Nhận thấy, trên thị trường hàng mây tre lá xuất khẩu phải luôn có mẫu mã mới để giới thiệu đến khách hàng; đồng thời tìm hiểu biết trong nước có nhiều nguyên liệu thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường, như dây cói ở các tỉnh phía Bắc và thân cây lục bình ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, nếu dùng để tạo ra các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam chắc chắn sẽ được khách nước ngoài yêu thích. Từ đó, chị đã mày mò tìm cách làm ra bồ đựng trái cây đan bằng 2 nguyên liệu dây cói và dây lục bình và thật vui khi sản phẩm của chị được khách hàng đón nhận và đánh giá cao. Sau khi sản xuất thử thành công, Hợp tác xã đã sản xuất được lô hàng 60.000 chiếc, mang về lợi nhuận đạt 420 triệu đồng.
Gắn bó với Hợp tác xã 20 năm, chị Hà không chỉ chăm chỉ, sáng tạo trong công việc mà chị còn luôn sẵn lòng chia sẻ, hướng dẫn đồng nghiệp. Chị đã tham gia hướng dẫn, huấn luyện đào tạo cho khoảng 180 công nhân của hợp tác xã, trong đó có 75 công nhân và 5 chị phụ nữ dân tộc Chăm ở phường 17 trở thành thợ giỏi được hợp tác xã khen thưởng.
Chị Hà cho biết, cũng chính từ việc nhận dạy nghề mà chị đã đến gần với công tác Hội địa phương, tham gia nhiều hội thi về sáng tạo đồ dùng mỹ nghệ, sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa và đạt nhiều giải thưởng; tham gia hội thi của Quận trang trí trưng bày gian hàng ẩm thực nhân Ngày Gia đình Việt Nam. Khi Hội Phụ nữ phường cần là chị luôn sắp xếp công việc, sẵn sàng tham gia các hoạt động Hội.
Chị đã được nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2019 từ sáng kiến đan bồ đựng trái cây bằng dây cói và dây lục bình.