Với đặc thù của khu vực có địa hình phức tạp, dân cư đông đúc, sống tập trung tại các con hẻm nhỏ. Chi hội đa phần chị em phụ nữ sống bằng các nghề mua bán nhỏ, thu nhập bấp bênh. Nhưng vượt lên tất cả mọi khó khăn, chị Hạnh đã kiên trì trong công tác vận động, tập hợp hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động, phong trào do Hội LHPN phường tổ chức. Trong đó, tập trung giải quyết về các nguồn vốn để giúp chị em hội viên chi hội cùng giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đến nay, khu phố 4 đã không còn hộ nghèo và còn 1 hộ phụ nữ cận nghèo và chi hội 4 luôn là chi hội dẫn đầu trong các hoạt động của phường Thị Nại.
Năm 2021, khi đại dịch Covid-19 hoành hành cũng là lúc chồng và con của chị Hạnh thất nghiệp, phải ở nhà không có thu nhập. Để gánh vác kinh tế gia đình trong lúc khó khăn, với những kinh nghiệm trong công tác vận động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, chị đã lên kế hoạch và hiện thực hoá ý tưởng “Bếp Hạnh”. Chị vốn xuất thân từ một gia đình làm nông ở phường Nhơn Bình. Khi lấy chồng, chị về phường Thị Nại sinh sống và có cơ duyên tiếp xúc với nghề làm nước mắm truyền thống của gia đình chồng (gốc ở Phú Yên), cộng với sự khéo léo kinh nghiệm của người nội trợ, chị đã tự mình học hỏi và làm thêm những sản phẩm chế biến ra các món ăn ẩm thực nhà làm như rượu nếp, chả ram tôm đất, chả giò thủ, rượu nếp sữa, tai mũi heo ngâm mắm, da heo tỏi ớt; các loại mắm gồm nước mắm nhĩ cá cơm, mắm thu xay, mắm thu lát, mắm ruốc, mắm ruột. Lúc đầu các sản phẩm chị làm ra chủ yếu người quen ủng hộ mua là chính. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” do tỉnh, thành phố tổ chức, đã khơi gợi được sự đam mê khởi nghiệp trong chị, từ sản phẩm chưa có tên tuổi, ít người biết đến, chị đã mạnh dạn đặt tên cho sản phẩm với tên gọi “Bếp Hạnh”. Chị đã tích cực áp dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, đăng tải sản phẩm, bán hàng qua mạng xã hội và áp dụng việc thanh toán của khách nhanh chóng qua các dịch vụ chuyển tiền thông minh và quét mã QR, tích cực tham gia các Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp do tỉnh, thành phố tổ chức, từ đó đã có nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của chị. Đến nay sản phẩm của chị đã có tên trên thị trường không chỉ trong thành phố mà còn được biết đến rộng rãi ở ngoài tỉnh.
Tuy bận rộn với công việc kinh doanh nhưng chị luôn hoàn thành tốt vai trò của một chi hội trưởng phụ nữ, tích cực trong mọi công tác, hoạt động Hội. Chị thường xuyên đi sâu sát nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng chị em, từ đó vận động chị em tham gia vào Hội và quan tâm giúp đỡ hội viên, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chị thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, khởi nghiệp kinh doanh với các chị em, nhất là những kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm đến người tiêu dùng. Tích cực tham gia các lớp tập huấn về kinh doanh, khởi nghiệp do Hội LHPN các cấp tổ chức để nâng cao kiến thức trong kinh doanh. Không những thế, chị luôn tích cực tuyên truyền các chị em, trong sản xuất, kinh doanh chú trọng lựa chọn nguyên liệu tươi ngon, an toàn và tốt cho sức khỏe, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với sự nỗ lực miệt mài trong thời gian gần 20 năm đóng góp vào hoạt động Hội, chị Đoàn Thị Hạnh đã được các cấp ghi nhận, được TW Hội LHPN Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam”; được vinh dự nhận Bằng khen của Hội LHPN tỉnh Bình Định tại Hội nghị “Biểu dương phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi” năm 2023 và các giấy khen của Hội LHPN thành phố Quy Nhơn và của địa phương.