Ở thị trấn Sa Pa mù sương có người phụ nữ dành phần nhiều thời gian để tìm hiểu về dân tộc Dao.
Chị Thanh bên chiếc váy cổ của người Dao do chị phục chế
Chị bị cuốn vào hồn phách văn hóa cũng như các chuyến thăm thú, khám phá thôn bản của người Dao. Đó là Dương Thị Thanh, thành viên duy nhất không có học vị trong Hiệp hội nghiên cứu về dân tộc Dao trên toàn thế giới của Đại học Kanagawa, Nhật Bản.
Nỗi buồn thất truyền
“Vào cuộc vì đam mê”, có lẽ là lời miêu tả đúng nhất với việc theo đuổi văn hóa của Thanh. Từ đầu những năm 1990, Thanh đã tiếp cận văn hóa dân tộc Dao khi làm hướng dẫn viên du lịch ở Sa Pa. Bây giờ nhớ lại, Thanh còn nhớ sự thích thú của mình khi biết rằng người Dao thiểu số ở Lào Cai thực ra là một nhánh của một dân tộc Dao có mặt trên rất nhiều quốc gia. Riêng tại Việt Nam, ngoài sự phân chia cơ bản thành hai nhóm người Dao phía Bắc và người Dao phía Nam, dân tộc này còn được phân chia thành 60 nhánh người Dao với những nét khác biệt về văn hóa. Đơn cử, người Dao ở Hòa Bình đội mũ trắng, nữ phục trang váy ngắn, còn người Dao ở Lào Cai chỉ đội mũ thêu bằng chỉ đỏ. Với từng chút hiểu biết, chị lại đào xới, chuyện trò và khám phá thêm về văn hóa Dao như một sở thích riêng. Chị tiếp cận, bầu bạn với rất nhiều người Dao. Chị đi vào thôn bản, khám phá từ những lệ làng, phép tắc, quy ước chung cho đến những nếp sinh hoạt gia đình, và càng lúc càng thán phục với nhận thức đặc biệt của một dân tộc thiểu số sống giữa vùng núi cao lạnh lẽo đó.
Theo Thanh, “người Dao có những nhận thức văn minh nhất so với thế giới văn minh”. Ở đó, phụ nữ ly hôn không bị “va” vào định kiến. Cộng đồng người Dao khá cởi mở với việc ly hôn, tái hôn, và không phán xét với những lựa chọn hạnh phúc cá nhân. Thanh từng ngỡ ngàng khi biết, ở chính cộng đồng thiểu số này, tinh thần chống lại nạn hôn nhân cận huyết lại mạnh mẽ một cách kỳ lạ. Chị ví dụ, theo phong tục của người Dao đỏ ở Lào Cai, nam nữ có họ hàng trong phạm vi 12 đời không được phép kết hôn. Có lẽ đây là quy định khắt khe nhất trong việc chống lại hôn nhân cận huyết trên toàn thế giới.
Đi sâu vào từng nét sinh hoạt của người Dao, Thanh càng thấy sự kết nối kỳ lạ giữa những con người nơi heo hút đó với những nét sống văn minh của những cộng đồng văn minh nhất thế giới. Người Dao làm rượu cũng kiểu cách. Loại rượu phổ biến nhất với dân tộc này là rượu nếp làm thủ công từ nguyên liệu địa phương, và phải ủ đúng 100 ngày. Hễ lấy bao nhiêu rượu ra dùng, người Dao sẽ ủ bù vào bấy nhiêu rượu mới. Trong nhà vì thế luôn có rượu đã ủ đủ 100 ngày.
Đã vậy, người Dao còn có một loại rượu đặc biệt, với một phương pháp bí truyền nào đó, chỉ ngâm với cánh hoa hồng cổ. Rượu êm, người uống vào, đến mồ hôi rịn ra cũng phảng phất mùi hương hoa hồng. Thanh miêu tả, rồi thả ra một câu nhẹ như hơi thở: “Nhưng rượu đó giờ hiếm, sắp thất truyền rồi…”.
Chìm vào huyền tích
Chứng kiến trạng thái của người phụ nữ nhẹ nhàng đó khi nói đến hai chữ “thất truyền”, tôi như được thấy chị trong một hình hài trẻ trung 20 năm trước, khi ngược xuôi chống lại sự “thất truyền” của những dáng nét đặc sắc trong văn hóa Dao.
Thời đó, Thanh hay hỗ trợ các nhà nghiên cứu văn hóa người Nhật Bản đến Lào Cai để nghiên cứu, phục dựng văn hóa bản địa của người Dao. Với hiểu biết sẵn có của một hướng dẫn viên du lịch, từ việc hỗ trợ, Thanh dần dần trở thành người đồng hành thực sự của những vị giáo sư ngoại quốc. Lúc bấy giờ, các sản phẩm may mặc của Trung Quốc đã tràn ngập khắp “thánh đường” du lịch Sa Pa. Sản phẩm địa phương thất thế với cả những khách hàng bản địa. Nhiều người dân đốt khung cửi, bỏ bê lợi thế địa phương để chạy theo các mặt hàng thương mại. Trước bối cảnh đó, Thanh cùng các giáo sư Nhật Bản bỏ tiền túi mua vật liệu cho đồng bào dựng lại khung cửi, rồi tiếp tục mua lại tất cả các sản phẩm làm ra từ những khung cửi ấy, dù chưa biết sẽ tiêu thụ sản phẩm bằng cách nào.
Cùng thời điểm đó, Thanh cùng các chuyên gia Nhật được kể rằng có một dòng họ người Dao tại huyện Đà Bắc - tỉnh Hoà Bình đang cất giữ chiếc váy thật trong huyền tích vượt biển. Huyền tích kể về chuyến lênh đênh trên biển hàng ngàn năm trước để đi tìm vùng đất mới của người Dao. Trên suốt hải trình, đồng bào tự khâu tay được hai chiếc váy.
Chiếc váy với mẫu hoa văn được mô tả khá rõ trong huyền tích, được mô phỏng làm trang phục truyền thống của người dân tộc Dao sau này. Huyền tích đó vốn được truyền kể qua nhiều đời, trong những cộng đồng dân tộc Dao ở nhiều quốc gia khác nhau. Tại Đà Bắc, câu chuyện này cũng được ghi trong gia phả của một dòng họ, lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Những nét sinh hoạt, sản xuất của người Dao luôn hấp dẫn, mê hoặc người yêu văn hóa.
Nghe xong, nhóm của Thanh lập tức lên đường. Nhưng khi tìm tới nơi thì lại được cho biết, chiếc váy đang “phiêu du” đâu đó ở Phú Thọ. Thanh lập tức chuyển hướng, lặn lội đi khắp Phú Thọ, dò la tin tức về chiếc váy vượt biển của đồng bào Dao.
Chiếc váy được tìm thấy sau đó ở Phú Thọ, cũ rách, những phần vải còn lại cũng mục mủn. Người sở hữu nó ra giá 50 triệu đồng. Không chút ngại ngần, cả nhóm của Thanh góp tiền mua bằng được. “Lúc đó, chúng tôi chỉ xác định một điều rằng đây là báu vật, cần được gìn giữ và bảo tồn trong điều kiện tốt nhất”, Thanh nói. Sau khi có được “báu vật” bằng gia tài sau nhiều năm làm hướng dẫn viên, Thanh đưa các cộng sự mang về Nhật Bản để nghiên cứu, giám định niên đại. Những đồng tiền đính trên váy được xác định có hoa văn từ thế kỷ thứ VII. Vải dệt để làm váy có niên đại khoảng thế kỷ thứ VII đến thứ VIII. Những thế kỷ đó, dù cộng trừ sai số, vẫn cách cái ngày Thanh cầm chiếc váy trên tay trên dưới một ngàn năm.
Khước từ sự “tỉnh táo”
Từ thuở ban đầu đó đến nay, Thanh đã tạo ra một hệ sinh thái từ văn hóa dân tộc Dao. Chị gầy dựng trên thị trấn Sa Pa hai xưởng sản xuất sản phẩm đặc trưng của người Dao với quy mô hàng trăm công nhân. Sản phẩm chị tạo ra là những chiếc khăn “dệt” từ chất liệu truyền thống của người Dao, sử dụng từ cây nguyên liệu do người Dao trồng, dệt từ khung dệt nguyên bản mà người Dao vẫn sử dụng từ ngàn đời. Mẫu mã sản phẩm do Thanh thiết kế, sáng tạo từ dáng nét tinh thần của văn hóa dân tộc Dao. Hầu hết thợ may là những người khuyết tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn, được Thanh dạy nghề và hỗ trợ cho đến khi họ trở thành thợ lành nghề.
Những sản phẩm may mặc đậm chất văn hóa Dao lại ra đời, bước vào thị trường du lịch. Những khách hàng đầu tiên đến với Thanh thường bởi sự độc đáo của sản phẩm, rồi trở thành những vị khách trung thành.
Một lần, đang lang thang ở một bản của người Dao thì Thanh nhận được điện thoại của một vị khách quen. Vị khách yêu cầu Thanh đến ngay một khách sạn ở Hà Nội để may đo gấp chiếc áo cho một phụ nữ nước ngoài. Thanh từ chối với lý do đang đi công tác xa. Chị khách quen nhấn mạnh tầm quan trọng của sự việc, và bảo: “Nếu em không làm được việc này, thì chưa phải người kinh doanh chuyên nghiệp thực thụ”.
Nghe câu nói ấy, Thanh tức tốc bắt xe về Hà Nội. Đến nơi hẹn lấy số đo cho khách, Thanh hơi chột dạ khi bị kiểm tra an ninh khá nghiêm ngặt. Nhưng chỉ đến lúc trả áo cho khách xong, Thanh mới hiểu lý do, khi vô tình thấy trên chương trình thời sự, hình ảnh bà Michelle Bachelet - Tổng thống Cộng hòa Chile - đang mặc chiếc áo mình may trong cuộc tiếp đón của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Tôi hỏi: “Cảm giác của chị khi ấy thế nào?”. Thanh đáp: “Tôi thầm hạnh phúc khi nghĩ rằng những sản phẩm của đồng bào dân tộc đã được trân trọng và thực sự đi vào cuộc sống hiện đại của thế giới”.
Cứ thế, tiếng lành đồn xa. Sản phẩm của Thanh và cửa hàng thời trang nhỏ bé của chị được rất nhiều sứ quán, các tổ chức nước ngoài, các công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam quan tâm. Nhiều đại sứ quán các nước tại Hà Nội còn đưa cửa hàng thời trang của Thanh vào danh sách đặc biệt để giới thiệu cho du khách tới Việt Nam làm việc, tham quan du lịch.
Bây giờ, Thanh vẫn miệt mài vào bản, vẫn giao lưu và chuyện trò để tưới tắm trong từng biểu hiện văn hóa của người Dao. Thường thì người làm thời trang phải luôn cập nhật, đổi mới, sáng tạo ra những mẫu mã mới. Còn Thanh lại luôn cố gắng đưa các sản phẩm của mình về đúng cái cách mà nó đã được ra đời. Chị nói: “Theo tôi, chỉ cần giữ đúng truyền thống ngàn đời của đồng bào dân tộc, thì ta sẽ có một gu thời trang mạnh mẽ nhất, trường tồn nhất. Bởi giữ được văn hóa thì sẽ giữ được mọi giá trị khác”.
Chị bước đi, và cũng gặp những trắc trở như mọi người làm kinh doanh trên đời. “Gặp” COVID-19, mất gần 90% đầu mối tiêu thụ sản phẩm, nhưng bên cạnh chị là cả trăm con người gắn bó hàng chục năm, với sự sống của gần trăm gia đình. Biết mình không thể dừng lại, cũng không biết chừng nào dịch bệnh mới dừng, Thanh bèn lặp lại cách làm xưa. Chị quyết định duy trì sản xuất, công nhân vẫn làm việc và có thu nhập. Và chị tự giải quyết hàng hóa bằng cách… cất vào kho, đợi đến lúc hết dịch bệnh thì mang ra tiêu thụ.
Tôi gọi chị là “người đàn bà khùng”, vì những quyết định mà bất kỳ người tỉnh táo nào cũng thấy rủi ro. Giữ tình yêu văn hóa trong tim, mang trên vai trách nhiệm giữ gìn bản sắc - chị chỉ có hành trang cố định đó để bước đi. Thành bại chung cuộc luôn là một điều không ai bảo chứng. Nó giống như chị từng không thể bảo chứng cho đầu ra của những sản phẩm thủ công mà chị đầu tư cho đồng bào Dao 20 năm trước. Giống như sự mông lung đến huyền hoặc của chiếc áo huyền tích. Giống như, trong mọi mục tiêu chị lao vào và mải miết minh định, chỉ có tình yêu là rõ nét.
Đến nay, chưa có bất cứ tài liệu nào lý giải một cách khoa học về mối quan hệ giữa chiếc váy có tuổi đời ngàn năm đó, với huyền tích của dân tộc Dao ở Việt Nam. Có lẽ, người ta cần thêm rất nhiều thời gian và đam mê để tìm được câu trả lời. Nhưng, chỉ tính riêng câu chuyện một người đàn bà Sa Pa nhỏ bé, gần 20 năm trước đã dám bỏ cả gia tài của mình cùng với những người xa lạ, mua chung chiếc váy để bảo tồn, rồi tiếp tục cho người yêu văn hóa Dao mượn, trưng bày tại các lễ hội của đồng bào Dao… Tôi cho rằng, bản thân câu chuyện của họ cũng đã có thể được xem như một huyền tích.