Tin tức\Câu chuyện khởi nghiệp

Rời phố thị về cao nguyên gầy dựng homestay

 16/02/2021 04:03   Tag:

Rời phố thị về cao nguyên gầy dựng homestay

Rời bỏ cuộc sống đô thị ồn ào để tìm về nơi vắng vẻ gây dựng homestay, farmstay, những người phụ nữ mảnh mai mà mạnh mẽ đã tìm được hạnh phúc và niềm vui trong cuộc đời.

Thay đổi cho cuộc sống mới mẻ hơn

Phượng Bùi, 27 tuổi, đang có công việc ổn định tại Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Ở phố biển đã quen nên vào 1 ngày, cô muốn có sự trải nghiệm mới cho bản thân. Từ biển nắng gió, Phượng đi tìm sự mát mẻ và yên tĩnh tại thành phố cao nguyên. Cô một mình quyết định và thay đổi môi trường sống, không chút do dự.

Phượng Bùi lên Đà Lạt, tìm thuê căn nhà nhỏ xinh để làm homestay. Vốn đã có kinh nghiệm làm công việc này tại Vũng Tàu, Phượng bắt tay vào chỉnh trang lại căn nhà, mua đồ dùng trang trí phù hợp. "Có một bí mật là em rất sợ ma nên chưa bao giờ dám ở một mình. Sự thay đổi này chính là cách để em rèn luyện vượt qua nỗi sợ hãi", Phượng Bùi vui vẻ kể chuyện.

Cô cho biết dù mạnh mẽ tới đâu thì phụ nữ vẫn có những phút giây mềm yếu nhưng tính cô rất lạc quan nên không buồn được lâu. Trong khung cảnh, khí trời bảng lảng sương, lạnh lạnh của xứ sở tình yêu, nhiều lúc chỉ cần ngồi yên ngắm trời thôi cũng có chút vương vấn, "tự kỷ". Tuy nhiên, bản tính hồn nhiên của cô gái trẻ cùng nhiều công việc set-up cho homestay "We Home Đà Lạt" cùng quán Pizza nhỏ xinh, thì những phút giây mềm yếu thoáng qua rất nhanh. Phượng nhanh chóng hòa nhịp với cuộc sống mới, ở nơi ở mới, vui với cuộc sống hiện tại dù chỉ có một mình.

Phượng Bùi đã vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để sống một mình nơi thành phố xa lạ

Mỗi ngày, Phượng đều tự tay thực hiện công việc chăm sóc homestay. Những việc gì tự làm được thì cô không ngần ngại, kể cả sửa điện nước trong nhà nếu đơn giản và dễ sửa chữa. Các món đồ khác, Phượng đi tìm mua, mỗi ngày một chút. Cứ như vậy, mà căn nhà hoàn thiện dần dần, đi vào khai thác kinh doanh. "Em không hối hận với sự chọn lựa dịch chuyển này. Nếu có đủ sức, em cũng muốn đi và sống trải nghiệm thêm nhiều nơi khác chứ không chỉ riêng Đà Lạt. Và em thích các thành phố yên tĩnh, chứ không muốn ở nơi phố thị ồn ào", Phượng Bùi chia sẻ. Cô hiện rất bằng lòng và luôn biết ơn cuộc sống đã cho cô tận hưởng những khoảnh khắc vắng vẻ, thơ mộng của thành phố cao nguyên sương mù.

Hòa quyện với thiên nhiên

Du khách nào đã tới Nam Ban, cao nguyên Lâm Đồng, đều ấn tượng với farmstay và quán cà phê "Nhà Cỏ" của Lê Hoàng Oanh, 39 tuổi. Tự nhận là người lãng mạn, yêu thiên nhiên, trải qua những năm tháng học và làm việc tại TPHCM náo nhiệt nhưng Oanh vẫn thích nếu "đủ duyên" sẽ chuyển về cao nguyên Lâm Đồng để làm vườn, chăn nuôi. "Được sống hòa quyện với thiên nhiên và dưỡng tâm hồn mình thư thái, an định là điều mà em mong ước. Và giờ thì giấc mơ đã trở thành hiện thực rồi", Oanh nói.

Mẹ con Lê Hoàng Oanh sống gần gũi với thiên nhiên, trong khung cảnh yên bình

Để chọn Nam Ban là điểm dừng chân và bắt đầu câu chuyện làm farmstay thực sự là dấu mốc đáng nhớ cho Lê Hoàng Oanh và con trai. Ra khỏi cuộc hôn nhân sóng gió với người chồng cũ cũng là lúc Oanh bế trên tay cậu con trai mới hơn 1 tuổi ra khỏi TPHCM. Cô mong muốn đi đến nơi an lạc, yên tĩnh để lắng dịu tâm hồn, bắt đầu học lại những bài học mới từ những điều tối giản. Cuộc sống tại nơi đặc biệt yên bình này "vừa là liệu pháp chữa lành tinh thần, vừa kiến tạo cơ sở kinh doanh để làm việc kiếm tiền nuôi con, đồng thời có thêm thời gian sáng tạo", nên Oanh thấy sự chọn lựa của cô quá thú vị.

Thời gian đầu khỏi cần kể thêm cũng hình dung ra được bao khó khăn khi cô vừa phải chăm con nhỏ, vừa tạo dựng cuộc sống ở nơi xa lạ không người thân, không bạn bè. Rất nhiều người đã ngăn cản Oanh và sợ rằng Oanh sẽ bỏ cuộc vì làm sao có thể vượt qua được khi sống ở nơi hoang sơ, xa xôi đến vậy. Nhưng Oanh vẫn kiên trì với quyết định ban đầu, với mục tiêu, kế hoạch rõ ràng. "Người ta làm có người khác hỗ trợ 1 tháng thì việc xong nhưng với em thì có thể là 3 tháng. Em không thấy sợ hãi hay cô đơn, mà ngược lại, cảm thấy cuộc sống như thế này mới thực sự có ý nghĩa và giá trị", Oanh chia sẻ.

Sống đời yên bình tại homestay

Vì sống ở phố thị đã quá quen thuộc, nên những ngày đầu tiên Oanh vẫn bị chi phối bởi suy nghĩ sao ở đây không có cái này cái kia nhưng rồi dần dần cô nhận ra bài học lớn, đó là nếu cứ chạy theo những mong cầu thì bản thân rất mệt mỏi. Cô kể: "Ở đây dù là thị trấn nhỏ nhưng mọi người đang sống vui khỏe. Trẻ con có tuổi thơ phong phú hơn thành phố. Có những đêm, 2 mẹ con em lội lên dốc ngắm đom đóm lập lòe, hoặc những buổi chiều bắc ghế ra sân ngắm hoàng hôn về giăng ngang đỉnh đồi tạo nên bức tranh rất tuyệt. Vẻ đẹp từ thiên nhiên đã giúp em trở về trạng thái cân bằng và càng ngày em càng thấy mình yêu thêm cuộc sống này".

Những ngày đầu tới mảnh đất hoang sơ tại Nam Ban, Lê Hoàng Oanh bắt tay vào lo các thứ căn bản như kéo đường điện, khoan giếng, tạo cảnh quan, lấy mặt bằng để dựng nhà che mưa nắng cho mẹ con có chỗ sinh hoạt an toàn. Cứ dần dần như vậy, bà mẹ trẻ phát triển thêm diện tích cho khách tới lưu trú, làm sao để mọi thứ thuận tự nhiên nhất. Cô thích sắp xếp lối đi, chỗ ở tinh giản mà vẫn không kém phần bắt mắt. Oanh không thích xây dựng nhiều, cô dựng mấy chiếc lều Mông Cổ nhỏ nhỏ, sắp đặt đủ các vật dụng cho khách tham quan lưu trú. Oanh cũng không bày biện gì, tiện nghi không thể giống như phố thị nhưng cảm xúc gần gũi với thiên nhiên.

Rời phố thị để trở về cuộc sống nơi hoang sơ nhất, Lê Hoàng Oanh tới thời điểm này vẫn không hề hối hận. Cô thấy cuộc sống là chuỗi trải nghiệm nhiều màu sắc và giá trị, có gian khổ thì mới có trưởng thành. Hiện, Oanh vẫn say mê thời tiết và khung cảnh yên bình ở Nam Ban. Cô dự định năm sau sẽ cất thêm vài căn nhà gỗ xinh xắn, phía trước trồng nhiều cây hoa cải vàng vây quanh hàng rào trắng. Mỗi sáng, có thể ngồi ở đó để ngắm mặt trời lên rồi ra vườn hái thảo mộc pha trà thư thái ngồi đọc sách. Buổi chiều, du khách có thể đi bộ qua thác, hoặc lên chùa thưởng cảnh, tối về thì đốt ít củi khô sưởi ấm tâm tình.

"Ai rồi cũng cần tìm lấy những khoảnh khắc lắng lại sau nhiều giông bão ngoài kia. Ở đây - Nam Ban - mẹ con em đã tìm được dòng năng lượng tích cực này rồi. Em cảm thấy thật biết ơn và trân trọng", Lê Hoàng Oanh nhẹ nhàng chia sẻ.

PNVN



Cùng chuyên mục

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp
Chiều ngày 2/10/2024, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng thuyết trình, gọi vốn đầu tư cho các ứng viên dự thi Chung kết Toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024.

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định

"Bông hoa" đầu tiên của Bình Dương nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định
Đó là chị Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Giáo, Bình Dương. Chị là cán bộ Hội LHPN duy nhất của Bình Dương trong số 30 cán bộ Hội LHPN chuyên trách xuất sắc trong cả nước vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ nhất năm 2024, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen tặng.

VỀ CHÚNG TÔI

TRỢ GIÚP

Placement are recruiting
Benefits and enviroment at VWBH

TUYỂN DỤNG

Placement are recruiting
Benefits and enviroment at VWBH

LIÊN HỆ

HUB Hỗ trợ Phụ nữ Kinh doanh và Khởi nghiệp
(Vietnam Women’s Entrepreneur and Start-up HUB)
  Trường Trung cấp Lê Thị Riêng,
Số 9-10, đường 9, Phường Phước Bình, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh
  028.62826019
  028.62825973

HUB Hỗ trợ Phụ nữ Kinh doanh và Khởi nghiệp (Vietnam Women’s Entrepreneur and Start-up HUB)