Sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại ô bình yên của thành phố, nơi có những mảnh ruộng xanh mướt đan xen với sắc hồng dịu dàng của những hồ sen thơm ngát, chị Nguyễn Thị Thu Hiếu, ở khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã nuôi dưỡng cho mình tình yêu với hoa sen từ thuở bé rồi chọn chính loại cây này để sáng tạo, khởi nghiệp. Thương hiệu sen Bảo Liên và câu chuyện khởi nghiệp của chị Hiếu đã truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ.
Biến đam mê thành ý tưởng khởi nghiệp
Chị Hiếu tự nhận mình là một nông dân thực thụ khi công việc hằng ngày của chị 8 năm nay đã gắn bó với bùn lầy, cây cỏ. Nếu như người nông dân làm ra lúa gạo nuôi sống con người thì nghề của chị lại dâng cho đời cái đẹp, cái tinh túy từ những đóa hoa sen. Với chị Hiếu, đến với nghề trồng sen không đơn thuần chỉ bởi mong muốn được làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mà còn giúp chị được sống hết mình với niềm đam mê vốn có. Thương hiệu Sen Bảo Liên Quảng Trị ra đời và ngày càng khẳng định tên tuổi trên thị trường chính là “quả ngọt” giúp chị Hiếu có thêm động lực để phấn đấu và không ngừng sáng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ độc đáo bắt nguồn từ sen.
Có lẽ ít ai biết, trước khi trở thành chủ nhân của thương hiệu Sen Bảo Liên, chị Hiếu đã từng tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông nghiệp Quảng Trị, sau đó thử sức mình ở nhiều lĩnh vực “trái nghề” để mưu sinh như nhân viên thị trường, buôn bán và cả môi giới bất động sản. Khoảng thời gian gồng mình trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt, rồi sự đổ vỡ trong hôn nhân khiến cuộc sống của chị Hiếu có phần chao đảo, gác lại những ồn ào, chị tìm về nơi chốn làng quê bình yên, sống chậm với niềm đam mê cây sen như một cách tìm kiếm sự an yên, thư thái tâm hồn. Cuối năm 2012, chị Hiếu đã có một quyết định táo bạo khi tự mình đứng ra xin nhận khoán 4 hồ nước ở trong làng Vĩnh Phước để trồng sen trong sự ngỡ ngàng và hoài nghi của nhiều người, thậm chí họ còn nghĩ chị đang mơ mộng viển vông khi thay vì nuôi tôm, nuôi cá để sinh lợi lại nhận hồ trồng sen chỉ để… ngắm. “Ngày đó, tôi chỉ nghĩ là tự mình trồng thêm những hồ sen thật đẹp để khiến làng quê mình nên thơ hơn và để mỗi lúc mình buồn hay cô đơn sẽ có nơi giúp mình lắng lại chứ chưa có ý định lấy sen ra làm kinh tế. Thế nhưng, sau khi tự mày mò, học hỏi và “dựa” vào sen để vực dậy tinh thần, lấy lại niềm tin trong cuộc sống, tôi đã biến niềm đam mê của mình thành những ý tưởng khởi nghiệp, biến loài hoa tưởng chừng như chỉ để “làm cảnh” thành những sản vật thơm ngon, đặc trưng của quê hương”, chị Hiếu chia sẻ.
Bộ sản phẩm Sen Bảo Liên gồm: Trà tim sen, sen tươi, sen khô được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung -Tây Nguyên năm 2020 - Ảnh: H.T
Vượt qua rất nhiều khó khăn, có những lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc bởi nhiều yếu tố như sen bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên năng suất thấp, ốc bươu vàng phá hoại, thiếu vốn, thiếu nhân lực… Thế nhưng, bằng tình yêu dành cho loài hoa sen thuần khiết, chị Hiếu đã từng bước khắc phục khó khăn, để giờ đây thành quả sau 8 năm gây dựng là hơn 5,8 ha sen ở nhiều địa phương trong tỉnh, tất cả đều được trồng theo hướng hữu cơ, không bón phân hóa học, không chất bảo quản, không thuốc trừ sâu độc hại, tuyệt đối an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Mô hình này mang lại cho chị thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Khơi nguồn tinh túy từ sen
Nhấp một ngụm trà sen thơm ngát giữa hồ sen lộng gió, chị Hiếu cho biết: “Vụ thu hoạch sen đầu tiên, tôi chỉ mong đủ bù trừ chi phí tiền thuê khoán hồ, sen giống, phân bón… thế nên trồng được bao nhiều thì đến cuối vụ tôi cứ bán thô hết cho thương lái. Thế nhưng, sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về cây sen, tôi nhận ra rằng loại cây này có rất nhiều ưu điểm tuyệt vời đó là tất cả các bộ phận của cây sen đều có thể “hái ra tiền” nếu được chế biến và sử dụng đúng cách...”.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiếu chế biến món ăn từ cây sen để phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách hàng - Ảnh: NVCC
Theo chị Hiếu, sen là cây tương đối dễ trồng, không mất nhiều công và chi phí chăm sóc, tỉ lệ hao hụt lại thấp. Sau Tết Nguyên đán là thời điểm thích hợp nhất để xuống giống. Khoảng 4 tháng sau khi trồng, cây sen bắt đầu cho thu hoạch, đến tháng 4 sẽ vào mùa rộ và kéo dài đến hết tháng 7 âm lịch. Từ việc kinh doanh sen theo hình thức nhỏ lẻ, đến năm 2016, chị Hiếu quyết định nâng tầm sản phẩm của mình khi đăng ký thương hiệu sen Bảo Liên và đầu tư trang thiết bị, máy móc để liên tục cho ra đời nhiều sản phẩm hữu ích, mới lạ được biến tấu từ sen. Các sản phẩm do cơ sở của chị sản xuất luôn được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận, tìm mua, thậm chí liên tục “cháy hàng” trên thị trường vào những dịp cao điểm. “Hằng ngày tôi dậy từ sáng sớm để sản xuất, chế biến, quản lý hồ sen và chỉ nghỉ khi trời đã tối muộn. Các sản phẩm hiện có của Cơ sở sản xuất và chế biến sen Bảo Liên rất đa dạng như hạt sen tươi, hạt sen khô, hạt sen lứt, lá sen, tâm sen, hoa sen khô, củ sen… Đặc biệt, những sản phẩm làm từ cây sen do cơ sở tôi sản xuất luôn theo một quy trình khép kín, đảm bảo giữ được giá trị dinh dưỡng và tuân thủ nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2018, chị Hiếu tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một quán kinh doanh ăn uống nhỏ ngay giữa đầm sen để phục vụ một vài món ẩm thực đơn giản từ sen do một tay chị chế biến. Chị Hiếu cho biết: “Ngoài vẻ đẹp thuần khiết, mang đến cho con người thú chơi tao nhã, cây sen còn được dùng trong ẩm thực và văn hóa trà sen với những nét riêng biệt, đậm chất dân dã. Bên cạnh những món ăn đặc trưng thường thấy trên bàn tiệc như gỏi ngó sen, cơm lá sen, cá lóc nướng cuốn lá sen non... thì hạt sen, lá sen, củ sen còn được dùng để chế biến thành các loại thức uống giúp thanh nhiệt, tạo giấc ngủ sâu và có tính dược liệu cao”.
Các bạn trẻ tham quan, chụp hình lưu niệm tại đầm sen của chị Nguyễn Thị Thu Hiếu - Ảnh: NVCC
Ngoài thu nhập từ việc bán các sản phẩm được chế biến từ cây sen, trong 2 năm trở lại đây, vào mỗi mùa hạ khi sen nở rộ, chị Hiếu còn nâng cao giá trị hồ sen của mình bằng cách thu hút khách du lịch, trải nghiệm trên diện tích trồng sen hiện có. Mới đây, chị còn đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng cầu, mua sắm thuyền nan, trang phục, đạo cụ và dựng chòi ngay tại đầm sen của gia đình đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm cũng như check in của du khách, đặc biệt là giới trẻ. Bức tranh đồng quê thơ mộng giữa đời thực đã trở thành điểm yêu thích của nhiều người, mở ra trào lưu chụp ảnh với những cánh đồng hoa ở Quảng Trị. Địa điểm này tạo nên một nét chấm phá mới lạ giữa lòng thành phố, giúp những người trẻ lưu lại những khoảnh khắc tuổi thanh xuân và cũng là nơi lưu lại những phút giây đoàn viên của mỗi gia đình, phút giây hội ngộ của các thế hệ…
“Năm 2020, bộ sản phẩm Sen Bảo Liên gồm trà tim sen, sen tươi, sen khô đã được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đó thực sự là niềm vui lớn khi những sản phẩm được chế biến từ cây sen đã khẳng định được vị thế trên thị trường. Tôi sẽ tiếp tục hành trình khơi nguồn tinh túy từ sen để cho ra đời thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ đặc sắc khác nhằm lan tỏa tình yêu thiên nhiên, cây cỏ, và mang nguồn thực phẩm sạch từ sen đến với mọi người. Tất nhiên, khi được sống hết mình vì đam mê, luôn nỗ lực, sáng tạo không ngừng vì đam mê ấy, tôi tin là mình sẽ làm được nhiều hơn những gì mình đã làm được…”, ánh mắt lấp lánh niềm vui, chị Hiếu chia sẻ với chúng tôi về những dự định ấp ủ của mình trong tương lai...