Với kỹ năng nghề sát với thực tiễn cuộc sống, học viên trường nghề dễ khởi nghiệp, tự kinh doanh. Nhưng để thành công thì điều tiên quyết là phải chuẩn bị tâm thế từ trên ghế nhà trường.
Khởi nghiệp không đơn giản
Học xong khóa đào tạo sơ cấp nghề Thiết kế tạo mẫu tóc nam, anh Nguyễn Thái Hưng (24 tuổi) làm thuê 2 năm tại một hệ thống salon tóc khá nổi tiếng ở trung tâm TPHCM.
Giữa năm 2020, khi thấy tay nghề vững vàng và dịch tạm lắng, Hưng vay cha mẹ 50 triệu đồng đầu tư trang thiết bị, thuê mặt bằng mở salon tóc ở huyện ngoại thành Củ Chi.
Mấy tháng đầu, công việc của Hưng rất thuận lợi. Dù giá dịch vụ cắt tóc trọn gói chỉ 70 ngàn đồng, thấp hơn khu trung tâm khoảng 20% nhưng bù lại tiền mặt bằng ở đây rẻ, lượng khách cao nên mỗi tháng Hưng thu về trên dưới 20 triệu đồng.
Đến cuối năm 2020, Hưng gần như đã hòa vốn, trả hết nợ cho cha mẹ. Anh đang dự định tích lũy rồi thuê thợ mở thêm tiệm thì dịch Covid-19 trở lại.
"Mấy tháng đầu năm 2021 thì còn làm lai rai, lúc ngừng, lúc mở. Nhưng đến tháng 5 thì nghỉ hẳn cho đến nay. Quán đóng cửa mà tiền mặt bằng không giảm, em cố duy trì nhưng không nổi, đành trả mặt bằng, đợi hết dịch đầu tư lại", Hưng thở dài cho hay.
Với các nghề sát với thực tiễn cuộc sống, học viên trường nghề dễ khởi sự kinh doanh, tự tạo việc làm cho mình.
Theo các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp (GDNN), học viên trường nghề khởi sự kinh doanh nhỏ lẻ khá dễ vì các kỹ năng nghề được dạy tại trường đều sát với thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, để phát triển cơ sở kinh doanh thành công, thu nhập cao thì không dễ dàng.
Thạc sĩ Thái Thủy Chung, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cho rằng: "Kinh doanh là một ván bài may rủi khó lường, vì vậy việc khởi nghiệp khó có thể tách rời cụm từ "mạo hiểm".
Tuy nhiên, các trường nghề vẫn luôn khuyến khích sinh viên khởi nghiệp để tự tạo việc làm cho bản thân. Đó cũng là định hướng của ngành GDNN để xây dựng con đường tiến thân mới cho học viên trường nghề.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM, cho rằng: "Cho dù các em khởi nghiệp không thành công thì cũng trở thành nhân lực chất lượng cao, giỏi nghề và có tinh thần dấn thân. Khi gia nhập thị trường lao động bằng tinh thần khởi nghiệp sẽ hơn xa các bạn tính cách thụ động, hay than thân, trách phận...".
Cần chuẩn bị tâm thế từ trên ghế nhà trường
Theo ông Trần Anh Tuấn, hiện có rất nhiều bạn trẻ đã bắt đầu khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Phương thức kinh doanh cũng rất đa dạng như là tổ chức sản xuất, bán hàng giao tận nơi, mở cửa hàng…
Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM đánh giá: "Học sinh - sinh viên trẻ, nhiều ý tưởng và nhiệt huyết, sẵn sàng đối mặt và chinh phục các thử thách mới, sẽ khơi nguồn và ươm tạo những ý tưởng khởi nghiệp thành công".
Còn thạc sĩ Thái Thủy Chung thì khuyên: "Học viên đã xác định mục tiêu muốn trở thành người làm chủ thì từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã phải lập kế hoạch để thực hiện được mục tiêu đó".
Đầu tiên là phải xác định mình thích gì, có khả năng gì, điểm mạnh ở đâu… để xác định nghề nghiệp phù hợp. Sau đó phải chuyên tâm học nghề mình chọn thật giỏi, trau dồi thêm kiến thức về kinh doanh, làm thuê để rèn tay nghề và tích lũy kinh nghiệm…
"Khi bạn có đủ kiến thức, hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, kiên trì học hỏi và chấp nhận trả giá cho những quyết định của mình… thì bạn hoàn toàn có thể khởi nghiệp để xây dựng sự nghiệp riêng cho bản thân", bà Chung nhận định.
Ông Trần Anh Tuấn thì nhắc nhở các học viên cân nhắc một số vấn đề khi quyết định khởi sự kinh doanh như: Phải giỏi nghề và đam mê kinh doanh; Cần hiểu rõ sở trường của bản thân và lĩnh vực mình muốn khởi nghiệp; Tích cực sáng tạo để có thể chọn những ngành nghề truyền thống kết hợp với công nghệ tạo ra sản phẩm mới, khác biệt...
Ngoài ra, cần chuẩn bị sẵn tinh thần chấp nhận rủi ro, dám đối đầu với những khó khăn. Đồng thời, phải hiểu biết pháp luật kinh doanh và pháp luật có liên quan đến ngành nghề mình kinh doanh…
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/bi-kip-cho-hoc-vien-truong-nghe-muon-khoi-nghiep-tu-lam-chu-20210809174704248.htm