Tin tức\Câu chuyện khởi nghiệp

Từng bước giúp hội viên phụ nữ bắt nhịp chuyển đổi số, khởi nghiệp thành công

 01/01/2024 11:13   Tag:

Từng bước giúp hội viên phụ nữ bắt nhịp chuyển đổi số, khởi nghiệp thành công

Chủ động bắt nhịp xu thế thời đại công nghệ số, kinh tế số, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích hội viên phụ nữ nỗ lực trau dồi, trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học trong sản xuất kinh doanh, trở thành những điển hình phụ nữ khởi nghiệp thành công tại địa phương.
 Từ thành công của trồng nho đen không hạt, gia đình chị Nhài đang dự định phát triển mô hình trang trại theo hướng liên kết du lịch sinh thái cộng đồng

Với mong muốn làm giàu từ nông nghiệp sạch, năm 2019, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhài, thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc đầu tư trồng 4.300 gốc nho đen không hạt trên diện tích 10.000m2 theo hướng công nghệ cao. Tất cả quy trình trồng và chăm sóc đều bảo đảm theo quy chuẩn VietGAP với hệ thống nhà giàn có mái che, hệ thống bón phân tự động, tưới nước nhỏ giọt cùng sự hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật của Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang. Chỉ sau hơn 1 năm trồng thử nghiệm, vườn nho của gia đình chị đã cho trái ngọt, trung bình mỗi năm thu từ 3 - 4 tấn quả; tạo việc làm cho 6 nhân công cố định và 10 nhân công thời vụ. Năm 2021, dự án khởi nghiệp “Trồng nho sạch” của chị Nhài đã đạt giải Triển vọng tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc.

Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm vườn nho, chị Nhài cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, có thời điểm nho đen không hạt cũng đứng trước nguy cơ khó tiêu thụ như nhiều sản phẩm nông nghiệp khác. Tuy nhiên, nhờ chủ động đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, nhất là phát huy hiệu quả các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, ngoài thị trường tiêu thụ ổn định là các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch, nho đen không hạt của trang trại đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, đặt hàng online. "Thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ mở rộng hệ thống nhà màng kín hiện đại để trồng khoảng 8.000 gốc nho. Cùng với đó, tiếp tục giới thiệu, quảng bá sản phẩm để có thể tiếp cận nhiều hơn nữa thị trường phía Bắc, sau đó là toàn quốc, hướng tới phát triển mô hình liên kết du lịch sinh thái cộng đồng, tích hợp các dịch vụ du lịch trải nghiệm ngắn, các chương trình học tập trải nghiệm cho học sinh các trường mầm non, tiểu học."

Dù  tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội và đã có kinh nghiệm 5 năm làm việc tại một công ty nước ngoài với mức lương cao nhưng chị Phùng Thị Thu Hương, phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên vẫn quyết định về quản lý tại Công ty TNHH Ngọc Hoàng của gia đình và đầu tư thêm cửa hàng kinh doanh đồ uống mang tên Kafe đường tàu. Với sức trẻ cùng quyết tâm đưa doanh nghiệp bắt kịp xu hướng phát triển mới, từ năm 2018 đến nay, chị Hương đã vận hành công ty theo hướng hiện đại, áp dụng kỹ năng 4.0, trao đổi đơn hàng qua zalo, hoạt động qua phần mềm kế toán, giúp việc kinh doanh, bán hàng thuận tiện hơn. Hiện cùng với chuỗi cửa hàng đồ uống được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn, Công ty TNHH Ngọc Hoàng do chị Hương quản lý đang là nhà phân phối 4 nhãn hàng tiêu dùng, cung cấp hàng hóa cho hơn 300 đại lý bán lẻ trong toàn tỉnh.

Chị Hương cho biết, để đứng vững trên thị trường, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, ngoài chất lượng sản phẩm, điều quan trọng là phải biết tận dụng công nghệ số để tiếp cận, chăm sóc khách hàng và quản lý hệ thống. Hiện Công ty TNHH Ngọc Hoàng đang sử dụng các phần mềm như: Phần mềm gửi tin nhắn tự động để chăm sóc khách hàng, phần mềm quản lý đơn hàng, kế toán... giúp hoạt động luôn thông suốt kể cả trong những thời điểm phải thực hiện cách ly phong tỏa để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, cửa hàng kinh doanh đồ uống vẫn duy trì lượng khách ổn định với hơn 70% lợi nhuận là từ kênh bán hàng trực tuyến.

Để hỗ trợ, giúp hội viên phụ nữ dần thích ứng với kỷ nguyên số, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như: Tổ chức diễn đàn “Phụ nữ khởi nghiệp, cơ hội và thách thức”, phát động Ngày phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo để các hội viên được giao lưu, giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh; tập huấn thúc đẩy kinh doanh qua mạng xã hội facebook, đào tạo về khởi sự kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp và quản trị kinh doanh; hỗ trợ hiện thực hóa 40 ý tưởng khởi nghiệp của hội viên phụ nữ; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại; hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… Từ các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng được 23 hợp tác xã, 18 mô hình kinh tế tập thể, thu hút gần 3.000 phụ nữ tham gia.

Tuy nhiên, trên thực tế, số phụ nữ tự tin, mạnh dạn ứng dụng công nghệ số trong khởi nghiệp không nhiều, đa phần những mô hình phụ nữ phát triển kinh tế, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh vẫn đang sử dụng công nghệ, máy móc, phương tiện sản xuất cũ, lạc hậu, nhân công chất lượng thấp, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất. Nhiều phụ nữ khởi nghiệp chưa có nền tảng về khoa học kỹ thuật, chưa tìm được cách thức hiệu quả trong việc tiếp cận khách hàng qua mạng Internet, chưa tham gia vào thương mại di động và triển khai thương mại điện tử.

Trước những thời cơ và thách thức mà chuyển đổi số mang lại, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học trong sản xuất, kinh doanh; kỹ năng sử dụng mạng xã hội, viết thông tin quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Internet... Bên cạnh đó, mỗi hội viên phụ nữ cũng cần chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo cũng như tìm kiếm cơ hội kết nối, quảng bá sản phẩm, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm các mô hình khởi nghiệp thành công để dần thích ứng và khai thác tốt những tiện ích công nghệ số, kinh tế số mang lại.

 

 
Cổng thông tin - giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc




Cùng chuyên mục

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp
Chiều ngày 2/10/2024, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng thuyết trình, gọi vốn đầu tư cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024.

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định
Đó là chị Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Giáo, Bình Dương. Chị là cán bộ Hội LHPN duy nhất của Bình Dương trong số 30 cán bộ Hội LHPN chuyên trách xuất sắc trong cả nước vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ nhất năm 2024, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen tặng.

VỀ CHÚNG TÔI

TRỢ GIÚP

Placement are recruiting
Benefits and enviroment at VWBH

TUYỂN DỤNG

Placement are recruiting
Benefits and enviroment at VWBH

LIÊN HỆ

HUB Hỗ trợ Phụ nữ Kinh doanh và Khởi nghiệp
(Vietnam Women’s Entrepreneur and Start-up HUB)
  Trường Trung cấp Lê Thị Riêng,
Số 9-10, đường 9, Phường Phước Bình, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh
  028.62826019
  028.62825973

HUB Hỗ trợ Phụ nữ Kinh doanh và Khởi nghiệp (Vietnam Women’s Entrepreneur and Start-up HUB)