Nhìn vào sự phát triển của hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng (xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), ít ai ngờ rằng, chủ của HTX này là một phụ nữ khuyết tật.
Chị Phạm Thị Tơ (sinh năm 1967) đã có gần 10 năm vượt qua mọi gian nan, xây dựng và đưa HTX phát triển, giải quyết việc làm cho 500 lao động nông thôn. Chị Tơ kể lại, trước kia gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, năm 2009, chị được Hội LHPN xã cho học lớp dạy nghề đan lục bình, sau đó chị nhận làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại nhà rồi giao cho doanh nghiệp thu mua.
Nhận thấy hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình dễ làm, chị vận động các chị em phụ nữ thành lập tổ hợp tác. Ban đầu tổ chỉ có 15 người, đều là các hộ nghèo, cùng nhau sản xuất các sản phẩm từ lục bình. Năm 2014, chị Tơ mạnh dạn tập hợp được 60 người cùng thành lập HTX thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng.
Chị Phạm Thị Tơ - Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng
Chị Tơ cho biết, cây lục bình thường trôi trên các dòng sông, rồi tấp vào các dải đất ven sông hoặc quanh các cù lao. Lục bình trước đây chỉ dùng làm thức ăn nuôi lợn, nhưng nay đã trở thành cây giúp các hộ dân nghèo ở Tam Bình thoát nghèo.
Là người khuyết tật vận động, chị Tơ từng gặp không ít khó khăn khi đến với mô hình hàng thủ công mỹ nghệ. Đứng không vững, không biết chạy xe máy, nhưng chị vẫn kiên trì theo đuổi để làm ra những sản phẩm chất lượng.
"Nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc nhưng suy đi, nghĩ lại, mình tàn nhưng không phế, mình còn giúp ích cho xã hội được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Cũng nhờ sự động viên của các cấp chính quyền địa phương và Hội LHPN các cấp trong tỉnh, tôi đã cố hết sức mình để vượt qua, để tiếp bước vì cuộc sống của mình và những người xung quanh", chị Tơ chia sẻ.
Những năm qua, HTX đã tổ chức đào tạo được hàng chục lớp học nghề đan lục bình, với gần 2.000 học viên
Từ mô hình đan hàng thủ công mỹ nghệ ban đầu, HTX Quyết Thắng ngày càng phát triển, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Từ con số ban đầu chỉ có mấy chục người, giờ đây, HTX thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động. Điều đáng trân trọng nhất ở chị Tơ, đó là sự bền bỉ kiên trì tiếp cận với các chị em, người khuyết tật để hướng dẫn tận tình, giúp họ vượt qua mọi trở ngại để làm ra sản phẩm từ chính đôi bàn tay của họ.
Theo chị Tơ, nghề đan lục bình khá đơn giản, chỉ cần người đan chịu khó là có thể hoàn thành sản phẩm như: thùng vuông, thảm, nón, thuyền, rổ, giỏ xách, túi xách... Một số chị em có thể sáng tạo ra các vật dụng khác. Nếu phù hợp và được khách hàng đặt sản phẩm thì sẽ được sản xuất đại trà.
Những sản phẩm chủ lực của HTX như nón, túi xách, giỏ đựng trái cây đều được các công ty đặt hàng bán cho khách du lịch. HTX Quyết Thắng cũng tự hào là một doanh nghiệp hướng tới môi trường xanh, sạch với nguyên liệu làm ra là những sản phẩm tự tiêu hủy.
Sản phẩm của HTX Quyết Thắng.
Nhờ tạo được công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ nên HTX thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng còn được Hội LHPN huyện Tam Bình phối hợp thực hiện đào tạo dạy nghề theo đề án 1956. Những năm qua, HTX đã tổ chức hàng chục lớp học nghề đan lục bình, với gần 2.000 học viên thuần thục tay nghề. Trong đó, có nhiều học viên đã được sử dụng làm lao động gia công sản phẩm cho HTX. Để đảm bảo nguyên liệu lục bình cho sản xuất, hiện nay, nhiều hộ dân ở huyện Tam Bình đã đầu tư trồng lục bình để cung cấp cho HTX.
Sản phẩm của HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng từ những loại đơn giản (thảm, chiếu lục bình) cho đến những sản phẩm phức tạp hơn như kệ đựng báo, vỏ đựng rượu, khay giấy, chậu bông các loại và ghế salon… đều được Công ty Hòa Phú thu mua, xuất khẩu đi các nước Tây Âu như Đan Mạch, Đức...
Không chỉ mang đến cho nền kinh tế địa phương một sản phẩm mới, chị Phạm Thị Tơ còn góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Hướng đi đúng của HTX đã tạo động lực lớn cho phong trào phát triển kinh tế tập thể ở các địa phương, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho phụ nữ và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới.