"Có bị điên mới khởi nghiệp lúc này", mấy người bạn mắng Nguyễn Thị Thanh khi nghe tin chị xây dựng khu nghỉ dưỡng ở Ba Vì, Hà Nội đúng lúc dịch căng thẳng.
Với một người vừa bị "Covid-19 đấm cho một cú xây xẩm mặt mũi", chị Thanh, 41 tuổi, ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm hiểu vì sao bạn bè lo lắng cho mình.
Trước đây, công ty lữ hành của chị có doanh thu đều đặn 50-80 tỷ đồng mỗi năm. Tháng 3/2020, đại dịch bùng phát khiến toàn bộ tour bị huỷ. Tiền đặt cọc vé máy bay, khách sạn không thể thu hồi ngay, trong khi vẫn phải hoàn tiền cho khách. Tất cả bỗng dưng sụp đổ.
"Hai mươi năm trong nghề, từng trải qua dịch SARS và giờ là Covid-19, mình không lường trước được sự tàn phá khủng khiếp của dịch", chị thú nhận.
Không còn cách nào khác, Nguyễn Thị Thanh đóng cửa công ty, tìm cách chuyển hướng kinh doanh. Theo kinh nghiệm, chị nghĩ trong đại dịch mọi người vẫn có nhu cầu nghỉ dưỡng. Hơn nữa giãn cách xã hội khiến người ta bức bối, muốn tìm đến những nơi yên tĩnh, thoáng đãng mà vẫn đảm bảo an toàn trước dịch bệnh. Nếu sản phẩm nào thỏa mãn được nhu cầu này chắc chắn sẽ hút khách.
Đúng lúc đó, một người bạn rủ chị Thanh mua chung mảnh đất ở vùng bán sơn địa Ba Vì, chị nảy ra ý tưởng xây dựng khu nghỉ dưỡng với những căn homestay biệt lập. Tháng 3/2020, kế hoạch bắt đầu được triển khai.
Mỗi homestay của chị Thanh là căn hộ, đầy đủ tiện nghi với bể bơi, sân vườn, bao quanh là đồi núi, cánh đồng. Mỗi căn đều có quản gia riêng chăm sóc, dọn dẹp, có thể đáp ứng yêu cầu đi nghỉ 5K trong mùa dịch.
Khi các khu nghỉ dưỡng lớn phải đóng cửa, mô hình homestay nằm ngay trong địa phương là sự lựa chọn tối ưu cho các gia đình. Cuối tháng 6/2020, khu homestay đón đoàn khách đầu tiên. Sau 10 ngày, lượng người đặt phòng đã kín đến hết tháng 8. Riêng lễ, Tết, khách phải đặt trước cả tháng. Từ đầu năm 2021 đến nay, lượng khách đặt phòng duy trì khoảng 60-80%.
"May mắn là mình khởi nghiệp sớm", chị Thanh nói. Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, Covid-19 đã tạo ra "cuộc khủng hoảng lớn chưa từng thấy trong lịch sử". Hơn 300 doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, gần 20% doanh nghiệp du lịch trên cả nước phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Covid-19 "làm khổ ải nền kinh tế" nhưng khó khăn nó tạo ra cũng là động lực cho những ý tưởng mới, cơ hội phát triển mới.
Đánh giá về ý tưởng "homestay biệt lập chống Covid" của chị Thanh, bà Phan Thị Ngàn, giảng viên khoa Du lịch và Việt Nam học, ĐH Nguyễn Tất Thành (TP HCM), cho rằng đây là mô hình có cơ hội phát triển tại các địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo bà, các khu lưu trú biệt lập ở ngoại thành, có không gian rộng và không bị hạn chế đi lại giúp người dân giải toả căng thẳng khi dịch kéo dài. "Tuy nhiên, rủi ro cũng sẽ lớn, người kinh doanh sẽ lập tức điêu đứng nếu chẳng may khu vực đó trở thành "vùng đỏ" hoặc các biện pháp hạn chế di chuyển, cấm tụ tập hoặc siết chặt kinh doanh để ngăn ngừa dịch lan rộng của địa phương", chuyên gia cảnh báo.
Duy Thịnh chuẩn bị bàn ăn cho khách tại homestay ở ấp 1A, xã Thạch Đông Phú, huyện Giồng Trôm, Bến Tre, tháng 2/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Điều mà bà Ngàn lo ngại đã xảy ra với Quách Duy Thịnh, 29 tuổi, ở Giồng Trôm, Bến Tre. Hai căn homestay gia đình của anh đã phải đóng cửa suốt 4 tháng qua vì làn sóng Covid-19 thứ tư.
Trước tháng 9/2020, Thịnh là phó giám đốc của một khu resort nhưng đại dịch đã khiến anh mất việc, tay trắng trở về quê. Dù đã xin làm tại trung tâm Anh ngữ, các lớp dạy kỹ năng mềm nhưng nhớ khách, thèm nghề, anh lại nghỉ việc.
Thịnh nhận thấy nhu cầu đi du lịch mùa dịch có sự thay đổi. Sự e ngại dịch bệnh khiến mọi người thường tìm đến các điểm hoang sơ, ít người và thiên về trải nghiệm. Anh quyết định sửa lại căn nhà cấp 4 đang ở thành một homestay với mong muốn hút khách trải nghiệm cuộc sống thường nhật vùng sông nước.
Chàng trai Bến Tre đi vay mượn được 100 triệu đồng và bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Anh giữ nguyên kết cấu của ngôi nhà, sửa sang các chi tiết để hài hoà với khung cảnh xung quanh. Cuối năm 2020, homestay nhỏ tại ấp 1A, xã Thạch Đông Phú, huyện Giồng Trôm chính thức đón khách. Để phục vụ chu đáo và cũng tuân thủ quy định phòng dịch, Thịnh chỉ nhận tối đa 6 khách mỗi lần.
"Đến với homestay, du khách sẽ được tham quan làng bánh phồng Sơn Đốc, nhà thờ La Mã, khám phá miệt vườn và tự tay làm đặc sản", Thịnh bắt đầu kể mỗi khi có người hỏi, "Sau cùng là thưởng thức bữa cơm quê dân dã với cà tím nướng mỡ hành, tôm càng xanh luộc, gà nổ muối hột lá bưởi..."
Căn homestay của Duy Thịnh tại Bến Tre đầu tháng 1/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tháng 5 năm nay, anh xây thêm một căn nữa ngay cạnh nhà chính nhưng chưa kịp mở cửa thì bùng dịch. "6-7 tour khách cọc trước chưa kịp đi, cả chục người gọi điện đặt chỗ mỗi ngày, nhưng mình không dám nhận", Thịnh kể.
Thời gian nghỉ dịch, anh đang học làm bánh, chuẩn bị thêm những phần quà nhỏ để tặng khách, chờ dịch vụ được mở cửa trở lại.
"Khởi nghiệp trong dịch không phải là điều điên rồ. Mọi người cứ nghĩ thất bại nhưng mình thì không", Quách Duy Thịnh khẳng định.