Tin tức\Câu chuyện khởi nghiệp

Dự án Pơ Lang vượt thử thách để khởi nghiệp thành công

 14/11/2020 08:19   Tag:

Dự án Pơ Lang vượt thử thách để khởi nghiệp thành công

Dự án Pơ Lang là ước mơ, là tâm huyết và nỗ lực của cả team Pơ Lang; mơ về một ngày quả bơ Việt Nam tự hào điểm mặt trên bản đồ trái cây thế giới; mơ về một ngày mà sản phẩm chế biến từ quả bơ...

Tốt nghiệp ngành sư phạm năm 2009, Phạm Thị Thu Hằng (ảnh bên), cô sinh viên Đại học Tây Nguyên về một trường cấp ba ở quê nhà Ea Kly (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) công tác. Dạy môn Sinh học, cộng với bản tính yêu thiên nhiên cây cỏ, càng ngày, Hằng càng nhận ra vùng đất Tây Nguyên quê hương cô được trời ban cho nguồn tài nguyên thật giàu có, nhiều sản vật quý, phong phú các loài hoa thơm trái ngọt.

Ấy vậy mà sao đời sống người nông dân vẫn mãi không thoát nghèo? Mỗi ngày lên bục giảng, nhìn những gương mặt sáng láng mà non nớt của học trò, cô giáo trẻ vẫn không thôi suy nghĩ day dứt về khát vọng cống hiến.

Nung nấu và từng bước thực hiện, chậm rãi mà chắc chắn, giờ đây Thu Hằng đã tạo dựng được cơ ngơi nhà xưởng khang trang, là đầu mối tiêu thụ tin cậy nguồn nguyên liệu để bà con Tây Nguyên vững tin trồng trọt, không còn canh cánh trong lòng nỗi lo được mùa mất giá.

Hằng bơ là biệt danh mà bạn bè và người thân vẫn gọi Thu Hằng, bởi quả bơ, đặc sản của Đắk Lắk, gần như là mối quan tâm lớn của chị trong tìm hiểu nhiều nhất, nói đến nhiều nhất trong các hoạch định cả trước đây cũng như hiện tại. Bên cạnh đó, những cây, quả bản địa khác như cà-phê, chanh dây, gấc, sáp ong... đều được thu mua làm nguồn nguyên liệu để sản xuất ra dòng sản phẩm thuần nhất tự nhiên mà chị đã tạo dựng có thương hiệu Pam’s. Nắm bắt tâm lý con người hiện đại đang có xu hướng quay về với cái mộc mạc, sống gần hơn với thiên nhiên, dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp có nguồn gốc từ thiên nhiên đã thu hút sự quan tâm chọn lựa của khách hàng.

Dự án Pơ Lang là ước mơ, là tâm huyết và nỗ lực của cả team Pơ Lang; mơ về một ngày quả bơ Việt Nam tự hào điểm mặt trên bản đồ trái cây thế giới; mơ về một ngày mà sản phẩm chế biến từ quả bơ của nước mình xuất khẩu đi khắp năm châu; và mơ về nụ cười tươi rói trên gương mặt bác nông dân trên nông trại bao la. Đó là cảm xúc, là ước mơ, động lực Phạm Thị Thu Hằng nhen nhóm hiện thực hóa ý tưởng chị vẫn chia sẻ. Đắk Lắk vốn dĩ là thủ phủ của bơ, người dân trồng bơ khắp nơi nhưng lại ít có thói quen sử dụng, các chế phẩm từ bơ hầu như chưa có trong đời sống của bà con. Chị Hằng rủ bạn thử nghiệm làm bột bơ và dầu bơ. Chọn loại bơ tươi thuần giống, Hằng gửi ra cơ sở chế biến ở miền bắc xử lý. Kết quả không như mong muốn: bột bơ không thể ăn được vì bị đắng, dầu bơ chất lượng rất tốt nhưng giá thành đội lên quá cao so với dầu bơ nhập khẩu trên thị trường... Thua keo này bày keo khác. Hằng lọ mọ học cách chiết xuất tinh dầu, xà-phòng thủ công. Rồi chị lấn sang tìm tòi cách làm son dưỡng môi, kem dưỡng da... Các sản phẩm lần lượt ra đời thăm dò thị hiếu khách hàng. Những mẻ sản phẩm mộc mạc được gia đình bạn bè dùng thử, khen ngợi khích lệ. Năm 2016, bắt đầu với số tiền ít ỏi trích từ đồng lương giáo viên, mặt bằng sản xuất thì tận dụng kho xưởng của gia đình, chưa đủ sức thuê thêm nhân công, Hằng tự tay làm hết mọi công đoạn từ thu gom nguyên liệu đến thử nghiệm, đóng gói bán hàng. Từ quả bơ trên cây thu mua về nhà xưởng, luôn cần sự chu đáo tỉ mỉ trong khâu chế biến sau thu hoạch, và cũng mất khá nhiều chi phí thử nghiệm để đi đến thành công như hiện nay. Sau nhiều lần được địa phương giới thiệu, hỗ trợ tham dự các chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại, Hằng có cơ hội tiếp xúc và trở lại hoàn thiện sản phẩm mỹ phẩm từ trái bơ tốt hơn. Thu Hằng mạnh dạn mang sản phẩm đi tham dự các cuộc thi uy tín trong nước, tham gia bán hàng ở những hội chợ lớn. Dần dần chị kết nối được với nhiều người hơn, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn. Đã có nhiều đầu mối mong muốn được hợp tác làm đại lý ở các tỉnh, thành phố và cả nước ngoài.

Chị không ngừng tìm kiếm, xây dựng các dòng nguyên liệu tốt nhất, chất lượng ổn định để đưa vào dây chuyền sản xuất. Các sản phẩm của Pam’s trước khi đến tay người tiêu dùng đều được kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng, công bố minh bạch, rõ ràng nhằm tạo lòng tin để khách hàng luôn yên tâm sử dụng. Hằng cũng tự nhận thấy, mọi thứ mới chỉ giai đoạn chạy thử nghiệm. Sản phẩm tốt thôi chưa đủ, cần phát triển đa dạng các sản phẩm để tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng.

Từ nhu cầu bản thân, chị quyết định khăn gói về TP Hồ Chí Minh học hỏi thêm kiến thức về kinh doanh cũng như khâu quản lý phân phối trong sản xuất... Hiện nay, ngoài bơ, chị còn làm xà-phòng, tinh dầu, dầu gội đầu, son môi, dầu dưỡng da, trà xông mặt từ các loại nông sản và dược liệu như chanh dây, trái gấc, trái mắc ca, lá chè xanh, lá dâu tằm, củ hà thủ ô, vỏ quế... Tất cả đều là nguồn nguyên liệu có sẵn tại các tỉnh Tây Nguyên.

Hằng nghiệm ra, để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng và tương tác tốt hơn với khách hàng, cần có sự hợp tác chung tay của nhiều người. Hằng năng nổ tham gia các cuộc thi, các hoạt động cộng đồng có tính lan tỏa. Giờ đây, khi đã vượt qua chặng đường khó khăn nhất, chủ nhân của thương hiệu Pơ Lang đã có thể tự tin chia sẻ về quá trình vượt qua thử thách để khởi nghiệp. Hằng mong muốn tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế với nguồn gốc Made in Vietnam được chế biến theo cách gần với tự nhiên nhất.

Tháng 6 vừa rồi, Hằng mang sản phẩm của mình tham gia Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn do BSA (Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp) tổ chức, lọt vào vòng chung kết, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 10,11-11 tới đây. Năm 2020, chị tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2020, qua vòng sơ khảo và đang tiếp tục được bình chọn. Cũng năm nay, chị tham gia cuộc thi Startup Wheel và lọt vào top 100 dự án xuất sắc. Từ trải nghiệm qua các cuộc thi đó, Hằng luôn chia sẻ với lớp trẻ, hãy cứ mạnh dạn quăng mình vào cuộc sống để trải nghiệm. Từ các cuộc thi, chị nhận được nhiều thứ, từ kiến thức trong và ngoài lĩnh vực, các mối quan hệ xã hội, có thêm những người cộng sự, những người thầy đáng kính. “Đừng vội so đo tính toán thiệt hơn. Ta phải luôn đặt mình ở tâm thế mở, hạ cái tôi xuống, cần phải lắng nghe và học hỏi. Học hỏi để thay đổi, học hỏi để lớn lên, học hỏi cả từ sự thất bại ở cuộc thi và trên thương trường...”, Hằng trải lòng.

Bên cạnh sản xuất, kinh doanh, để tiếp thêm năng lượng tích cực cho cuộc sống, Hằng cùng team của mình thường xuyên tổ chức phát động các hoạt động cộng đồng mang tính lan tỏa. Đầu năm học mới phát động thu gom sách vở, đồ dùng học tập, gây quỹ mua đồng phục về kịp tặng cho trẻ em vùng khó khăn dịp năm học mới. Khi dịch Covid-19 hoành hành, Thu Hằng cùng team của mình phát động chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh...

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân vừa được tổ chức ở TP Buôn Ma Thuột mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn và tiếp tục dồn sức đầu tư xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nông dân. Mỗi một người dân đã hiện thực hóa chính sách, từ những việc làm nhỏ và cụ thể, dự án Pơ Lang của núi rừng Tây Nguyên, đã làm theo cách riêng, như thế.


 
 
 

Cùng chuyên mục

Từng cán bộ, Đảng viên là hạt nhân đoàn kết đảm bảo uy tín, hình ảnh của tổ chức Hội

Từng cán bộ, Đảng viên là hạt nhân đoàn kết đảm bảo uy tín, hình ảnh của tổ chức Hội
Sáng 29/12, Đảng ủy cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024; tổng kết Đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023) và 75 năm Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan TW (07/11/1948 – 07/11/2023).

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ năm 2024

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ năm 2024
Chiều 28/12, tại Hà Nội, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, đại diện người lao động cơ quan năm 2023.