Xuất phát từ ý tưởng ban đầu để thương mại hóa các mặt hàng thủ công của Huế và trở thành cánh tay nối dài cho các nghệ nhân, nông dân từ các làng nghề truyền thống Việt, chị Hồ Sương Lan (Thừa Thiên Huế) đã cho ra đời thương hiệu Marie's - Vietnam Essential Handmade với sản phẩm chủ đạo là hàng thủ công đan tay từ cây cỏ bàng xứ Huế và những chiếc nón nghệ thuật từ lá Sen, cỏ bàng, xương lá bàng giúp nâng tầm sản phẩm truyền thống Việt.
Mỗi sản phẩm của chị Hồ Sương Lan đều rất “chất” và có hồn của xứ sở
Có cơ hội được ngắm nhìn những sản phẩm làm thủ công mang nhãn hiệu Marie's, nhiều người cảm nhận được nét độc lạ, tinh tế và đầy tính thẩm mỹ của những chiếc giỏ đựng, túi xách, nón lá từ chất liệu cỏ bàng của làng Phò Trạch (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) mà chị Hồ Sương Lan và đội ngũ nghệ nhân, thợ may, thợ vẽ và thợ thiết kế đã hoàn thiện sản phẩm.
Là một người con gái sinh ra và lớn lên ở Cố đô Huế, nung nấu lòng yêu quê và mong cho những sản phẩm thủ công của các làng nghề nơi đây có cơ hội được du khách gần xa biết đến cũng như có thể thương mại được để nâng cao đời sống cho tầng lớp nghệ nhân và lao động tại địa phương, mỗi sản phẩm mang thương hiệu Marie's đều rất "chất" và có hồn của xứ sở.
Đây là những sản phẩm đậm chất quê và thân thiện với môi trường
Trước khi thành lập Marie's - Vietnam Essential Handmade, chị Lan đã tạo dựng cho mình một công ty du lịch mang thương hiệu Phong Lan Việt. Gắn bó với ngành du lịch gần 15 năm đã mang lại cho chị những trải nghiệm thú vị về cuộc sống cũng như vốn kiến thức tuyệt vời về các địa điểm du lịch, sản phẩm du lịch và thị hiếu của khách hàng.
Chính vì vậy, khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành du lịch bị "đóng băng" từ đầu năm 2020 chị đã một mặt vừa nổ lực duy trì công ty để chờ đợi ngày du lịch phục hồi, một mặt tìm kiếm một hướng đi mới cho doanh nghiệp để có thể duy trì đời sống và ổn định kinh doanh cho bản thân và nhân sự.
Sương Lan cho biết, ý tưởng kinh doanh của chị bắt đầu từ chiếc nón lá sen chị mua của một nghệ nhân Huế để sử dụng và mang đi công tác trong nước, ngoài nước. Chị nhận thấy sản phẩm được các nghệ nhân Huế làm rất đẹp và chỉn chu nhưng chưa phát triển marketing và truyền thông cũng như chưa có sự đầu tư về thương mại. Chính vì vậy chị đã thử làm kênh phân phối sản phẩm thời gian và sau khi bắt đầu nhen nhóm tình yêu với hàng thủ công, chị đã đi khắp nơi để tìm kiếm những sản phẩm khác của Huế và đó là cơ duyên đưa chị đến với cỏ bàng xứ Huế.
"Tôi tìm đến Làng Phò Trạch (Huế) và được biết ở đây có một vài cơ sở nhỏ làm hàng thủ công đã tồn tại rất nhiều năm. Tôi đã nghiên cứu kỹ các sản phẩm sẵn có ở nơi đây và lên ý tưởng cải tiến, đổi mới và thời trang hóa nó. Đây là những sản phẩm đậm chất quê và thân thiện với môi trường", chị Sương Lan cho biết.
Mỗi sản phẩm mang thương hiệu Marie's đều rất "chất" và có hồn của xứ sở
Chị cũng dành nhiều thời gian tham khảo thị trường thì được biết nhu cầu thủ công mỹ nghệ từ Việt Nam rất được ưa chuộng, đặc biệt là khi dịch Covid-19 xảy ra, một số thị trường đã chuyển dịch từ việc nhập hàng Trung Quốc sang tìm kiếm các thị trường nhỏ hơn, không cần quy mô quá lớn, nhưng đòi hỏi chất lượng và gia công tỉ mỉ như Việt Nam. Chị đã tìm một hướng đi mới là xu hướng thời trang cho dòng sản phẩm từ chất liệu cỏ bàng của Phò Trạch. Sau khi tìm hiểu kỹ từ tính năng, độ bền, chất liệu và so sánh với các dòng sản phẩm tương tự như cói và lục bình, chị nhận thấy cỏ bàng có nhiều điều kiện và tính năng ưu việt hơn, ví dụ như ít ẩm mốc hơn và có bề mặt phẳng nên rất dễ để lên họa tiết vẽ bằng màu Acrylic. Tham khảo các sản phẩm và các nguồn nguyên liệu thiên nhiên tại đây xong chị yên tâm khởi động dự án.
Chị Sương Lan và nguyên liệu làm ra sản phẩm
"Sản phẩm truyền thống thì hầu như người ta chỉ làm cói, lục bình và sử dụng quai bằng mây tre gỗ, tôi muốn đi hướng mới lạ nên đã sử dụng chất liệu vải thiên nhiên linen, cotton và sợi vải tổng hợp, miễn là gam màu đẹp và tạo ra một xu hướng thiết kế mới cho dòng túi xách mà thị trường chưa có. Thời trang và phụ kiện thì cần mới lạ, độc đáo, không bắt chước, quan trọng là có thể dùng được chứ không phải chỉ là phụ kiện để trang trí chụp ảnh… chị Sương Lan chia sẻ về ý tưởng.
Khi đại dịch Covid xảy ra, vấn đề giao thương còn nhiều khó khăn, nên chị Sương Lan chọn nguồn nguyên liệu tại chỗ của địa phương để tránh việc phải mua hàng hóa từ các tỉnh thành khác về và cũng phần nào góp phần giải quyết nguồn lao động tại chỗ.
Vượt qua khó khăn đưa ý tưởng thành hiện thực
Thời gian đầu, do quyết tâm vẫn duy trì công ty du lịch nên Sương Lan phải bàn giao việc cho cấp dưới vận hành, còn bản thân chị thì trực tiếp tuyển nhân sự mới để khởi động dự án, lên ý tưởng và mẫu mã cho sản phẩm. Chị và đội ngũ mất nhiều thời gian để đi tìm hiểu và nghiên cứu mẫu, sau đó làm mẫu, rồi liên tục cải tiến, thay đổi mẫu để cho ra sản phẩm cuối cùng ưng ý. Cho đến khi bắt đầu thương mại hóa thì chị lại gặp khó khăn với thị trường. Sản phẩm làm ra đẹp, độc, lạ và thân thiện với môi trường đồng nghĩa với giá thành sẽ cao hơn các sản phẩm công nghiệp khác. Bên cạnh đó, chị Lan cũng gặp rất nhiều khó khăn về vốn do số vốn của chị từ công ty du lịch đã bị "bào mòn" sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Chị đã cố cầm cự để chờ dịch Covid-19 qua nhưng dịch lại kéo dài quá lâu. Số tiền mặt ít ỏi chị đã đầu tư hết cho sản phẩm mới cho nên quá trình thử nghiệm sản phẩm, làm quen với nghề mới vô cùng chật vật.
Không chỉ mang đến cho thành phố Huế một sản phẩm đặc trưng mới lạ và độc đáo, Sương Lan còn tạo công việc cho nhiều nhân sự làm việc tại công ty cũng như các nghệ nhân làm thủ công
Vượt qua mọi thách thức, chị đã khẳng định thương hiệu của mình, bán theo giá kỳ vọng và đảm bảo được chất lượng tối ưu nhất cho khách hàng. May mắn với chị là sản phẩm được thị trường đón nhận ngay từ những tháng đầu tiên giúp chị tự tin tiếp tục theo đuổi ước mơ. Do bản thân rất nhạy cảm với thị trường và phân khúc khách hàng nên từ đầu nên chị Sương Lan đã định vị được khách hàng và thị trường nên chị có được thuận lợi trong quảng bá sản phẩm cũng như đưa sản phẩm đến đúng đối tượng khách.
Không chỉ mang đến cho thành phố Huế một sản phẩm đặc trưng mới lạ và độc đáo, Sương Lan còn tạo công ăn việc làm cho nhiều nhân sự làm việc tại công ty cũng như các nghệ nhân làm thủ công. Đối với thu nhập nhân sự, mức lương trùng bình từ 4-5 triệu đồng/tháng, còn các nghệ nhân vẽ, may, đan theo sản phẩm trung bình từ 10 – 20 triệu đồng/tháng đối với những tháng cao điểm hàng xuất đi nhiều. Cho đến nay, doanh thu của Marie's đã tăng trưởng đều đặn hàng tháng, nhất là thời điểm lễ, tết và chị luôn kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau khi mở rộng quy mô và phát triển ra nhiều địa phương và xuất khẩu quốc tế.
Cho đến hiện tại, chị vẫn dành hết mọi nỗ lực và tinh thần cho Marie's, với mong muốn duy trì, phát triển, phát huy giá trị thủ công mỹ nghệ truyền thống của địa phương; đồng thời duy trì được công việc cho những lao động nữ để góp phần lo cho kinh tế gia đình. Chị quan tâm rất sâu sắc đến lao động nữ bởi chị tin tưởng rằng người phụ nữ có nghề, có nghiệp có đam mê sẽ giữ vững hạnh phúc cho gia đình và đóng góp nhiều cho xã hội.
Với quan điểm sống và quan điểm kinh doanh rất cởi mở. Chị đề cao tính tự do, sáng tạo, đam mê và cống hiến. Hồ Sương Lan rất tự hào về "đứa con tinh thần" của mình đã tạo ra được những giá trị thiết thực cho xã hội, chị cho biết, đó là đứa con ra đời trong thời điểm khó khăn nhất, "khó nuôi" nhất, nhưng chị đã dung hết can đảm và nổ lực để vượt qua mọi trở ngại để có thể đặt đến được những thành quả hôm nay dù chưa thể gọi là thành công mỹ mãn vì chị biết con đường này sẽ là một cuộc chiến dài hơi và cần chị và đội ngũ luôn cố gắng mỗi ngày.
- Marie's- Vietnam Essential Handmade - Địa chỉ kinh doanh: 16 Đoàn Hữu Trưng, P.Phước Vĩnh, Tp Huế; Showroom: 54A Chu VĂn An, P. Phú Hội, TP Huế
- SĐT: 0914544660
- Website: madebymaries.com