Tin tức\Câu chuyện khởi nghiệp

Khởi nghiệp ở quê, những thanh niên làm giàu không khó

 16/08/2021 10:25   Tag:

Khởi nghiệp ở quê, những thanh niên làm giàu không khó

Khi các thành phố lớn đã quá tải, dịch bệnh COVID-19, môi trường sống càng thêm bí bách đã làm nảy sinh nhu cầu “bỏ phố về quê” của lớp người trẻ.

Tại huyện vùng núi Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, nhiều thanh niên quyết tâm khởi nghiệp ở quê hương bằng cách trồng sâm Ngọc Linh, sâm Dây, Chè xứ lạnh… đã giúp họ ổn định cuộc sống dù trong dịch bệnh.

Tu Mơ Rông là huyện miền núi xa xôi của tỉnh Kon Tum, nằm dưới chân dãy Ngọc Linh, nơi được xem là nóc nhà miền Trung. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Tu Mơ Rông thích hợp để phát triển cây dược liệu có giá trị như sâm Ngọc Linh. Hiện 1kg sâm củ Ngọc Linh có giá trên thị trường không dưới 70 triệu đồng.

Nhìn cảnh nhiều thanh niên rời làng vào miền Nam mưu sinh rồi trở về tay trắng, A Chen (34 tuổi)– Phó Bí thư Đoàn xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông buồn lòng, anh quyết tâm khởi nghiệp trên quê mình. Năm 2015, A Chen nộp đơn lên Huyện đoàn để xin vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội, sau đó bắt đầu xắn tay trồng những rẫy sâm Ngọc Linh, sâm Dây.

Anh lập ra tổ hợp tác, kêu gọi nhiều thanh niên trong xã cùng vào tổ để góp vốn, góp đất, góp công sức đầu tư cho vườn sâm mở rộng. A Chen tìm tòi tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc vườn sâm rồi truyền lại kinh nghiệm cho bạn bè mình. Đến nay vườn sâm của tổ hợp tác do anh quản lý có hơn 5.000 cây sâm Ngọc Linh tươi tốt, đã cho củ, quả thu hoạch.

“Nguồn thu nhập từ sâm đã thay đổi cuộc sống khó khăn của nhiều thanh niên trong xã, tạo việc làm ổn định cho họ. Có thu nhập thì thanh niên ở quê mới hào hứng, say mê với công việc dù làm nông vất vả”, anh A Chen chia sẻ.

Hiện tổ hợp tác trồng sâm của anh A Chen thu hút 25 thành viên là thanh niên vào làm, với tinh thần cùng khởi nghiệp trên quê hương. Trung bình mỗi năm, gia đình A Chen thu nhập trên 300 triệu đồng từ việc bán giống sâm, bán sản phẩm làm từ sâm. Ngoài ra, A Chen và các thanh niên làng còn mua thêm giống sâm Dây, cây Chè xứ lạnh để trồng xen canh dưới tán rừng, mang lại thu nhập tốt.

Hợp tác xã ở Tê Xăng tổ chức trồng sâm Dây với nhiều thành viên tham gia. Ảnh T.T

Hợp tác xã ở Tê Xăng tổ chức trồng sâm Dây với nhiều thành viên tham gia. Ảnh T.T

 

Vì bản thân các loài dược liệu này đã sẵn thích nghi với khí hậu vùng núi Tu Mơ Rông, nên việc nhân giống, nuôi trồng và phát triển vườn sâm không mấy khó khăn. Theo ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, không chỉ ở xã Măng Ri mà thanh niên ở xã Tê Xăng cũng cùng nhau hùn đất, hùn vốn vay, chung tay vào tổ hợp tác trồng sâm.

“Huyện phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức phân phối nguồn giống, ký kết hợp đồng thu mua dược liệu cho người dân. Tổ hợp tác còn chia sẻ kinh nghiệm trồng sâm, hộ dân nào tiếp cận vay vốn khó khăn sẽ được UBND huyện hỗ trợ tích cực”, ông Trung nói.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, anh A Trung – Bí thư Huyện đoàn Tu Mơ Rông – cho biết: “Thanh niên trồng sâm ở tổ hợp tác được phát lương hàng tháng, làm việc chăm chỉ đến cuối năm còn được thưởng khoảng 30 cây sâm giống, quy ra thành tiền là hơn 30 triệu đồng. Với các giống sâm được tặng, đoàn viên thanh niên sẽ trồng, chăm sóc cây trên đất của mình, từ đó giúp họ tự chủ phát triển kinh tế”.

Bây giờ, những bản làng ở Măng Ri, Tê Xăng đã khang trang, nhiều nhà người dân có đầy đủ tivi, tủ lạnh, mạng Internet. Những thứ mà cách nay hơn 5 năm, thanh niên trong làng còn chưa ai mơ đến, mà chỉ nghĩ đi vào Nam làm ăn mới có cơ hội thay đổi cuộc sống.

A Chen và nhiều thanh niên khác hiện đang tìm thêm đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm khi diện tích đất trồng sâm ngày càng được mở rộng. Họ sẽ dùng điện thoại thông minh kết nối mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Họ kết nối với shipper ở xa hàng trăm cây số để giao những đơn hàng dược liệu. Thanh niên vùng sâu, vùng xa cũng mong muốn sớm đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để việc chào bán, đặt đơn hàng nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Hiện ở Tu Mơ Rông đã có 2 doanh nghiệp đầu tư phát triển cây sâm Ngọc Linh với diện tích trồng được 485ha. Đối với các hộ dân, nếu năm 2016 chỉ có hơn 3,5ha trồng sâm, thì nay số hộ dân tham gia trồng sâm Ngọc Linh đã tăng lên với diện tích gần 70ha. Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốt so với tiềm năng và lợi thế để phát triển cây sâm Ngọc Linh. Trước những năm 1980, sâm Ngọc Linh rất dễ tìm mua. Tuy nhiên từ khi có việc công bố sâm Ngọc Linh là bảo vật Quốc gia, vì sâm có chứa tới 52 hợp chất Saponin, trong đó có 26 hợp chất mà sâm của Hàn Quốc, Triều Tiên hay sâm Mỹ không có thì giá trị của sâm Ngọc Linh ngày càng tăng cao trên thị trường.

THANH TUẤN (Báo Lao động)

 
 
 

Cùng chuyên mục

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp
Chiều ngày 2/10/2024, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng thuyết trình, gọi vốn đầu tư cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024.

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định
Đó là chị Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Giáo, Bình Dương. Chị là cán bộ Hội LHPN duy nhất của Bình Dương trong số 30 cán bộ Hội LHPN chuyên trách xuất sắc trong cả nước vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ nhất năm 2024, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen tặng.