Trong một tháng, hơn một nghìn giò lan trong vườn nhà được chị Thảo đem đổi lấy những thùng khẩu trang, nước suối hay mì gói để tặng tuyến đầu và những người khó khăn.
Sáng cuối tuần, Nguyễn Hà Mai Thảo, 34 tuổi, ở quận Ngũ Hành Sơn cùng mọi người trong gia đình thay giá thể mới cho những giò lan rừng. Đến trưa, những giò lan này được đặt ngay ngắn trên chiếc xe bán tải, chở đến tay từng vị khách để đổi về hàng trăm thùng nhu yếu phẩm chủ yếu là mỳ tôm, nước suối, khẩu trang và một số loại lương thực khác. Số hàng này sẽ được dùng để tặng cho những người khó khăn. Nước lọc, khẩu trang thì tặng cho các chốt chống dịch và điểm phong tỏa.
"Mỗi giò lan rừng phi điệp có giá từ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng. Tôi không bán vì thời buổi dịch bệnh, việc bỏ ra vài trăm nghìn đồng mua lan cũng là điều xa xỉ. Nhưng khi lấy lan để đổi từng thùng mì, thùng nước thì nhiều người sẽ sẵn lòng chung tay được, không cần đợi phải có nhiều tiền mới có thể làm từ thiện", chị Thảo nói.
Chị Thảo vốn là chủ một công ty bất động sản, khoảng hai năm nay mở một vườn lan để vừa kinh doanh vừa thỏa mãn đam mê sưu tầm loại hoa này. Năm ngoái, khi dịch Covid -19 bùng phát ở Đà Nẵng, gia đình chị cũng đã bỏ tiền túi để mua nhu yếu phẩm tặng cho những hoàn cảnh khó khăn.
Năm nay, khi Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện thêm những ca bệnh mới, cũng là lúc những điểm phong tỏa, chốt chống dịch được dựng lên. Nhiều lần đi đường, chứng kiến lực lượng công an, y tế phơi mình giữa cái nắng gần 40 độ giữa trưa để kiểm soát từng phương tiện ra vào thành phố, chị Thảo nghĩ mình cần góp chút sức lực.
Ban đầu, chị định sẽ bán những giò lan trong vườn lấy tiền ủng hộ tuyến đầu. Nhưng nghĩ, nếu một mình làm thì sẽ không giúp được nhiều. Bất chợt, chị nảy ra ý tưởng: Đổi lan lấy nhu yếu phẩm để thu hút nhiều người góp sức.
Sau đó, chị Thảo chụp hình một giò lan rừng đăng lên Facebook, ngay lập tức một vị khách đã "chốt đơn" bằng hai thùng nước suối. Thấy vậy, chị giúp việc trong nhà cũng bảo: "Chồng em thích hoa lan lắm nhưng trước giờ không dám mua, em có hai thùng mì gói, em đổi lấy một giò được không?". Chị Thảo gật đầu ngay, rồi những giò lan trong vườn cứ thế đến tay mọi khách hàng. Cứ vài ngày, chị lại lái xe chở lan đi rồi đổi về những thùng khẩu trang, nước suối, mì gói.
"Có người đổi lan bằng vài ký gạo, chai dầu ăn. Có người ở tuốt Nam Ô, quận Liên Chiểu cách nhà hơn 20 km đổi giò lan bằng một thùng mì, tôi vẫn lái xe đến giao lan rồi chở mì về. Bằng cách này, ai cũng có góp sức chống dịch bằng khả năng của mình", chị Thảo nói.
Chị Mai Thảo (áo nâu) mang nhu yếu phẩm được đổi bằng hoa lan đến ủng hộ ở phường Thạc Gián, trưa ngày 24/6. Ảnh: Mai Thảo.
Sau tuần đầu tiên, chị Thảo đã đổi được hàng trăm thùng nhu yếu phẩm. Nhưng lúc này, một số người trong giới chơi hoa lan nhắn tin đến chị Thảo nói rằng việc trao đổi này là "phá giá" vì mỗi giò có khi chỉ đổi về được một thùng mỳ chưa đến một trăm nghìn. Giữa lúc chị đang tính dừng lại, thì nhiều khách hàng tiếp tục tìm đến, không chỉ ở Đà Nẵng mà nhiều người khắp các tỉnh thành.
Chị nghĩ: "Nếu mình không làm nữa thì những người cần mình sẽ thấy rất hụt hẫng, nhất là các cô bác lao động nghèo". Sau đó, chị Thảo cùng những người trong gia đình, nhân viên trong công ty cùng dồn sức chăm lan, thay giá thể, bón phân để những giò lan về tay khách hàng được khỏe mạnh nhất.
Không chỉ người mê lan mà những người chưa biết gì về loại hoa này cũng muốn sở hữu một giò. Chị Đoàn Thị Mỹ Hạnh, 33 tuổi ở phường Hải Châu một tháng nay đã đổi hàng chục thùng mì gói, nước suối lấy về hơn 20 giò lan. Vì chưa từng chăm sóc loại hoa này nên bây giờ chị phải đầu tư thêm giàn, hệ thống tưới tự động. Hiện tại, những giò lan nhà chị Hạnh chưa ra hoa nên việc thấy cây khỏe, ra lá mới là điều chị thấy vui.
"Nếu Thảo không làm chương trình đổi lan mà chỉ nhận quyên góp chắc tôi sẽ không ủng hộ nhiều nhu yếu phẩm đến vậy. Cách làm thiện nguyện như thế này thấy rất ý nghĩa và ai cũng đều vui cả", chị Hạnh nói.
Với khách hàng trong thành phố Đà Nẵng, chị Thảo không nhận lấy tiền mặt để đổi lan mà chỉ nhận nhu yếu phẩm. Nhưng với những khách hàng ngoại tỉnh, họ có thể chuyển khoản số tiền bằng với giá của số lượng thùng mì, thùng nước muốn đổi nhờ chị Thảo mua giúp.
"Nhờ thế mà bây giờ tôi nắm rõ giá cả hàng chục loại mì gói. Mấy ngày qua, tôi còn có thêm nhiệm vụ tư vấn cho những khách hàng mới chưa biết cách chăm sóc", chị Thảo cười.
Mì gói và lương thực đổi bằng lan sẽ được tặng những người khó khăn trong thành phố. Ảnh: Mai Thảo.
Một tháng nay, hơn 1000 giò lan lớn nhỏ trong vườn nhà chị Thảo đã được đổi về bằng hàng ngàn thùng nhu yếu phẩm. Trong vườn vẫn còn gần 1.000 giò nữa, chị Thảo tính sẽ đổi chừng nào hết lan thì thôi. Những người chơi lan ban đầu nhắn tin bảo chị Thảo phá giá lan bây giờ cũng đổi ý, muốn góp hoa chung tay với chị.
"Tuy nhiên, tôi từ chối vì muốn mọi người hãy tự mình làm. Không chỉ lan mà bất cứ thứ gì nhà có đều có thể mang đổi nhu yếu phẩm. Sắp tới, nếu hết lan tôi sẽ gom quần áo, túi xách, giày dép từ nhóm bạn để tiếp tục trao đổi", chị Thảo nói.