Trải qua nhiều thất bại trong việc nghiên cứu phân loại, phân hủy, tái chế rác, chị vận động bà con thực hiện nhiều mô hình xử lý rác.
Từ mong muốn giúp ích cho đời
Năm 2011, tại địa phương, tình trạng xe rác của công ty môi trường bị hỏng 4 ngày khiến rác ứ đọng trên các tuyến đường khiến chị Trịnh Thị Hồng trăn trở. Khi đó chị đang làm Trưởng Ban công tác Mặt trận Hòa Phú 5 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Chị từng nghĩ: "Giá như rác này biến thành tiền sẽ giúp ích cho những mảnh đời bất hạnh. Hơn nữa, môi trường cũng không bị ô nhiễm".
Tưởng rằng đó chỉ là ý nghĩ lướt qua trong đầu để rồi một ngày, chị mang rác về nghiên cứu. Trải qua nhiều thất bại trong việc nghiên cứu phân loại, phân hủy, tái chế rác, chị vận động bà con thực hiện nhiều mô hình xử lý rác.
"Tôi đã thành lập 5 mô hình: Tổ góp vốn tình thương giúp người nghèo có vốn kinh doanh, sản xuất vươn lên thoát nghèo; Tổ tiết kiệm 2T (Tiết kiệm và tận dụng); Đội Thiếu niên bảo vệ môi trường; Tìm hiểu và thực thi pháp luật; Trò ngoan, con hiếu thảo. Chính những mô hình ấy đã giúp tôi có chuyến đi Philippines và biết được mô hình xử lý rác thải thành dung dịch lau nhà", chị Hồng cho biết.
Sau khi đi Philippines tìm hiểu mô hình của nước bạn, tháng 2/2012, chị về nước và tập trung nghiên cứu mô hình xử lý rác thải thành dung dịch lau nhà. Trong suốt 3 năm miệt mài nghiên cứu, năm 2015 chị được Sở Khoa học Công nghệ TP. Đà Nẵng hỗ trợ bảo hộ thương hiệu hàng hóa, kiểm định và công bố chất lượng. Tháng 1/2016, chị theo học tại "Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng" do thành phố tổ chức và nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp, mang những nghiên cứu của mình phục vụ cộng đồng.
Bảo vệ môi trường bằng nguồn nguyên liệu tự nhiên
Năm 2016, chị Trịnh Thị Hồng thành lập Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Minh Hồng (Minh Hồng Biotech), nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm tiêu dùng từ thiên nhiên, sử dụng 100% rau, củ, quả, lá cây, dược liệu...
Bằng công nghệ sinh học tiên tiến nhất, Minh Hồng Biotech đã sản xuất thành công các mặt hàng tiêu dùng không hóa chất như: Nước rửa chén, nước lau sàn, nước giặt xả, chế phẩm vệ sinh toilet, chế phẩm lau bếp, rửa tay khô...
Sản phẩm Minh Hồng Biotech cung cấp cho đối tượng khách hàng là những người có thu nhập trung bình; các trường mẫu giáo, khách sạn quan tâm đến sức khỏe và môi trường.
Chị Hồng cho biết, sản phẩm của Minh Hồng Biotech là đồng sản phẩm nuôi cấy vi sinh, khi thải ra được phân hủy trong môi trường ít nhất là 99,4% (vượt mức đạt chuẩn của Việt Nam là 85%). Hiện nay Minh Hồng Biotech đã thu gom, xử lý 109 tấn rác, giúp cho 140 người tham gia xử lý chế phẩm tại hộ gia đình. Trong đó, có một số hộ tham gia xử lý rác thải với mô hình tiết kiệm đổi chế phẩm lấy sản phẩm. Một số hộ được công ty bao tiêu chế phẩm sinh học thô, có thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng.
Sản phẩm Minh Hồng Biotech cung cấp cho đối tượng khách hàng là những người có thu nhập trung bình; các trường mẫu giáo, khách sạn quan tâm đến sức khỏe và môi trường. Để hạn chế rác thải nhựa, Minh Hồng Biotech còn có chính sách thu hồi vỏ chai và đem chai tới rót mang về.
Để phát triển dòng sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, chị Hồng đã mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ nuôi cấy vi sinh cho người dân, ký hợp đồng bao tiêu chế phẩm sinh học với những hộ người khuyết tật, già yếu, neo đơn... Sau khi nhập chế phẩm từ người dân về, công ty tiến hành xử lý khử độc, khử trùng, nâng pH theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, tạo bọt, tạo đặc, đóng gói và xuất xưởng. Hiện nay, Minh Hồng Biotech có 5 công ty phân phối và 151 đại lý trên cả nước.
Với những cống hiến cho ngành công nghệ sinh học bảo vệ môi trường, chị Trịnh Thị Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Minh Hồng, đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019; được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2017. |