Chia sẻ với PNVN về cơ duyên đến với nghề điêu khắc gỗ, chị Thu Vân cho biết:
"Trước đây, tôi có mở phòng tập thể dục thẩm mỹ tại nhà cho phụ nữ. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì phòng tập phải đóng cửa. Chồng tôi là thợ điêu khắc gỗ nên vào thời điểm khó khăn đó, tôi đã quyết định tham gia cùng làm với chồng.
Trong quá trình phụ chồng vẽ các mẫu đồ gỗ, tôi lên mạng tham khảo các mẫu mới; đồng thời dùng kỹ thuật photoshop chỉnh thêm một số chi tiết để khách hàng có nhiều lựa chọn hơn.
Thật vui khi các mẫu của tôi đưa ra được khách hàng yêu thích, từ đó tôi có thêm quyết tâm ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Tôi mạnh dạn bàn bạc với chồng đầu tư mua máy điêu khắc gỗ ứng dụng công nghệ CNC (điều khiển số với sự hỗ trợ của máy tính) để tạo ra những sản phẩm đúng với bản vẽ thiết kế, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, tôi cũng dành thời gian đi học thêm vi tính rồi học cách vận hành, sử dụng máy điêu khắc gỗ. Tôi cứ thế làm rồi thích nghề này tự bao giờ cũng không hay.
Đến nay, nhờ ứng công nghệ cao vào sản xuất, bình quân hằng tháng, cơ sở gia công cho trên 10 đơn vị kinh doanh, mua bán đồ gỗ trên địa bàn, qua đó góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với thu nhập ổn định".
"Đến nay, tôi rất hạnh phúc, tự hào khi bản thân đã vượt qua khó khăn và có được những thành công bước đầu", chị Nguyễn Thị Thu Vân cho biết
PV: Khi đến với công việc này, chị gặp phải khó khăn gì và đã vượt qua như thế nào?
Chị Nguyễn Thị Thu Vân: Điêu khắc gỗ ứng dụng công nghệ CNC đòi hỏi người làm phải biết sử dụng vi tính thì công việc mới nhanh, hiệu quả. Do đã lớn tuổi nên tôi phải dành nhiều thời gian để học trên máy vi tính. Cũng có vất vả, khó khăn nhưng vì đam mê nên tôi có quyết tâm, ý chí để học hỏi.
Trong khi làm thì cũng không thể tránh khỏi những sai sót nhưng mình phải quyết tâm để vượt qua. Thực tế công việc như ngấm vào máu của mình vậy. Có những lúc tôi làm mẫu đến mức quên ăn quên ngủ, có lúc xỉu luôn trên máy. Hay những lúc khách đưa mẫu mới rồi yêu cầu mình làm, tôi hết sức trăn trở, nhiều khi đêm đang ngủ cũng bật dậy để làm cho bằng được, có lúc thì trong giấc mơ cũng nghĩ đến công việc.
Đến nay, tôi rất hạnh phúc, tự hào khi bản thân đã vượt qua khó khăn và có được những thành công bước đầu. Vào năm 2022, tôi đã đạt giải Nhất cuộc thi "Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp" do Hội LHPN tỉnh tổ chức với dự án "Điêu khắc gỗ mỹ nghệ CNC". Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm của tôi cũng đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
PV: Chị đã có kế hoạch gì để phát triển cơ sở sản xuất của mình?
Chị Nguyễn Thị Thu Vân: Hiện nay, do bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều công trình xây dựng đang tạm ngưng nên hàng bán chậm hơn trước. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, tôi dự định sẽ đầu tư mua máy CNC 4D.
Hiện ở trong khu vực chưa có cơ sở đồ gỗ nào đầu tư loại máy này cả. Tôi nghĩ đây là sự "đi tắt đón đầu". Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là cơ sở vẫn đang gặp khó khăn về vốn để mua máy bởi chi phí mua loại máy này lên đến 400-600 triệu đồng.
Nếu đầu tư được máy thì chúng tôi sẽ có thể làm ra sản phẩm mới, đạt được lợi nhuận tốt hơn. Tôi hy vọng rằng, với niềm đam mê, sự ham học hỏi của bản thân, tôi sẽ tiếp tục vượt qua được khó khăn để đạt được mục tiêu mình đặt ra.
PV: Xin cảm ơn chị!