Theo lãnh đạo Hội Phụ nữ các tỉnh miền Tây, hầu hết phụ nữ về quê là để tránh dịch chứ khó kiếm việc làm tại địa phương. Khi doanh nghiệp tái hoạt động, họ đều mong muốn về lại TPHCM tìm việc.
Về quê khó kiếm việc
Chiều 11/11, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Việc làm – Cơ hội khởi nghiệp của phụ nữ thời kỳ hậu Covid-19” với sự tham gia của lãnh đạo Hội Phụ nữ các tỉnh phía Nam và các chuyên gia nhân lực, giáo dục nghề nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Cà Mau cho biết, trong đợt dịch vừa qua có hơn 30.000 người dân về lại địa phương, trong đó có hơn 50% là lao động nữ. Tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho người dân như đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người dân…
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Kiều Yến, nguồn lao động về địa phương nhiều, trong khi vị trí việc làm tại tỉnh lại ít nên chưa tạo công ăn việc làm hết cho người lao động.
Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Cà Mau cho biết, Hội Phụ nữ chung tay với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội để tạo công ăn việc làm cho người dân, nhất là lao động nữ nhưng đây là bài toán rất khó.
Theo bà Trần Thị Kiều Yến, kinh tế tỉnh Cà Mau chủ yếu là thủy sản nhưng đang rất lao đao. Hội Phụ nữ cũng nghiên cứu phát triển các mô hình kinh tế phi nông nghiệp để giải quyết việc làm cho phụ nữ tỉnh nhà nhưng chưa đáp ứng đủ, giờ chỉ còn một số công việc dành cho lao động nông thôn nên rất khó giải quyết hết cho người dân về từ TPHCM.
Bà Kiều Yến nói: “Người dân chủ yếu về địa phương để tránh dịch chứ thực tế rất khó tìm việc làm. Tình hình dịch ở TPHCM ổn định, họ đều muốn quay lại thành phố để làm việc”.
Lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh Tiền Giang cũng cùng ý kiến với Hội Phụ nữ tỉnh Cà Mau là hầu hết chị em phụ nữ từ TPHCM về quê để tránh dịch trong thời gian ngắn rồi lên lại TPHCM. Một bộ phận muốn ở lại quê hương thì Hội tìm cách hỗ trợ bằng việc đào tạo nghề, hướng dẫn mô hình khởi nghiệp theo đề án 939 của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam…
Nhiều lao động nữ rời bỏ thành phố để tránh dịch và mong muốn trở lại để tìm việc mưu sinh (Ảnh minh họa: Tố Linh).
Bà Đỗ Thị Kim Thắm – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Long An cho biết thêm là chị em phụ nữ về quê cũng khó có công việc chính thức. Rất may là miền Tây đang vào mùa nước, chị em phụ nữ có thêm nhiều công việc nông thôn như vớt lục bình phơi khô bán cho các nhà máy, hay nhận lục bình khô về đan đồ thủ công mỹ nghệ, trồng rau theo các mô hình công nghệ cao…
Đào tạo nghề và hỗ trợ khởi nghiệp
Đại diện ban tổ chức, thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Lê Thị Riêng cho rằng, dù nhà nước có nhiều chính sách tích cực để hỗ trợ lao động nữ nhưng tác động của dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ những điểm yếu của nhóm lao động này là tỷ lệ lao động có tay nghề rất thấp. Khi dịch Covid-19 bùng phát, lao động nữ mất việc nhiều và sau dịch lại khó tìm việc mới vì không có tay nghề.
Do đó, công tác trọng tâm cần tiến hành sau dịch là hỗ trợ đào tạo nghề cho phụ nữ mất việc làm nhằm tạo cho họ cơ hội tìm kiếm công việc mới tốt hơn; hoặc hướng dẫn họ các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh để làm chủ kinh tế gia đình…
Lao động nữ chủ yếu làm công việc giản đơn nên dễ mất việc và khó tìm việc làm mới (Ảnh minh họa: Hải Long).
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Hội Phụ nữ TPHCM cũng cho biết công tác đào tạo nghề, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đang được TPHCM tích cực triển khai. Hiện Hội Phụ nữ TPHCM có nguồn quỹ tín dụng lớn để hỗ trợ phụ nữ địa phương trong giai đoạn khó khăn, nhằm hạn chế tình trạng quá khó khăn phải đi vay tín dụng đen.
Đồng thời, bất cứ lao động nữ nào có mô hình khởi nghiệp đều được Hội Phụ nữ TPHCM hỗ trợ cho vay vốn làm ăn. Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ TPHCM sẽ tăng cường liên kết với các trường nghề để đặt hàng đào tạo nghề cho chị em phụ nữ nhằm giúp lao động nữ có tay nghề, hạn chế làm công việc giản đơn, thu nhập thấp lại bấp bênh.
Cũng tại hội thảo, nhiều đơn vị giới thiệu đến hội phụ nữ các tỉnh thành những mô hình khởi nghiệp mà lao động nữ có thể làm như mô hình kinh doanh nhỏ với các thương hiệu thức ăn dinh dưỡng, mô hình tư vấn giáo dục trực tuyến, mô hình mở tiệm chăm sóc sắc đẹp…
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh, việc đào tạo nghề là biện pháp căn cơ vì khi có kỹ năng nghề, lao động nữ sẽ dễ tìm việc làm tại các doanh nghiệp với mức thu nhập cao hơn. Ngoài ra, với các kiến thức nghề nghiệp, họ cũng dễ khởi sự kinh doanh, tự tạo việc làm cho mình.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cũng đồng tình. Theo ông, thời gian tới, những lao động không có tay nghề sẽ bị đào thải rất nhiều, dù có Covid-19 hay không. Do đó, lao động nữ cũng phải chủ động học nghề, nâng cao năng lực lao động mới đáp ứng được nhu cầu thị trường.