- Bến Tre: Thu nhập trên 200 triệu đồng từ mô hình trồng xoài Đài Loan
Mỗi năm mang về lợi nhuận trên 100 – 200 triệu đồng từ 4.000 mét vuông đất trồng xoài sau khi trừ đi các chi phí, đó là hiệu quả kinh tế từ mô hình của chị Huỳnh Thị Hiếu ngụ tại ấp Phú Ninh, xã Phú Đức, huyện Châu Thành. Nhận thấy giống xoài Đài Loan là cây dễ trồng, ít sâu bệnh và hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, năm 2013, chị Hiếu quyết định bắt tay vào trồng xoài Đài Loan và mang lại hiệu quả cao.
Trong vườn xoài của chị Huỳnh Thị Hiếu hiện có 800 gốc xoài Đài Loan. Chị cho biết, giống xoài này trồng khoảng 2 năm cho trái, dễ trồng và thương lái đến tận vườn thu mua. Mỗi năm, xoài cho thu hoạch 2 vụ. Vụ thuận từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch sẽ cho thu hoạch trung bình 4 – 5 tấn với giá bán dao động từ 20.000 – 40.000 đồng. Riêng đối với vụ nghịch từ tháng 9 đến 10 âm lịch, năng suất đạt khoàng 2 tấn nhưng giá bán cao dao động từ 40.000 – 62.000 đồng/kg. Được biết, để trái to, đẹp, chị Hiếu đã ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý điều tiết cho xoài ra hoa trái vụ bằng chất điều hòa sinh trưởng và tiến hành bao trái bằng túi chuyên dụng của Đài Loan nhằm bảo vệ trái không bị sâu bệnh, tăng kích thước và tạo mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Đài Loan. Sau khi bao trái khoảng 2 tháng là có thể thu hoạch với trọng lượng từ 800gram – 1,2 kg.
Thời gian qua, được biết hoàn cảnh gia đình chị khó khăn nên Hội phụ nữ xã đã vận động chị xây dựng mô hình du lịch sinh thái và mở cửa để khách tham quan nhằm cố gắng cải thiện thu nhập. Chịu khó, cần cù, siêng năng trong sản xuất, đồng thời biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và nhạy bén trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị Huỳnh Thị Hiếu không ngừng vươn lên từ hộ nghèo đến hộ cận nghèo và dự định sẽ thoát nghèo bền vững trong năm 2021.
- Quảng Ngãi: Phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay chính sách thông qua tổ chức Hội
Chị Nguyễn Thị Lan, là hội viên nòng cốt của chi hội phụ nữ thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi, tấm gương sáng trong lao động sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế làm giàu chính đáng. Những năm đầu khi mới lập gia đình cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, vợ chồng chị đã phải làm nhiều nghề để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Năm 2016, chị mạnh dạn nhờ Hội phụ nữ xã giới thiệu vay 30 triệu đồng vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư chuồng trại, mua 02 con bò giống về nuôi và mua giống hoa cúc từ Đà Lạt về trồng.
Thời điểm mới bắt đầu trồng hoa và chăn nuôi, chị đã gặp nhiều khó khăn: đất bạc màu, kinh nghiệm chưa có, không tìm được đầu ra cho vườn hoa. Nhưng với đức tính cần cù, chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm thông qua các lớp tập huấn của Hội, chị áp dụng kiến thức chọn cây, con giống; chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và cách chăn nuôi bò… Để tìm đầu ra cho vườn hoa, chị chịu khó trực tiếp đến các chợ trên địa bàn thành phố và chợ đầu mối để tìm khách hàng chào bán sỉ và bán lẻ. Sau một thời gian, dần dần lượng khách ngày càng tăng lên giúp chị củng cố thêm thu nhập.
Vừa chăn nuôi bò sinh sản vừa trồng hoa bán nên thu nhập hàng năm của gia đình chị khá ổn định, bình quân 10 triệu/tháng (120 triệu đồng/năm). Sự động viên, giúp đỡ của gia đình, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là hội phụ nữ các cấp đã tạo điều kiện cho vợ chồng chị được tiếp cận khoa học kỹ thuật, hổ trợ vốn để chăn nuôi và trồng hoa.
Không chỉ đảm đang, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị còn là hội viên nhiệt tình, năng nổ trong các phong trào hoạt động ở chi hội. Đặc biệt, chị còn là một tấm gương đi đầu trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế.