sự quan tâm, ngưỡng mộ của xã hội và bạn bè quốc tế. Trong số đó, có GS Huỳnh Thị Phương Liên (80 Tuổi); GS.TS Lê Thị Hợp- Chủ tịch Hội nữ Trí thức Việt Nam; GS Đặng Hoàng Minh (45 tuổi) - trẻ nhất trong số người được công nhận GS vào năm 2023; Hay GS toán học Tạ Thị Hoài An, GS.TS y học Trần Vân Khánh…
Các nữ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học nữ Việt Nam không chỉ say mê nghiên cứu khoa học, truyền tải kiến thức mà còn thực sự là tấm gương sáng, truyền cảm hứng về tinh thần “Việc học không bao giờ cùng” (như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh), về sự đam mê và tinh thần cống hiến không mệt mỏi cho khoa học và sự phát triển của nước nhà.
Về đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý: chúng ta rất vui mừng khi thấy, đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng:
+ Tỷ lệ nữ cấp ủy 3 cấp của toàn quốc nhiệm kỳ 2020-2025 đều tăng so với nhiệm kỳ trước, đạt và vượt chỉ tiêu 15%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% cao nhất kể từ Quốc hội khóa VI trở lại đây, trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cao hơn so với nhiệm kỳ trước.
+ Nữ lãnh đạo, quản lý ở Bộ, ngành Trung ương và địa phương năm 2023 cơ bản tăng so với năm 2022. Tăng nhiều nhất là nữ lãnh đạo cấp vụ: nữ Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương tăng 364 chị[2]; nữ Cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương tăng 72 chị[3]. Chúng ta có thêm 08 nữ Thứ trưởng và tương đương, có 03/30 nữ Bộ trưởng và tương đương, đang đảm đương các nhiệm vụ ở các Bộ/ngành rất quan trọng của Chính Phủ.
(Đối với địa phương: Có 4.279/30.686 nữ Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, đạt 13,9% tăng so với năm 2022 là 4243; Có 12.864/44.821 nữ trưởng phòng, Phó trưởng các phòng chuyên môn và tương đương, đạt 28,7% tăng so với năm 2022 là 8.028)
Các chị nữ lãnh đạo, quản lý các cấp ngày càng được trẻ hóa, đang không ngừng nỗ lực cố gắng nâng cao năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo, cán bộ và quần chúng nhân dân tín nhiệm; nhiều chị phát huy tốt tiếng nói của ngành, địa phương, của giới nữ trong các diễn đàn Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ, thưa các quý vị đại biểu.
Góp phần vào những kết quả trong công tác phụ nữ, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nữ trí thức, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành (như Bộ Nội vụ, Bộ Lao động- Thương Binh và xã hội, các ủy Ban của Quốc hội) tham mưu xây dựng, đề xuất chính sách về phụ nữ, nữ trí thức, cán bộ nữ[4]; tổ chức thực hiện các hoạt động tham vấn nhằm góp phần tăng tỷ lệ cán bộ nữ thông qua tổ chức các tọa đàm, hội thảo, gặp mặt...[5]; chủ động nắm tình hình cán bộ nữ và tham gia phát hiện, giới thiệu nguồn nhân sự nữ cho đại hội Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực thực hiện các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ; Phối hợp thực hiện các hoạt động tăng cường kết nối, phát huy vai trò cán bộ nữ[6]… Năm 2011, với sự chủ động hỗ trợ của TW Hội LHPN VN, Hội Nữ trí thức Việt Nam được thành lập và trở thành tổ chức thành viên của Hội LHPN Việt Nam, đang ngày càng phát triển, thu hút ngày càng đông hội viên tham gia. Ban Chấp hành TW Hội cũng đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ phụ nữ hội nhập đến năm 2030, trong đó đề ra các giải pháp hỗ trợ phụ nữ, trong đó có lực lượng nữ trí thức trong hội nhập quốc tế. Đến nay, TW Hội đã thực hiện một số hoạt động như thí điểm xây dựng mạng lưới lãnh đạo nữ tự tin hội nhập; phối hợp, hỗ trợ Hội nữ Trí thức Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Mạng lưới Nữ khoa học châu Á, Thái Bình Dương năm 2018, và năm nay - năm 2024; phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài, triển khai các hoạt động kết nối các nhà nữ khoa học, trí thức Việt Nam ở nước ngoài.
Hội LHPN Việt Nam cũng chú trọng các hoạt động ghi nhận, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình phụ nữ tiên tiến, trong đó có nữ trí thức nhằm động viên, khích lệ nữ trí thức tham gia ngày càng hiệu quả vào công cuộc phát triển đất nước, quan tâm tạo nguồn nữ trí thức như trao học bổng cho các nữ sinh có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, nữ sinh vượt khó học giỏi.
Đặc biệt, TW Hội LHPN Việt Nam là cơ quan Thường trực, tham mưu cho Hội đồng giải thưởng Kovalevskaia, trong đó Chủ tịch Hội đồng là Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và hiện nay là Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan để phát hiện, tôn vinh những tập thể và cá nhân các nhà khoa học nữ đã có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại những lợi ích đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần khẳng định vai trò to lớn của đội ngũ nữ trí thức trong sự phát triển đi lên của đất nước.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu!
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cán bộ nữ và việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức trong giai đoạn mới đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đó là:
(1)Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào các vị trí cấp chiến lược chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị.
(2) Về cơ cấu, số lượng: Phần lớn nữ trí thức nước ta làm việc trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học xã hội, nhân văn, báo chí thông tin. Số lượng nữ trí thức làm việc trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, an ninh, quốc phòng, vận tải, xây dựng và kiến trúc còn khiêm tốn. Định kiến giới trong văn hóa truyền thống là rào cản vô hình, hạn chế cơ hội tham chính của phụ nữ.
(3) Về cơ chế chính sách đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học vào đời sống chưa thực sự được quan tâm thỏa đáng,
Trước thực trạng đó, nữ trí thức cả nước xin bày tỏ mong muốn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cụ thể hóa một cách thực chất quản điểm, chủ trương của Đảng, 05 nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết số 45 và các Nghị quyết, Chiến lược bình đẳng giới của Chính phủ nhằm phát huy tốt nhất những kết quả đạt được trong công tác cán bộ nữ thời gian qua, từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng, phát huy vai trò và những đóng góp tích cực của đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đặc biệt, với chủ đề ngày Quốc tế phụ nữ năm 2024 là “Đầu tư cho phụ nữ - Đẩy nhanh tiến độ phát triển”, kính mong các đồng chí Lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan trung ương và địa phương quan tâm lan tỏa thông điệp này, đồng thời tiếp tục chỉ đạo để có sự đầu tư cho phụ nữ - đầu tư cho sự phát triển - một cách cụ thể, hiệu quả nhất.
Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Phó Thủ tướng Chính phủ, các quý vị đại biểu luôn mạnh khỏe, có nhiều thành công trong công tác và cuộc sống.
Chúc các chị lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, nữ trí thức, nữ chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu và các cá nhân đạt giải Kovalevskaia năm 2023 đón ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn!
[1] Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ xác định chỉ tiêu: Đến năm 2030 phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%.
Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định Chỉ tiêu: “Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ”.
Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ quy định: Phấn đấu cơ cấu, tỷ lệ quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng cán bộ nữ từ 25% trở lên.
Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định: Phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử khoảng 30% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân.
Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”, trong đó xác định mục tiêu: “Đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, hướng tới thực hiện cam kết đạt mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ”.
Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 (ban hành kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ) quy định chỉ tiêu: Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
[2] Có 437/1874 nữ giữ chức vụ Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương, đạt 23,3% tăng so với năm 2022 là 364.
[3] Có 77/765 nữ giữ chức vụ Cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương, đạt 10,06% tăng so với năm 2022 là 72
[4] Tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản về công tác cán bộ; tham gia xây dựng Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý các cấp hoạch định ch`ính sách giai đoạn 2021-2030; Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030
[5] như phối hợp cùng Ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị lãnh đạo chủ chốt các tỉnh/thành ủy năm 2019 bàn giải pháp thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW năm 2018 gắn với triển khai Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức sơ kết, tổng kết 5 năm, 10 năm Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư ….
[6] Như: Năm 2023, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chuẩn bị nội dung, chương trình tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức buổi gặp mặt cán bộ, công chức nữ lãnh đạo, quản lý từ cấp Tổng cục trở lên nhân dịp kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế phụ nữ 08/3 và trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 cho tổ chức, cá nhân nữ nhà khoa học, nữ trí thức được nhận giải thưởng Kovalevskaia; năm 2024 Hội LHPN Việt Nam được giao chủ trì phối hợp Bộ Nội Vụ và các cơ quan liên quan để tổ chức gặp mặt lãnh đạo Chính phủ với nữ lãnh đạo, quản lý các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, nữ trí thức tiêu biểu và Trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023 nhân kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3