Tin tức\Câu chuyện khởi nghiệp

Đam mê phát triển mỹ phẩm hữu cơ, giúp bà con dân tộc Khmer tiêu thụ gấc

 04/02/2022 11:00   Tag:

Đam mê phát triển mỹ phẩm hữu cơ, giúp bà con dân tộc Khmer tiêu thụ gấc

Sinh năm 1980 và lớn lên ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, chị Phăng tốt nghiệp Đại học Cần Thơ và trở về quê nhà làm giáo viên dạy Vật lý - Tin học tại trường THCS - THPT Long Thạnh, huyện Giồng Riêng - nơi có nhiều đồng bào là người dân tộc Khmer.

Không chỉ làm ra những sản phẩm làm đẹp an toàn, chị Nguyễn Thị Pha Phăng còn tạo cơ hội cho bà con dân tộc Khmer ở địa phương tiêu thụ gấc.

Chị Phăng kể lại, cách đây 4 năm, do bị tàn nhang và đồi mồi, chị đã dùng nhiều biện pháp từ điều trị laser đến nhiều loại mỹ phẩm dưỡng da nhưng không hiệu quả. Được bạn bè giới thiệu dầu gấc dùng thử, chị đã nghiên cứu mày mò để tự sản xuất thủ công và sử dụng kiên trì trong vòng 6 tháng. Nhờ đó, chị khắc phục được khuyết điểm về nhan sắc, cảm thấy tự tin hơn khi đi dạy học.

Thấy hiệu quả từ cây gấc, chị Phăng bắt đầu nghiên cứu cách làm son gấc rồi rủ học sinh của mình cùng tham gia, nghiên cứu và trải nghiệm sản phẩm. Kết quả cho thấy sản phẩm son gấc có chất lượng ổn định. Cuối năm 2019, dưới sự hướng dẫn của thầy hiệu trưởng Trần Đức Toàn, cô và trò cùng đăng ký dự thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang tổ chức. Giải Khuyến khích của cuộc thi đã tạo động lực cho chị Phăng tiếp tục phát triển sản phẩm an toàn này.

Các sản phẩm son từ gấc của chị Phăng có giá 200.000 đồng/cây

Bước vào sản xuất và kinh doanh, chị Phăng phải tích góp từng đồng vốn, trăn trở và "xoay vòng" để mua nguyên vật liệu. Do sản phẩm mới nên chưa có thương hiệu, chưa lấy được lòng tin của khách hàng nên bán rất chậm. Nếu như lúc ban đầu khởi nghiệp hăm hở bao nhiêu thì sau đó lại thất vọng và chán nản bấy nhiêu. Trăn trở rất nhiều nhưng với niềm đam mê, chị Phăng đã lấy hết can đảm "vượt lên chính mình" bằng cách livestream trên facebook để bán hàng.

"Mới đầu, lượng người vào xem rất ít, chỉ có 20 đến 30 người nhưng tôi vẫn kiên trì làm theo cách này. Tranh thủ những buổi không dạy học hoặc buổi tối, tôi phát trực tiếp trên mạng để vừa làm, vừa bán son gấc và dầu gấc", chị Phăng chia sẻ.

Tháng 4/2021, do ảnh hưởng Covid-19, buôn bán khó khăn nên chị tạm nghỉ, đến cuối tháng 9/2021, chị tình cờ được tham gia học lớp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong 5 ngày do trường ĐH Kiên Giang tổ chức. Nhờ đó mà chị biết lập được bản mô hình kinh doanh, bài thuyết trình gọi vốn cho sản phẩm của mình, biết được giá trị mà sản phẩm của mình đem đến cho xã hội như giúp cho nhiều chị em phụ nữ khỏe và đẹp hơn, giúp học sinh ở quê mình trồng gấc bán để có tiền đi học, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân ở địa phương…

Qua lớp học, chị đã được giáo viên dạy lớp khởi nghiệp giới thiệu tham dự nhiều cuộc thi, đến tháng 11/2021, dự án son Gấc P'Phăng của chị đạt giải Khuyến khích cuộc thi "Nữ doanh nhân với kế hoạch kinh doanh thành công" do Bộ Công Thương và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đồng tổ chức. Kết quả này đã tiếp thêm sức mạnh để chị có thêm quyết tâm hoàn thành các thủ tục pháp lý, cải tiến bao bì, mẫu mã mở rộng thêm thị trường.

Chị Phăng (áo xanh) nhận giải Khuyến khích cuộc thi "Nữ doanh nhân với kế hoạch kinh doanh thành công"

Hiện nay, những sản phẩm chủ lực của P'Phăng là son dưỡng môi không màu, màu nhẹ, nhiều màu sáng đẹp để khách hàng chọn theo sở thích. Ngoài ra, P'Phăng còn có dầu gấc trị nám, tàn nhang, đồi mồi và ngăn ngừa mụn. Còn hạt gấc tưởng chừng như bỏ đi nhưng khi đem nướng cho vàng lên và ngâm rượu dùng để xoa bóp điều trị chấn thương, đau nhức xương khớp, viêm xoang rất hiệu quả.

Chị Phăng cho biết, hiện nay mỹ phẩm hữu cơ đang được chị em quan tâm và tin dùng. Chị hướng tới phân khúc khách hàng từ 30 tuổi trở lên vì ở độ tuổi này, da của nhiều chị em đã sạm và môi bị khô. Thậm chí nhiều người dùng mỹ phẩm công nghiệp bị ảnh hưởng khiến da sẫm màu, môi bị thâm đen. Trong khi đó, sản phẩm hữu cơ lại không gây hại cho da, tuy tác dụng chậm hơn nhưng rất an toàn.

Không chỉ tận tâm làm ra những sản phẩm làm đẹp an toàn, chị Phăng còn tạo cơ hội cho bà con người dân tộc thiểu số tiêu thụ gấc. Trước đây, nếu như bà con chỉ trồng gấc nấu xôi, đến mùa gấc chín rụng phải mang cho cá ăn hoặc bỏ đi, thì nay đã có thể bán cho cơ sở sản xuất P'Phăng để có thêm thu nhập.

Chị dự định thời gian tới sẽ phát triển công ty để tạo cơ hội cho nhiều chị em phụ nữ tham gia, cùng nhau đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

hoilhpnvn

 
 
 

Cùng chuyên mục

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp
Chiều ngày 2/10/2024, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng thuyết trình, gọi vốn đầu tư cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024.

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định
Đó là chị Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Giáo, Bình Dương. Chị là cán bộ Hội LHPN duy nhất của Bình Dương trong số 30 cán bộ Hội LHPN chuyên trách xuất sắc trong cả nước vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ nhất năm 2024, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen tặng.