Ngoài thu nhập chính từ cây lúa - con tôm, chẳng ai ngờ rằng ở vùng đất sông, rạch phèn mặn của huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang), hàng trăm phụ nữ đã "sống khỏe" bằng nghề đan lục bình.
Bỏ việc nhà… sang Hậu Giang học nghề
Từ lâu, nhiều địa phương vùng sâu như huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đã chú tâm cho công tác đào tạo nghề nông thôn, nhờ đó chị em phụ nữ tiếp cận các nghề để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình. Cụ thể, nghề đan lục bình đang tạo việc làm cho hơn 300 chị em phụ nữ trên địa bàn xã Phong Đông, giúp chị em có thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Người tạo công ăn việc làm cho hàng trăm phụ nữ ở vùng đất "…muỗi kêu mà như sáo thổi, đìa lềnh tựa bánh canh…" (trích trong bài hát Em về Miệt Thứ của nhạc sĩ Hà Phương) là chị Lê Thị Kim Thoa, Chủ cơ sở đan lục bình ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận.
Nói về cơ duyên lập cơ sở đan lục bình, chị Thoa cho biết: "Trước năm 2018, trong một lần sang tỉnh Hậu Giang công tác, tôi thấy nghề đan lục bình ở đây phát triển, tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ nhàn rỗi ở nông thôn". Nhận thấy là một cơ hội hay, chị Thoa đã bỏ việc nhà trong 3-4 tháng, sang Hậu Giang học nghề đan lục bình. Tới đầu năm 2018, chị lập cơ sở đan lục bình và phát triển đến nay.
Theo chị Thoa, ban đầu công nhân tại cơ sở chỉ có mấy chị em trong gia đình. Nhưng sau đó, thấy hiệu quả nên nhiều chị em địa phương đến học nghề, chị Thoa sẵn sàng hướng dẫn.
Theo chị Thoa (thứ 2 từ trái sang), nghề đan lục bình không khó và rất phù hợp để chị em có việc làm thêm tại nhà (Ảnh: CTV).
"Nghề đan lục bình đơn giản, chỉ cần được hướng dẫn vài lần là mọi người đều làm được. Nhờ đó, sau hơn 6 tháng đã có gần 20 chị em tham gia và đến nay đã có trên 300 chị em đang làm công việc này, thu nhập mỗi người bình quân từ 100.000-150.000 đồng/ngày". Chị Thoa chia sẻ.
Theo chị Thoa, nghề đan lục bình không cần phải phụ thuộc giờ giấc. Sau thời gian đi làm đồng hay làm việc nhà, lúc rảnh rỗi chị em đều có thể tranh thủ làm. Do đó, nghề đan được chị em phụ nữ ở địa phương quan tâm.
Tạo việc làm cho hơn 300 phụ nữ ở quê
Theo chị Lê Thị Kim Thoa, trước đây nghề đan đát chủ yếu bằng tre, trúc ít người tham gia. Nguyên nhân là nhiều công đoạn khó cần đến sức khỏe của nam giới, như: Đi tìm mua và tự chặt cây, sau đó đem về chẻ ra. Nhưng với nghề đan lục bình, chị em phụ nữ chỉ việc đến học vài ngày là thạo nghề, lãnh nguyên liệu mang về nhà làm
Nghề đan lục bình nhẹ công, dễ làm nên mọi lứa tuổi có thể làm được. Từ người già đến các em mới lớn, nhận sản phẩm từ các công ty gửi mẫu là các khung sắt được làm sẵn, các chị em chỉ cần làm theo yêu cầu rồi gửi thành phẩm về công ty.
Nhiều chị em phụ nữ tại xã Phong Đông cho biết, nghề đan lục bình không chỉ có thêm thu nhập mà còn giúp chị em trong xóm, các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau hơn (Ảnh: CTV).
Chị Nguyễn Thị Nhung - ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông - cho biết, nhà chị nuôi tôm nên công việc theo thời vụ. Hết vụ không có việc làm nên khi có cơ sở đan lục bình của chị Thoa, bản thân chị và nhiều chị em phụ nữ đến học nghề, nhận nguyên liệu về nhà làm. Nhờ đó, tăng thêm thu nhập mỗi tháng từ 3-3,5 triệu đồng.
Chị Nhung chia sẻ: "Đan lục bình tuy thu nhập không cao, nhưng chị em được làm tại nhà, rảnh giờ nào làm giờ đó. Các thành viên trong gia đình rỗi việc đồng áng là cùng nhau làm, vừa có thêm thu nhập, vừa tạo không khí sum vầy cho gia đình trong lao động".
Theo chị Nguyễn Thị Như Ý, ấp Vĩnh Thạnh, Phong Đông, nghề này cũng không quá nặng nhọc, tuy thu nhập không cao nhưng hiện tại mỗi ngày thu nhập được hơn 100.000-150.000 đồng, trang trải được chi tiêu lặt vặt hàng ngày trong gia đình.
Những tháng không trùng vào vụ lúa, vụ tôm, tại cơ sở chị Thoa, lúc nào cũng rôm rả nghề đan lục bình (Ảnh: CTV).
Những lúc không vào mùa vụ, tại nhà chị Thoa, không khí lúc nào cũng náo nhiệt, rôm rả bởi chị em đến đan lục bình, nhận nguyên liệu, nhận khung sản phẩm về nhà đan, hoặc có những người giao sản phẩm đã làm xong.
Không chỉ lao động là nữ là các chị, các bà đan lục bình mà cả những lao động là nam giới. Những ông chồng cũng phụ giúp vợ mình hay thực hiện các công đoạn cần sức mạnh, như vận chuyển sản phẩm làm ra giao cho công ty. Nếu một gia đình có từ 2 người trở lên có thu nhập cao hơn.
Chị Thoa cho biết, nơi tiêu thụ sản phẩm đã có công ty đảm nhiệm. Nhưng cái khó là khâu nguyên liệu phải lấy từ địa phương khác, vì vùng ngập mặn như Vĩnh Thuận lục bình không sống nổi. Ảnh: Nguyễn Hành).
Bà Huỳnh Thị Tuyết Mơ - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phong Đông - cho biết, hiện tại có nhiều gia đình trong xã, nhất là chị em dân tộc Khmer làm nghề đan lục bình. Từ đó có thêm thu nhập, chị em không phải đi lao động xa. Đặc biệt, khi chị em có nguồn thu ổn định, chị em tham gia vào những tổ góp vốn xoay vòng để có số tiền lớn hơn để thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Cũng theo bà Mơ, từ mô hình đan lục bình đã góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo, đời sống người dân cải thiện dần, tinh thần lao động, tăng thu nhập tại địa phương được lan tỏa. Đây là những mô hình hết sức ý nghĩa đối với lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Nghề đan lục bình đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương, vừa tăng thu nhập, góp phần làm thay đổi chất lượng đời sống của người dân. Trước đây, nghề đan lục bình chỉ có ở ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông thì nay nghề này đã được lan tỏa sang các xã khác trong toàn huyện Vĩnh Thuận để các chị em phụ nữ cùng tham gia.