Từ một hộ thuần nông với thu nhập thấp, nhờ khởi nghiệp bằng phương pháp trồng rau sạch công nghệ cao, chị Trương Thị Lan ở thôn Dĩnh Xuyên, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã trở thành hộ phát triển kinh tế mạnh và tạo được việc làm cho nhiều lao động.
Chị Lan cho biết, trước đây chị chỉ làm ruộng ở nhà, thu nhập từ trồng lúa chỉ đủ sống, trong khi đó còn phải nuôi con ăn học và lo cho gia đình cho nên không bao giờ có tiền dự phòng. Công việc làm nông khá vất vả, nhưng thu nhập lại không đáng kể khiến chị Lan nhiều lúc lo lắng, bất an. "Cần phải làm kinh tế và có tích lũy để lo cho cuộc sống sau này", đó là ý nghĩ thôi thúc chị quyết tâm làm giàu.
Ban đầu bắt tay vào trồng rau, chị thấy chưa hiệu quả nên đã tăng cường trồng thêm su hào, dưa chuột, dưa lê…
Nhưng làm giàu từ đâu? Đó là câu hỏi mà chị trăn trở suy nghĩ nhiều đêm. Khi được tập huấn về nông nghiệp trồng rau sạch của Hội phụ nữ xã, chị quyết tâm đi theo hướng này, biến ruộng lúa thành ruộng nông sản để phát triển kinh tế nông nghiệp.
Ban đầu bắt tay vào trồng rau, chị thấy chưa hiệu quả nên đã tăng cường trồng thêm su hào, dưa chuột, dưa lê… Mở rộng mô hình nghĩa là cần thêm vốn, lúc đó chị chỉ có một số vốn ít ỏi, cho nên đã mạnh dạn đi vay vốn của ngân hàng chính sách là 300 triệu đồng, cộng với số vốn do gia đình hỗ trợ là 200 triệu để thực hiện canh tác mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Nhờ kinh doanh hiệu quả nên chị Nga có kinh tế vững vàng
Hiện nay, diện tích trồng nông sản của chị đã lên tới 2.000 mét vuông khép kín, được trang bị máy móc tự động để tưới nước, chăm sóc hiện đại. Ngoài ra chị còn cấy 20 mẫu lúa, trồng rau kết hợp.
Khi có sản phẩm đầu ra, chị giới thiệu thông qua hội phụ nữ và không ngờ sản phẩm ra đến đâu là tiêu thụ hết đến đấy. Khi người dân và khách mua đến thăm vườn của chị, nhận thấy công nghệ trồng rau sạch, ngon, rẻ, lại đảm bảo an toàn vệ sinh, không có thuốc trừ sâu nên tin tưởng, thường xuyên đến mua.
"Dưa chuột trồng khoảng 1 tháng là cho ra quả, chỉ bán trong vòng 20 ngày là hết vườn. Mỗi ngày bán được 3 triệu đồng riêng tiền dưa chuột, có hôm lượng mua lên đến 1 tạ, tạ rưỡi các loại từ dưa lê, dưa chuột, mướp, đỗ, bắp cải. Sản phẩm dưa chuột dưa chuột chỉ khoảng 2 tháng - 2,5 tháng là hết vụ, đợi nghỉ ngơi nửa tháng thì thay đất, trồng rau, chờ 1 tháng lớn lên thì bán được. Cứ luân phiên trồng rau củ theo vụ như thế, hiệu quả kinh tế cao. Thường thì trồng 1 tháng nghỉ 1 tháng, không phải ngày nào cũng có thu nhập nhưng nhìn chung đã cải thiện rõ rệt về kinh tế gia đình", chị Lan cho biết.
Chị Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang (bên trái)
Không chỉ giúp cho kinh tế gia đình phát triển, từng bước trang trải cuộc sống thêm tiện nghi, chị Lan còn tạo việc làm cho nhiều người lao động. Mỗi vụ, chị đều thuê nhân công với mức lượng khoảng 10 triệu đồng/tháng, giúp họ có thu nhập ổn định để nuôi gia đình.
Nói về mô hình trồng rau sạch chất lượng cao của chị Trương Thị Lan, chị Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Dĩnh cho biết, đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với các hộ dân làm nông nghiệp ở xã Tân Dĩnh.
"Chị Trương Thị Lan khởi nghiệp trồng rau sạch từ năm 2018, năm 2019 bắt đầu đưa vào xây dựng, năm 2020 cho ra sản phẩm được thu hoạch nhiều nhất, tạo thêm việc làm cho một số lao động ở địa phương, góp phần đưa kinh tế xã, huyện phát triển, xóa đói giảm nghèo", chị Nga nói.
Chị Nga cũng cho biết, trên địa bàn xã Tân Dĩnh không có nhiều mô hình nông nghiệp, đa số là dịch vụ, với những hộ nhỏ lẻ họ có ruộng nhỏ thì tự tìm đầu mối để tiêu thụ sản phẩm, vì vậy, mô hình của chị Lan về cơ bản làm thay đổi cách nhìn, cách làm kinh tế của nhiều chị em phụ nữ.
Trong nhiều năm qua, Hội phụ nữ các cấp cũng đưa nhiều mô hình làm kinh tế về hướng dẫn các hội viên, cho tâọ huấn, lựa chọn mô hình rồi về áp dụng. Có nhiều hội viên đã mở cửa hàng tạp hóa, trồng rau, chăn nuôi thành công.
Chị muốn góp phần cho sự phát triển chung của xã, huyện, để chị em phụ nữ có cơ hội giúp đỡ nhau cùng vượt khó, làm kinh tế giỏi.
Theo chị Nga, vai trò của Hội phụ nữ là giúp các chị em được tiếp cận công nghệ, tham gia tập huấn các lớp do huyện, hội tổ chức. Bên cạnh đó, hội còn có những buổi sinh hoạt tuyên truyền với các chị em có mô hình hay, giao lưu trao đổi. Với những hội viên có vốn sẽ tìm cách tiếp cận mô hình vay vốn như ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ về ý tưởng và quyết tâm làm kinh tế của mình, chị Trương Thị Lan cũng cho biết, chị trồng rau sạch tuy lãi không nhiều vì bán với giá hợp lý nhưng bán với cái tâm để những người xung quanh được ăn đồ sạch, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, chị muốn góp phần cho sự phát triển chung của xã, huyện, để chị em phụ nữ có cơ hội giúp đỡ nhau cùng vượt khó, làm kinh tế giỏi.