Từ một hộ gia đình khó khăn, nhờ nỗ lực vươn lên, chị Hoàng Thị Phương (SN 1977), dân tộc Choro, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đã thoát nghèo, trở thành “triệu phú” ở xã, góp phần xây dựng Lâm San ngày một giàu đẹp.
Ngày ngày, nhìn vợ chồng chị Phương lên nương từ sáng rồi về vào chiều tối, nhiều người cho rằng chị thật vất vả. Thế nhưng, đó là công việc yêu thích của chị khi mỗi ngày được nhìn ngắm cánh rừng hồ tiêu mọc lên xanh tốt, và những nương ngô trải dài trong nắng. Cách đây hơn 10 năm, chị còn không dám mơ một ngày mình sẽ có một sản nghiệp như thế này. Với 2ha trồng tiêu và trồng ngô, giờ đây, gia đình chị mỗi năm đã có khoảng 250 triệu đồng "bỏ túi".
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của gia đình, chị Phương cho biết, năm 1998, chị theo chồng là anh Đào Quang Minh cũng là dân tộc Choro về ấp 4, xã Lâm San sinh sống. Cũng giống như nhiều người dân ở vùng đất kém phát triển này, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ chật vật với nỗi lo cơm áo. Cuối năm 1998, chị sinh con, cuộc sống lại càng trở nên khó khăn hơn.
Sở hữu gần 1ha đất rẫy của gia đình, nhưng vợ chồng chị không biết làm gì để đất sinh sôi. Trong lúc đó, nhiều hộ gia đình cũng chuyển sang trồng hồ tiêu và trồng ngô. Chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ người dân kéo đường điện về tận rẫy hồ tiêu để có điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp.
Chị Hoàng Thị Phương giới thiệu hạt tiêu do gia đình làm ra
Từ gần 1ha đất rẫy, vợ chồng chị bắt đầu trồng ngô. Nhưng vốn thì không có nên chị phải đi vay mượn từng đồng, mua chịu phân bón, cố gắng vượt qua một năm đầu. Sau một năm, thu hoạch ngô có chút lãi, chị tích góp để trả tiền phân bón. Cứ như thế, chị quay vòng vốn, tích tiểu thành đại, mỗi năm tích góp từ một vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Hai năm sau, chị mua thêm hơn 1ha đất để trồng cây hồ tiêu. Chị được chính quyền xã mời tham gia các lớp học về trồng và chăm sóc cây tiêu do địa phương tổ chức, từ đó áp dụng tiến bộ kỹ thuật - khoa học vào chăm sóc cây trồng.
Từ việc tích góp tiền triệu mỗi năm, chị Phương đã có trong tay mỗi năm khoảng 250 triệu đồng từ cây hồ tiêu và ngô. Từ số vốn này, chị trang trải cuộc sống gia đình, xây dựng nhà cửa, chăm sóc 3 con ăn học. Hiện nay, con lớn của chị đang học cao đẳng, các cháu còn lại cũng vừa học xong lớp 12. Chị Phương cho biết, có kinh tế, gia đình thêm hạnh phúc, ổn định, lại thuận vợ thuận chồng nên công việc dù vất vả cũng vẫn chung sức, đồng lòng, vươn lên làm giàu.
Cũng như nhiều hộ gia đình khác ở xã Lâm San, chị Phương đi theo hướng cung cấp sản phẩm gốc từ cây hồ tiêu và ngô. Chị cho biết, để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng từ nông, lâm sản, cần có một quá trình dài hơi. Trong khi đó, tuổi tác của vợ chồng chị cũng không còn trẻ, nên chị hy vọng sau này con cái sẽ nối nghiệp của anh chị, phát triển kinh tế theo hướng tích cực hơn nữa để làm giàu cho bản thân, cho quê hương.
Trước năm 2012, Lâm San được xem là xã đặc biệt khó khăn với thu nhập bình quân chỉ dưới 9 triệu đồng/người/năm, và có đến hàng trăm hộ nghèo. Ngoại trừ đường tỉnh 765 đi qua xã thì 100% giao thông ở địa phương là đường đất. Thế nhưng đến nay, với sự cố gắng xây dựng, phát triển kinh tế của chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân, Lâm San đã thay da đổi thịt, khoác lên mình chiếc áo hoàn toàn mới với thu nhập của người dân cao hơn gấp nhiều lần. Có được điều này là do sự đóng góp của những tấm gương khởi nghiệp như vợ chồng chị Hoàng Thị Phương.