Gập ghềnh con đường đến với nghề
Cặm cụi với công việc thiết kế mẫu mã hoa văn mới bên chiếc máy may, đó là công việc quen thuộc từ gần chục năm nay của cô gái sinh năm 1995 Giàng Thị Chá. Sinh ra và lớn lên ở xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Vốn là người dân tộc Mông Hoa, nên từ nhỏ, Chá luôn đam mê với những sắc màu trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Chị Giàng Thị Chá gặp nhiều khó khăn trên con đường khởi nghiệp với nghề thổ cẩm
Nhưng khi học hết cấp 3, theo nguyện vọng của bố mẹ, Chá đăng ký thi vào Trường Cao đẳng cộng đồng Lào Cai, với mong muốn khi ra trường xin vào cơ quan nhà nước làm cán bộ. Nhưng sau khi tốt nghiệp, Chá lại thất nghiệp dài dài. Lúc này, niềm đam mê thổ cẩm đã trỗi dậy trong cô gái trẻ đầy nhiệt huyết này.
Chá thuyết phục bố mẹ cho theo nghề may quần áo. Ban đầu bố mẹ không đồng ý, nhưng thấy cô con gái quyết tâm và yêu nghề quá, nên họ mới chiều lòng cho Chá tự chọn lối riêng.
Khởi nghiệp đầy chông gai
Những ngày đầu khởi nghiệp, Chá chẳng có nổi tiền để mua cho riêng mình một chiếc máy khâu, Chá phải chọn mua chịu một cái máy cũ, theo hình thức trả dần. Có máy khâu, cô gái trẻ chứa đầy năng lượng tâm huyết lao vào sản xuất váy áo truyền thống. Nhưng thứ nhận về cũng chỉ là sự thất bại nhanh chóng. Bởi thứ hàng Chá sản xuất ra đều không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc bán ở chợ.
Giàng Thị Chá chia sẻ: “Dù thất bại, nhưng tôi vẫn không nản lòng, tôi tiếp tục tìm lối đi khác, bằng cách phát triển các loại họa tiết hoa văn mới, để may trên nền thổ cẩm truyền thống của người Mông".
Xưởng thiết kế mẫu hoa văn thổ cẩm của chị Giàng Thị Chá
Từ đây, cô Chá lại mạnh dạn mày mò, nghiên cứu và phát triển cách tân các loại hoa văn truyền thống để tạo ra sự khác biệt.
Không ngờ, những sáng tạo táo bạo của Chá lại tạo ra sự thu hút và yêu thích đối với khách du lịch và thị trường. Từ đó, Chá chuyên tâm làm theo hướng này, càng ngày Chá càng nghiên cứu ra nhiều loại mẫu hoa văn cách tân, nhưng vẫn giữ được những nền tảng cơ bản của thổ cẩm truyền thống. Nhờ vậy, hàng của Chá sản xuất ra không bao giờ bị ế ẩm như xưa.
Mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ
Sau những thành công bước đầu, Chá đã mở rộng quy mô sản xuất bằng cách, chỉ tập trung nghiên cứu thiết kế mẫu mã, sau đó chuyển cho các chị em khác thêu thùa gia công. Nhờ đó mà nhiều chị em cũng có thêm việc làm và thu nhập từ hợp tác với cơ sở của Chá.
Gian hàng mẫu của chị Giàng Thị Chá rất đa dạng
Bà Nguyễn Minh Tú, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thông tin Lào Cai, nhận xét: Cô Giàng Thị Chá là một người rất có nghị lực, quyết tâm và đam mê với nghề thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Cô ấy khởi nghiệp gặp khá nhiều khó khăn, nhưng khi làm được, cô ấy lại sẵn sàng san sẻ công việc và cơ hội cho các chị em khác cùng làm. Đó là điều rất đặc biệt ở cô gái này.
Kể từ khi mở rộng sản xuất, thì tôi cũng phải tìm hướng ra cho sản phẩm. Sau nhiều trăn trở, tôi chọn kênh bán hàng online qua mạng xã hội. Sau một thời gian, tôi bán hàng ra cả nước ngoài, tất cả đều nhờ trên nền tảng mạng xã hội.
Ra biển lớn gặp sóng gió lớn
Kể từ khi phát triển nền tảng thương mại online trên nền tảng mạng xã hội, thì Giàng Thị Chá lại gặp tình trạng bị xâm hại bản quyền sản phẩm.
"Khi mình đưa ra mẫu mã sản phẩm mới để quảng cáo trên mạng xã hội, thì chỉ vài hôm sau mẫu hoa văn của mình sẽ bị họ copy và đem đi in trên sản phẩm của họ. Mình có phản ứng, nhưng đều không nhận được sự hợp tác. Vì thế gây ra thiệt hại rất lớn cho công sức thiết kế của mình, cũng như các chị em gia công sản phẩm".
Sản phẩm của chị Giàng Thị Chá thường xuyên bị xâm hại bản quyền
Đây là một trong những vướng mắc lớn mà cô Giàng Thị Chá thường xuyên gặp phải. Chị Chá cho biết, trong thời gian tới sẽ hướng đến việc đăng ký sở hữu bản quyền, để đảm bảo lợi ích cho cơ sở sản xuất của chị, cũng như đảm bảo quyền lợi cho các chị em tham gia gia công sản phẩm của chị.
Liên hệ: Chị Giàng Thị Chá.
Địa chỉ: Thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.
Điện thoại: 0333099778
facebook: Cothonnu Shop
|