Điểm chung của những cô gái “đam mê công nghệ” là đều… mê công nghệ và không ngại chọn lối đi riêng. Trong lĩnh vực tưởng như chỉ dành riêng cho nam giới, họ vẫn tự tin tỏa sáng, thậm chí còn khiến không ít đồng nghiệp nam “ngả mũ” thán phục.
Từ tự học đến trở thành nữ đại sứ công nghệ của Google
Trước khi đến với công nghệ, Lea Trúc tốt nghiệp ngành thiết kế và quản lý thiết kế tại trường đại học Savannah College of Art & Design, và sau đó làm giảng viên đại học tại Boston, Mỹ. Để có được công việc đáng mơ ước với nhiều người ấy, Trúc đã trải qua kỳ tuyển chọn khắt khe với những thành tích cá nhân ấn tượng. Thời điểm đó, kiến thức về công nghệ thông tin của Trúc chỉ là con số 0. Trong những lần có cơ hội tham dự hội thảo, diễn đàn về công nghệ thông tin, nhận thấy đây là một lĩnh vực đang rất phát triển, liên quan tới gần như mọi mặt của đời sống, Trúc nghĩ mình thật thiếu sót nếu không biết gì về công nghệ.
“Em đừng mất công học công nghệ thông tin. Em làm sao so được với các kỹ sư công nghệ được đào tạo một cách chính quy, bài bản”. Đó là câu nói của một người bạn làm việc ở một công ty phần mềm với Trúc khi biết ý định của cô thời điểm đó. Bị dội gáo nước lạnh, Trúc thấy buồn nhưng càng quyết tâm sẽ chứng minh cô không hề “mất công” khi học công nghệ.
Vừa dạy ở trường đại học, Trúc vừa tranh thủ thời gian rảnh lên mạng tự đọc, tự học về công nghệ thông tin. Năm 2018, cô nghỉ việc ở Mỹ và trở về nước. Trúc đã tự đặt mình trước thử thách: Chỉ cho phép mình có 6 tháng để đạt được thành tích nhất định trong lĩnh vực mới này. Trúc bắt đầu tham gia các workshop, diễn đàn về công nghệ thông tin. Có sự kiện, cô là nữ diễn giả duy nhất, xung quanh toàn nam giới. Lần khác, Trúc trình diễn bản demo do cô lập trình trong hội thảo về công nghệ của nhóm cộng đồng lập trình viên Google ở Việt Nam trước sự chứng kiến của 500 nam kỹ sư công nghệ. Áp lực với Trúc là phải trình diễn thật tốt, không chỉ cho bản thân mà còn vì cô đang đại diện cho giới nữ làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hết 6 tháng, Trúc được mời trở thành đại sứ công nghệ nữ của công ty Google. Facebook cũng liên hệ mời Trúc hợp tác làm một chuỗi workshop liên quan đến chủ đề phụ nữ lập trình. Và thế là năm 2018, gần như lần đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh, một chuỗi workshop đã được tổ chức chỉ dành riêng cho giới nữ. Cuối năm 2019, câu chuyện công nghệ của Trúc được đăng trên trang web chính thức của Facebook Developers về những ảnh hưởng tích cực với cộng đồng công nghệ.
Trong bối cảnh Việt Nam chưa có cộng đồng cũng như môi trường chuyên dạy công nghệ thông tin cho nữ, Trúc tiếp tục tiên phong, sáng lập cộng đồng có tên gọi Women Meet Tech (WMT) (tạm dịch: Phụ nữ và Công nghệ). Chỉ trong một thời gian ngắn, WMT đã thu hút hàng ngàn chị em thuộc nhiều độ tuổi, ngành nghề từ sinh viên, giáo viên, người kinh doanh nhỏ… tham gia vào các hoạt động như hội thảo, học lập trình, thiết kế website, ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, nghe hướng dẫn khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Khẩu hiệu của Trúc là “If a cat can code, you can too” (tạm dịch: Nếu một con mèo có thể lập trình được thì bạn cũng làm được)… đã tạo động lực, giúp chị em thấy việc học công nghệ thông tin trở nên dễ dàng hơn.
Sau nhiều workshop, có tới 90% phụ nữ được hỏi chia sẻ muốn tiếp tục đi sâu về công nghệ. Trước thành công ấy, WMT đã kết nối với các WMT ở các quốc gia khác, giúp chị em có cơ hội giao lưu với các phụ nữ yêu thích công nghệ toàn cầu. Trúc tâm sự, “Mình muốn ghi tên cộng đồng phụ nữ yêu thích công nghệ thông tin của Việt Nam vào bản đồ công nghệ thông tin trên thế giới. Qua đó, mình muốn thế giới biết rằng, phụ nữ Việt Nam cũng rất giỏi công nghệ thông tin”.
Thay đổi cái nhìn định kiến về phụ nữ làm công nghệ thông tin
Với Lê Thắm, chính niềm đam mê được khám phá “vũ điệu” của các con số trên máy tính, tìm hiểu về cách vận hành các trang web, trò chơi điện tử đã đưa cô đến với ngành công nghệ thông tin.
Ngọc Quỳnh tự tin trao đổi về công nghệ với các chuyên gia nằm trong các diễn đàn công nghệ lớn
Tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh gia đình, Thắm bắt đầu học hệ trung cấp về kỹ thuật máy tính. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, Thắm học liên thông lên cao đẳng rồi đại học. Càng lên cao, tỷ lệ nữ chọn học công nghệ thông tin như Thắm càng ít dần. Cả khóa đại học của Thắm chỉ có khoảng chưa tới 20 nữ. Sau khi tốt nghiệp, còn lại 3 người làm đúng ngành nghề và nay chỉ còn lại 2 người trụ lại, trong đó có Thắm.
Thắm chia sẻ, lĩnh vực công nghệ thông tin đòi hỏi người làm ngành này phải rất đam mê, có sức khỏe và dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thực hành. Hồi mới vào nghề, một ngày, Thắm ngồi máy tính từ 12-14 tiếng để tự học, tự trang bị kiến thức cho mình. Thắm đọc nhiều đến nỗi có thể nhớ vị trí từng nội dung kiến thức, các lỗi phần mềm nằm chính xác ở đâu trong một cuốn sách dày cả trăm trang.
Đặc biệt, một kỹ sư công nghệ thông tin cũng phải sẵn sàng bị “triệu tập” bất cứ lúc nào để sửa lỗi cho các ứng dụng. Nhưng việc tìm ra lỗi không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thắm nhớ lại, có lần, ứng dụng thanh toán tiền của một công ty điện máy lớn bị trục trặc, Thắm và các nam đồng nghiệp phải ngồi liên tục suốt mấy chục giờ đồng hồ trước máy tính nhưng vẫn không thể tìm ra nguyên nhân. Khi các đồng nghiệp nam đã kiệt sức, ngủ gục, Thắm vẫn trụ lại bên máy tính và cuối cùng đã tìm ra nguyên nhân do sai cấu hình server. Khi Thắm sửa xong lỗi thì đã là 2 ngày 1 đêm liên tục cô không ngủ. Về nhà, Thắm tự thưởng cho mình 4 tiếng chợp mắt, sau đó, lại lên cơ quan để chạy thử ứng dụng, rồi lại ngủ 4 tiếng, lại chạy thử. 2 ngày sau, khi ứng dụng đã chắc chắn hoạt động tốt, Thắm mới có một giấc ngủ bù đúng nghĩa.
Hiện Thắm đã có 11 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cô đang là nhóm trưởng và là kỹ sư nữ duy nhất tại công ty Chợ Tốt cùng với hơn 30 đồng nghiệp nam khác. Thắm chia sẻ, lý do để cô “trụ” lại ở nghề này, ngoài niềm đam mê còn là ý muốn chứng tỏ phụ nữ không hề thua kém nam giới ở bất kỳ lĩnh vực nào. Trước đây, Thắm từng được tuyển thẳng vào một công ty công nghệ nhờ tấm bằng tốt nghiệp Trung cấp loại Giỏi. Song, khi biết cô là phụ nữ, vị trưởng phòng nam giới đã từ chối giao việc cho cô.
“Mình đã ra đi và hứa sẽ làm tất cả để thay đổi cái nhìn định kiến của nam giới về phụ nữ làm công nghệ thông tin”. Nhiều năm sau, khi Thắm đã trưởng thành trong nghề, chính vị trưởng phòng năm nào lại chủ động liên lạc và nhờ cô tư vấn cách giải quyết một số vướng mắc về công nghệ mà đồng nghiệp này đang gặp phải.
Còn với Phạm Thị Ngọc Quỳnh, cô gái sinh năm 1991 hiện đang giữ vị trí trưởng nhóm quản lý sản phẩm tại @EGANY, một công ty Startup công nghệ, chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ giúp tối ưu chuyển đổi và trải nghiệm eCommerce chuyên sâu. Quỳnh là người chịu trách nhiệm quyết định tính năng nào cần có cho sản phẩm, làm việc với người lập trình, người thiết kế giao diện để xây dựng tính năng đó và đảm bảo sản phẩm đạt được tới chỉ số thành công nhất định.
Quỳnh cũng có đam mê với máy tính từ rất nhỏ, khi chỉ mới học lớp 2. Nhà không có máy tính, nhưng, bất cứ chỗ nào có thể vẽ Quỳnh đều vẽ hình bàn phím rồi ngồi gõ, tưởng tượng như mình đang dùng máy tính thật. Thi vào đại học, tất cả nguyện vọng của Quỳnh đều đăng ký vào ngành Khoa học máy tính. Đến nay, Quỳnh đã có hơn 7 năm trong nghề và chưa từng có ý định sẽ chuyển sang ngành khác. Trong 7 năm đó, Quỳnh đã có kinh nghiệm qua kha khá các vị trí từ Frontend Web (Lập trình giao diện website), Mobile App (ứng dụng trên điện thoại)... Mỗi lĩnh vực lại có những khó khăn, mỗi lần thay đổi vị trí là phải mò mẫm và học lại từ đầu nhưng Quỳnh đều vượt qua, nhờ vậy mà càng có nhiều kinh nghiệm để đảm đương tốt công việc hiện tại.
Quỳnh chia sẻ, trong “lãnh địa” tưởng chừng chỉ dành cho nam giới, dù thuộc nhóm “thiểu số” nhưng cô gái nào đã trụ lại với nghề thì đều chứng tỏ được khả năng, bản lĩnh và được đồng nghiệp nam thừa nhận. So với nam giới, nữ giới làm về công nghệ thông tin có nhiều điểm mạnh hơn như có sự kiên trì, khéo léo và đặc biệt là sức bền, “chịu được nhiệt” và áp lực cao. Nữ giới rất ít khi nổi cáu, bị stress và luôn bình tĩnh tìm được giải pháp tốt và thông minh trong sự lý các sự cố, tình huống bất ngờ.
Hiện nay, Quỳnh rất tự hào vì có nhiều ứng dụng được cô viết đang được sử dụng hiệu quả tại nhiều công ty lớn. Mới đây nhất, Quỳnh và một số đồng nghiệp nữ đang xây dựng một group Bí Kíp Làm Web để giúp cho các chủ shop, doanh nghiệp và Digital Marketing cùng giao lưu, bàn luận để tối ưu và tăng hiệu quả website của mình.
Quỳnh vui vì số lượng các cô gái yêu công nghệ ở Việt Nam hiện đang có xu hướng tăng dần. Qua việc chị em được thường xuyên trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu với nhau, Quỳnh thấy mình không đơn độc.
Yêu nghề - nghề chẳng phụ
Nhiều người quan niệm nữ giới học công nghệ thông tin “đầu to, mắt cận”, khô khan và học cao nên khó lấy được chồng. Nhưng, cả ba cô gái đam mê công nghệ và đang ít nhiều ghi được dấu ấn với cộng đồng đều không cảm thấy vậy.
Lea Trúc trong một sự kiện tại Google Thái Lan
Lea Trúc cho rằng, khả năng, ngành nghề của mỗi người không phụ thuộc vào giới tính của người đó. Bản thân Trúc tự tin mình vẫn luôn có đủ bản lĩnh nghề nghiệp lẫn độ nữ tính, lãng mạn. Hiện nay, dù đang làm việc trực tuyến tại Úc do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng nhờ sự phát triển của công nghệ mà Trúc vẫn có thể tham gia tổ chức các buổi hội thảo về công nghệ livestream trên mạng xã hội theo lời mời của Lãnh Sự quán Mỹ tại Việt Nam. Người tham gia các hội thảo có thể là bất kỳ phụ nữ ở quốc gia nào như Việt Nam, Indonesia, Anh, Mỹ, Úc… Bên cạnh đó, Trúc đang thử nghiệm một ứng dụng giúp bác sĩ tại Sydney tìm hiểu thông tin về y khoa của bệnh nhân, giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp để phòng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại Úc.
Còn với Thắm Lê, sự say mê hết mình với nghề của cô cũng đã được bù đắp khi nghề lại giúp cô tìm được ý trung nhân. Chồng của Thắm Lê cũng là kỹ sư công nghệ thông tin cùng làm công ty với Thắm. Nhờ thế, hai vợ chồng có thể san sẻ khó khăn và thấu hiểu nhau nhiều hơn. Cô đùa vui: “Do là “của hiếm” nên phụ nữ làm trong mảng công nghệ thông tin luôn nhận được sự chăm sóc của đồng nghiệp nam và có nhiều cơ hội để… chọn chồng như ý. Vì vậy, các bạn nữ đừng ngại ngần dấn thân vào nghề này”.
Một cái kết có hậu khác nữa cũng đã đến với Quỳnh. Tưởng như đang ở thế bất lợi khi là bóng hồng duy nhất giữa các đồng nghiệp nam, chính Quỳnh giờ đây lại đem tới làn gió tươi mới cho công ty. Vốn mê đàn, hát, thích sự lãng mạn, sáng nào Quỳnh cũng cùng các đồng nghiệp cũng đàn, hát vài bài rồi mới lại đắm mình phiêu lưu cùng “chiến mã”. “Mình luôn hạnh phúc vì được sống với niềm đam mê công nghệ”, Quỳnh tâm sự.